Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng – Góc nhìn từ phía Sông

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2024 | 3:39:31 Chiều

Khó khăn lớn nhất của Đề án Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng là tìm được sự cân bằng trong thế đứng “chênh vênh” giữa các yếu tố địa thế và “tung hứng” khá nhiều các công năng cần có.

Với lợi thế to lớn của không gian độc đáo hơn 300 ha dành cho sáng tạo, Bãi Giữa sông Hồng lại như bị bóp nghẹt các tầm nhìn bởi đe dọa của bão lũ và quy định phòng, chống thiên tai. Đầu tiên là phải hiểu đúng phạm vi không gian sáng tạo thực có sau khi đã thỏa mãn tối đa các yêu cầu về thoát lũ, phòng tránh thiên tai được quy chiếu đến Bãi Giữa. Có lẽ vì thế, tư duy "trên sông” đối với Công viên Bãi Giữa khác nhiều với tư duy "trên đất” quen thuộc trong các đô thị.

Thoát lũ, an toàn lũ – Thách thức đầu tiên

Yêu cầu đầu tiên của Đề án Công viên này là đảm bảo không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm. Theo đó, Bãi Giữa được xác định là không gian thoát lũ, chứa lũ không được phép thu hẹp, không quy hoạch xây dựng, hoặc nghiên cứu xây dựng công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai, thay đổi mục tiêu, tiêu chuẩn phòng, chống lũ của cả hệ thống sông Hồng(1). Tiêu chuẩn được nói đến là đảm bảo an toàn với mực nước lũ thiết kế tại trạm Thủy văn Long Biên Hà Nội tới 13,4 m, tương ứng với lưu lượng lũ thiết kế là 20.000 m3/s(2).


Hoàng hôn Bãi Giữa sông Hồng. Nguồn Custom Asia Travel

Trong thực tế, vào mùa lũ, nước sông lên cao ở khu vực lòng sông, bãi nổi thường xuyên tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong trường hợp hồ chứa thượng nguồn xả lũ khẩn cấp, hoặc xuất hiện lũ lớn trên sông Hồng. Việc nước dâng ngập Bãi Giữa, chỉ nhìn thấy ngọn cây là chuyện thường xảy ra. Năm ngoái, ngày 16/6/2022, khi hồ Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy, mực nước sông Hồng mới ở mức 7m, thấp hơn cấp báo động I là 2,5m mà khu vực Bãi Giữa chỉ nhìn thấy ngọn cây(3).

Khi sông Hồng có báo động III, tương ứng mực nước lũ +11,50m tại trạm TV Long Biên, thì toàn bộ Bãi Giữa bị ngập sâu, đặc biệt là những năm 1968, 1969, 1971, 2002.

Gần đây, sông Hồng không xảy ra lũ lớn, trên 15 năm chưa có báo động lũ. Phần nhô cao của các bãi giữa không bị ngập trong mùa nước. Các lạch cạn ven bờ có xu thế bồi. Đâu đó nảy sinh tư tưởng chủ quan trong khai thác, quản lý, sử dụng, lấn chiếm các bãi bồi, bãi giữa, dẫn đến các diễn biến phức tạp vi phạm đê điều, đất đai, trật tự xây dựng, cứ như dòng chảy đã thay đổi, nguy cơ bão lụt đã không còn. Nghiêm trọng hơn là tình trạng đổ thải, san lấp tạo mặt bằng, mua bán, bao chiếm đất trái pháp luật ở khu vực này.

Có lý do để lo lắng thêm về nhận thức và hành động của người dân, bởi các hiện tượng kể trên xảy ra trong khi Chính phủ yêu cầu rất nghiêm ngặt, tiêu chuẩn phòng, chống lũ đến năm 2030 tại khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội phía hữu ngạn sông Hồng phải đảm bảo an toàn với lũ thiết kế có chu kỳ lặp lại 500 năm; đến năm 2050 chu kỳ lặp lại được yêu cầu là 700 năm(4).

