Đảng ta với chiến lược bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/8/2024 | 5:04:17 Chiều

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tóm tắt:

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo với phương châm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, thông qua các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị… của Đảng xuyên suốt qua các nhiệm kỳ Đại hội để bảo đảm sự nhất quán, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Từ khoá: bảo vệ môi trường, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường.


Đoàn viên thanh niên, Hội viên phụ nữ và cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tại thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) tham gia vệ sinh môi trường biển. Ảnh tham khảo

Quan điểm của Đảng trong chiến lược bảo vệ môi trường

Trong 20 năm qua, tính từ thời điểm Bộ Chính trị khoá IX ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xác định "Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tốt bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của Nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”; "Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, xác định "Môi trường là vấn đề toàn cầu, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”. 

Để hiện thực hoá nhiệm vụ chính trị, chủ chương của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kết luận chỉ rõ quan điểm, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Cùng với đó, trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc từ lần thứ IX đến lần thứ XIII của Đảng xác định bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên quốc gia, cải thiện môi trường tự nhiên là việc làm cần thực hiện thường xuyên, liên tục, cụ thể:

Đại hội IX, trong Báo cáo Chính trị khẳng định: "Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, coi đây là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường côgn tác quản lý ở tất cả các lĩnh vực, các vùng; thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường”.

Đại hội X, Đảng tiếp tục xác định: "Bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiện môi trường tự nhiên”.

Đại hội XI, tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định: "Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái”.

Đại hội XII, Đảng ta xác định: "Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng huỷ hoại làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất,…Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trọng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường”.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Đảng đề ra những mục tiêu cụ thể

Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX xác định cụ thể 3 mục tiêu: (1) Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; (2) khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường; (3) xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đề ra các mục tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2020: Về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.


Nhân dân tỉnh Quảng Trị hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2024. Ảnh tham khảo

Đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực. 

Nghị quyết xác định đến năm 2020 không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông được xử lý; tiêu huỷ, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt. Phấn đấu 95% dân cư thành thị và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh. Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt môi trường làng nghề và khu vực nông thôn. Quản lý khai thác hợp lý, sớm chấm dứt khai thác rừng tự nhiên, nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha; nâng độ che phủ của rừng lên trên 45%.

Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị ban hành: Yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI, trong đó tập trung thực hiện tốt các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 được nêu trong Nghị quyết số 24.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII, XIII của Đảng: 

Đại hội IX đề ra mục tiêu: Tiếp tục thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo đảm 60% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch; hoàn thành các dự án cải tạo nâng cấp hạ tầng đô thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng,... cũng như dự án cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải.

Đại hội X, Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2010: Đưa tỷ