Sự xuất hiện của Công viên sẽ khiến Bãi Giữa "nóng” thêm bởi những vi phạm lằn ranh phòng, chống lụt bão, an toàn thiên tai, bảo tồn hệ sinh thái, môi trường, chất lượng nguồn nước…

Hơn nữa, không gian chứa và thoát lũ của Bãi Giữa lại liên hoàn với kết quả quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới trên các bãi bồi hai bờ sông Hồng. Chúng có tác động tương hỗ đến dòng chảy và không gian an toàn lũ chung của đoạn sông này. Vì thế, Đề án Công viên Văn hóa cảnh quan Bãi Giữa không thể đứng riêng như một Đề án độc lập, tách khỏi hệ thống giải pháp an toàn phòng chống thiên tai và tổng thể các hành động tạo lập trục không gian đặc biệt, đặc trưng văn hóa, cảnh quan, sinh thái, kinh tế xanh của Hà Nội dọc theo sông Hồng, nằm trên địa bàn 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, từ phía Bắc lấy đến đê tả ngạn, đến phía Nam lấy đến đê hữu ngạn sông Hồng.


Các bãi bồi, bãi giữa là nơi trú đông, sinh sống, làm tổ của nhiều loài chim hoang dã, di cư. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiệp

Dường như đâu đó, sự chủ quan cũng đang đồng hành trong những bước đầu tiên của Đề án này. Chúng tôi không thấy những trăn trở đủ mức về yêu cầu thoát lũ, phòng chống thiên tai trong đề xuất ý tưởng và mục tiêu sơ bộ. Vẫn chỉ là những quan tâm theo tư duy "mặt đất” về sử dụng đất chưa hiệu quả; lấn chiếm xây dựng nhà tạm; vi phạm trật tự xây dựng; vệ sinh môi trường; phát triển kinh tế xã hội, khai thác du lịch; an ninh quốc phòng(5). Điều đó chưa đủ để xây dựng một công viên bền vững trên mặt nước, giữa dòng chảy sông Hồng.

Vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, giúp xác định rõ hơn khung khổ không gian, các "lằn ranh đỏ” của công viên đặc biệt này. Có lẽ, sự đặc biệt có tính xuyên xuốt trong Đề án Công viên này là cách tiếp cận "Phi công trình”, "Công viên tự nhiên”. Ở đó, hiệu quả đứng sau tính an toàn và bền vững, tác động kinh tế, xã hội đứng sau đối với thiên nhiên, môi trường…

Công viên văn hóa cảnh quan – góc nhìn sự hài lòng của người dân

Người dân muốn gì ở Công viên Bãi Giữa? Chúng ta đã thành công với khá nhiều công viên có công năng văn hóa trong các đô thị. Nhưng bên cạnh những "viên ngọc” quý vẫn còn đó chỏng chơ vài công viên lớn chưa vươn tới được tầm hấp dẫn cần có. Sự "chỏng chơ” đó chính là sự không mặn mà, không hài lòng với nó của người dân. Công viên Bãi Giữa nằm ở địa thế nhạy cảm đặc biệt xét theo nhiều góc độ. Ý tưởng và giải pháp tạo lập cảnh quan văn hóa của Công viên lại càng phải sâu sát thực tế, phù hợp với yếu tố địa lý của nó. Đặc biệt, phải nhận được sự hài lòng của người Hà Nội.

UBND Thành phố Hà Nội hoàn toàn đúng đắn khi xác định tính chất và chức năng chính của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng(6), trên cơ sở đó cho phép nghiên cứu xây dựng Đề án Công viên văn hóa đa chức năng Bãi Giữa để phục vụ người dân…

Thực tế cho thấy, tuy chủ trương rất đúng, nhưng Đề án Công viên không dễ nhận được sự ủng hộ của dư luận, bởi đơn giản là họ liên hệ đến thực trạng không mấy tích cực của các công viên hiện có ở Hà Nội. Chỉ bằng các tác động đủ tốt của công viên mới thuyết phục được người dân. Vì vậy, trước khi tính toán hiệu quả kinh tế, phác ra những hấp dẫn cho các nhà đầu tư, cần đặt sự hài lòng của người dân lên đầu, coi đó là chỉ tiêu số 1 trong đánh giá tác động. Nếu vì sự hài lòng đó mà phải thay đổi cơ chế, phương thức gọi đầu tư thì cũng nên làm.

Người dân có thể hoài nghi tính khả thi của chủ trương Công viên Bãi Giữa, liệu có thực tế, hay chỉ là viển vông. Sẽ ảnh hưởng thế nào đến dòng chảy, môi trường, hệ sinh thái của sông. Họ băn khoăn về những công trình mọc lên, về bê tông hóa, mất đi một vùng cây cối, đất đai mầu mỡ, sinh lợi cho sản xuất nông nghiệp, một không gian thanh bình miễn phí cho người yêu thích thiên nhiên, để đổi lấy chốn dịch vụ mất tiền, nhiều vấn nạn, thu hẹp cơ hội tiếp cận sông của người dân…

Băn khoăn, hoài nghi không có nghĩa là phản đối. Người dân ủng hộ, nhưng cảnh tỉnh – Những người quan tâm đều đề nghị khai thác lợi thế của Bãi Giữa để làm một công viên văn hóa, cảnh quan tự nhiên xanh, đa chức năng một cách thích ứng với sông, vừa du lịch, giải trí, vừa giáo dục, tiếp tục phát triển hợp lý kinh tế nông nghiệp…

Công viên Bãi Giữa sẽ là hiện thân của văn hóa đô thị hay làng quê? Dù gì nó cũng cần trở thành một trong những danh thiếp văn hóa của Hà Nội, nhưng không có nghĩa phải can thiệp, công trình hóa, bê tông hóa để "chống lại nước”.

Hiện Bãi Giữa và các bãi ven sông thu hút người dân Hà Nội chính là nhờ không gian khác lạ của miền quê sông nước. Đô thị hay làng quê, tên gọi không quan trọng, nhưng đừng để nơi đây diễn ra sự cưỡng bức của đô thị hóa, lặp lại một cách nhàm chán các hoạt động công viên đô thị. Công viên Bãi Giữa cần độc đáo riêng có, tạo ra ham thích mới cho người dân thủ đô và khách du lịch: "Chỉ ở đây mới có, ở đây có đầu tiên, ở đây là hay nhất, tốt nhất, thích nhất…”. Đó nên là hình ảnh và chất liệu chắt lọc của làng quê Đồng bằng sông Hồng: Giữ lại không gian êm đềm, thanh bình; tạo lập các góc chủ đề kiểu "làng lúa làng hoa”, vận dụng với nghề chài lưới, gốm sứ, bãi mía, nương ngô, trồng dâu nuôi tằm, làm vườn, câu cá, thả diều…

Theo hướng "làng trên sông” dễ thực hiện các giải pháp "phi công trình”. Đồng thời khai thác mạch các ý tưởng như: Tái hiện văn hóa vùng miền độc đáo; tạo lập bảo tàng sống về lịch sử kiến tạo sông Hồng gắn với các truyền thuyết dân tộc Việt, với ký ức Kinh đô Thăng long vươn lên ở trong sông…

Xin được thống nhất khái niệm "Phi công trình” được dùng ở đây. Nó không có nghĩa là "phi vật thể” và chỉ mang nghĩa tương đối là "phi xây dựng” nhà cửa hay các công trình, kết cấu, can thiệp quá nhiều vào không gian vốn có của Bãi Giữa, trong khi vẫn bao gồm các công việc chỉnh trang, cải tạo, đào đắp, xây lát hồ nước, ao cá, đường đi, tuyến phân chia, tôn tạo, làm mới cảnh quan…

Quảng bá văn hóa ở Bãi Giữa không nhất thiết phải thực hiện bằng giải pháp công trình, ảnh hưởng đến không gian thoát lũ. Văn hóa nên dựa trên cảnh quan, vào bảo tồn, chỉnh trang thiên nhiên, vào môi trường nhân văn, thân thiện hòa nhập với môi trường thiên nhiên. Nó là sự thể hiện sự tôn trọng sinh thái.

Văn hóa nên được truyền tải qua những cảnh quan tình huống, đưa con người hiện đại từ sách vở đến môi trường văn hóa trực quan, cảm nhận thế giới thiên nhiên, tâm linh trong sự thư thái làng quê không giới hạn theo thời gian, không gian và tư duy. Các hoạt động bảo tồn, khôi phục, làm đẹp thiên nhiên là loại hoạt động có văn hóa nhất của con người.

Triết lý "chọn việc thiện, bỏ việc ác” trong cảnh quan tình huống phù hợp là một ví dụ quảng bá và giáo dục văn hóa Việt. Bí quyết thành công của nhiều chủ đề văn hóa là cho phép du khách trải nghiệm nó một cách khách quan, chứ không phải các hình thức tuyên truyền nghe nhìn, tờ rơi, tranh ảnh cũ mòn.

Con người thường khó có cảm giác mới lạ, nếu không bị thu hút bởi những điểm nhấn kiến trúc đặc biệt. Vì thế, hãy để họ trải nghiệm khám phá những điều bình thường nhưng thú vị, có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày trong không gian cảnh quan Bãi Giữa. Điều này gợi ý cách kiến tạo riêng biệt của Công viên này.

Không nên và cũng không thể tạo cho Bãi Giữa một bộ mặt gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ các công trình kiến trúc. Hãy để nó cách điệu theo hướng "làng trên sông”, giữ lại sự đơn giản kết hợp chào đón diện mạo mới; là nơi "bình dân nhưng đặc biệt”, theo nghĩa dễ đến cho tất cả mọi người, không cần phải thực hiện một chuyến đi công phu nào để đến, nhưng có những điều rất đặc biệt bên trong, tuyệt nhiên không phải là một công viên bình thường, miễn phí thông thường.

"Bình dân” đến mức người dân tiện đến để nghỉ ngơi cuối ngày, cuối tuần mà không vướng ngại gì. Nhưng sự nghỉ ngơi đơn giản cũng có thể trở thành trải nghiệm, có cơ hội để trở thành đặc biệt, như ngắm hoàng hôn, hòa mình vào lau lách, vào mạn thuyền nghe sóng vỗ, chụp ảnh ở mặt nước, thư giãn với những thứ sẵn có ở Bãi Giữa. Trải nghiệm ở Bãi Giữa cần khác biệt nhờ cung cấp cho con người năng lượng sạch, tích cực, thân thiện từ thiên nhiên và văn hóa – một dạng đi chơi được thay máu, không mệt mỏi.

Biến những thứ sẵn có đến thừa thãi của Bãi Giữa thành tài nguyên, đặc sản cho trải nghiệm, thư giãn, hưởng thụ. Đó là Gió cộng với Âm thanh của nó, của cánh diều, sóng vỗ, từ cỏ cây cây, lau lách… thành "âm vang sông Hồng”. Là Nước cộng với hiệu ứng Lênh đênh của sóng, thuyền, câu cá, kéo lưới… Là Nắng với hiệu ứng chữa bệnh, cảnh sắc check in. Không gian bao la cộng với bầu trời là thế giới của thả diều, thả đèn trời, hoa đăng, vẽ tranh, lặng lẽ với hoàng hôn…

Bãi Giữa sông Hồng còn có sinh thái vườn chim. Ở đó và các khu vực bãi bồi là nơi dừng chân, trú đông, sinh sống, làm tổ của rất nhiều loài chim hoang dã, di cư, gồm cả những loài nguy cấp (EN), cực kỳ nguy cấp (CR) ở mức độ toàn cầu. Công viên mở cửa với người dân, nhưng đừng "đóng cửa” với các loài di cư.

Với vẻ hoang sơ ít ỏi còn giữ được, hiện Bãi Giữa là nơi đến hàng ngày của một bộ phận khá đông người tắm sông, cắm trại, ngồi tĩnh lặng với các đặc sản nắng, gió, nước sông, bầu trời… Công viên tới đây đừng làm tan rã đám đông đó, mà ngược lại, có nhiều hơn các nhóm hâm mộ khác, mở rộng cơ hội tiếp cận sông cho người dân, giữ nguyên cảm nhận nhịp sống xanh, thêm nhiều trải nghiệm bờ sông mới với các giải trí, thư giãn, cảm nhận văn hóa, cảnh quan được tôn tạo, kể cả ẩm thực, giải khát đặc thù phong cách truyền thống làng quê…

Hà Nội là "Đất trăm nghề, quê trăm món”. Không gian của Bãi Giữa sẽ giúp tạo nên một cách sát thực các "nẻo đường quê”. Có thể tổ chức nhiều sự kiện, như "Triển lãm Làm vườn”, "Garden Expo”, "Flower Expo”, "Hội chợ triển lãm Thủ công mỹ nghệ”, "Vườn Điêu khắc”, "Vườn Gốm”, "Làng Mây tre”, "Làng dâu tằm – làng lụa” và nhiều mô hình tích hợp khác, các sân chơi, sân thi cho nghề truyền thống, mà cơ sở hạ tầng thiết yếu không đòi hỏi xây dựng những công trình gây cản lũ, dễ bị lũ phá hủy.

Công viên Bãi Giữa – Mục đích giáo dục

Hà Nội đang rất thiếu những khu vực nông nghiệp trải nghiệm, làng nghề trải nghiệm và các nội dung trải nghiệm khác mang tính giáo dục. Lớp trẻ của thành phố thiếu giáo dục văn hóa, nghề nghiệp, kỹ năng sống… là nguyên nhân của tỷ lệ tội phạm ngày càng tăng, môi trường ngày càng bị phá hủy.

Theo hướng làng thuận thiên, làng nghề trải nghiệm và nông nghiệp trải nghiệm, Công viên Bãi Giữa là cơ hội giáo dục dành cho học sinh, thanh thiếu niên. Vì thế, cũng nên ngay từ giai đoạn thiết kế ý tưởng nên chọn đúng các nhóm đối tượng ưu tiên của từng phân khu trong Công viên.

Tác động giáo dục của Công viên dựa trên nội hàm đa chức năng và tính mở của các hoạt động, phụ thuộc vào cách tiếp cận mới, phù hợp, không nhàm chán của quảng bá văn hóa, lịch sử và các trải nghiệm. Trải nghiệm giáo dục nên tổ chức theo sự kiện, theo mùa, theo những cơ hội tự nhiên và nhân tạo, không nên thường xuyên, thừa thãi, khiến con người trở nên lười biếng, coi rẻ.

Điểm cộng của Công viên Bãi Giữa là hoạt động của nó có tính chất mùa theo thủy văn sông, theo thời tiết. Bốn mùa ở Bãi Giữa khác nhiều với bốn mùa trong thành phố. Lại có hai phía bờ khác biệt của Bãi. Điều đó tạo nên sự đa dạng, phong phú và cơ hội của các sự kiện.

Các chuyên gia du lịch nông nghiệp nên tham gia thiết kế các sự kiện mùa câu cá sông, mùa làm vườn bãi, mùa trồng hoa, mùa thu hoạch, mùa hái dâu nuôi tằm, mùa hoa lau làm chổi…

Các chuyên gia văn hóa cần thiết kế cho Công viên trở nên đặc sắc hơn nhờ dấu ấn của âm thanh địa lý riêng biệt. Cùng với "âm vang sông Hồng” nổi lên từ sóng nước, gió trời, âm điệu ở Bãi Giữa cần có cảnh quan văn hóa độc đáo, tạo khung cảnh tái hiện những âm thanh đặc trưng, thể hiện lối sống, lịch sử, văn hóa vốn có của người dân Đồng bằng sông Hồng, tái hiện Làng văn hóa dân gian với những làn điệu dân ca từ thượng nguồn đến hạ lưu châu thổ, các âm vị, âm điệu cổ điển mang tính biểu tượng trong các phương ngữ dân tộc lưu vực sông Hồng… Bằng cách đó, Công viên Bãi Giữa sẽ là danh thiếp âm thanh mang tính biểu tượng nhân văn, hào hùng, linh thiêng của sông Hồng – Thăng Long.

Thêm vài ý tưởng về sự bền vững

Đó không phải là vấn đề cuối cùng, mà là đầu tiên. Không có chiến lược đúng đắn về tính bền vững, Công viên Bãi Giữa sẽ không thể được đầu tư, dù là từ nguồn nào. Tính bền vững của Công viên Bãi Giữa tất yếu dựa trên tính bền vững của hệ sinh thái, của phát triển văn hóa. Phát triển sinh thái bền vững đòi hỏi xây dựng công viên không gây tổn hại đến dòng chảy, thoát lũ và môi trường sinh thái, phải tuân theo các nguyên tắc thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên. Nó còn là sự bền vững với nước lũ và phù sa. Sự phát triển bền vững của văn hóa đặt ra những yêu cầu có tính toàn diện, bao gồm những tiếp biến đa mục tiêu của nó.

Ở đây chỉ xin bổ sung một số ý tưởng bền vững trong cách ứng xử với dòng sông, với Bãi Giữa, trong chiến lược nước, cách tiếp cận "bọt biển” trong xây dựng.

- Trong ứng xử với dòng sông không có chỗ cho tư duy "thay đổi”, mà phải là "chung sống mềm mại”. Đó là yêu cầu thuận theo quy định pháp luật và cũng "thuận thiên”. Nguyên tắc cơ bản là không chiếm không gian chứa lũ, không cản dòng chảy ảnh hưởng đến không gian thoát lũ, không làm thay đổi dòng chảy. Ví dụ, nước vẫn lượn qua Bãi Giữa theo các đường viền thiên tạo, tràn theo các tầng mực nước, chúng được chỉnh trang, gia cố thêm dành cho con người. Chính những con kè, đường viền kiểu ruộng bậc thang đó mô tả cho du khách hiểu các chế độ chảy theo mùa nước của con sông – một sự hiểu biết rất bổ ích từ trực quan đơn giản.

- Ứng xử với Bãi Giữa nên theo cách tiếp cận "liệu pháp châm cứu”. Nghĩa là đau đâu chữa đó, điểm đúng huyệt, can thiệp đúng chỗ, đủ mức, hiệu ứng cao. Cái gì giữ được thì giữ, hạn chế tối đa xây mới cứng nhắc, đường đột. Nó có thể trở thành liệu pháp của văn hóa, chèn cái hiện đại, cái mới và nhu cầu giải trí đương thời vào lịch sử…

- Liệu pháp "bọt biển” cũng cần linh hoạt để giảm tối đa thiệt hại tài sản và không ảnh hưởng đến cảnh quan thẩm mỹ. Ví dụ, các ao câu cá nên giấu trong đó một cách khéo léo lồng nuôi cá theo công nghệ "nuôi biển”, an toàn về kết cấu, nuôi giữ được thủy sản trong điều kiện sóng gió, nước ngập, thậm chí bão lớn.

- Ngoài ra, có thể ứng dụng giải pháp này cho những kết cấu kiến trúc khác hai bên bờ Bãi Giữa. "Bọt biển” cần phối hòa vào cảnh quan thiên nhiên, tạo thêm nét quyến rũ của Bãi Giữa.

- Giải pháp "bọt biển” không chỉ có nghĩa là "nổi”, mà còn là "trên mặt nước”. Ví dụ các bờ kè bậc thang không nên quá cao, cần sát mặt nước, mô phỏng bãi sông tự nhiên.


Đường kè mép nước ở Công viên bờ sông Ninh Ba - Chiết Giang TQ. Nguồn Sasaki Thượng Hải

- Chiến lược nước cần tính toán đúng dòng chảy, mực nước, các ranh giới chứa lũ, thoát lũ ở Bãi Giữa. Phải nghiên cứu lưu tốc dòng chảy lớn, sự lún sụt, sạt lở bờ, bãi sông khi có lũ lớn, cũng như sự kết tụ, bồi lắng phù sa. Hằng năm phải xây dựng phương án phòng chống lụt bão, chủ động đảm bảo an toàn… Nó không chỉ đề xuất không gian xây dựng an toàn của Công viên, mà gợi ý những những giải pháp lợi dụng nước để Công viên độc đáo hơn, hiệu quả hơn.

- Biến một nơi có quá nhiều khiếm khuyết, mọi hoạt động ở đó chỉ là tạm thời, thành một địa chỉ phát triển bền vững, một danh thiếp văn hóa, cảnh quan du lịch không chỉ của Thủ đô, mà còn của cả một dòng sông lớn, là sự thay đổi tầm thế kỷ.

- Bãi Giữa đang gắn với sông nước tự nhiên, với hệ sinh thái bãi bồi, với nông nghiệp thuận thiên, với du lịch cảnh quan làng quê, thì hãy để nó tiếp tục phát triển, trở thành Công viên theo hướng đó, thuận theo lòng người, giải quyết tối ưu bài toán thương lượng bốn chỉ tiêu: Hiệu quả đầu tư; Hài lòng của người dân; Tôn trọng thiên nhiên môi trường; Đảm bảo phòng, chống thiên tai, thoát lũ…

TSKH Bạch Quốc Khang 
GS.TS Nguyễn Tuấn Anh 
Chuyên gia Nông thôn mới 
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)

Ghi chú

(1) Quyết định 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/20022 của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Điều 1, khoản 3.

(2) Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016, điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023

(3) Theo báo Tin tức, TTXVN.

(4) Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016.(5) Được nêu trong các văn bản của bốn quận.(6) Quyết định 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 đã dẫn.

Theo Tạp chí Kiến trúc
  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).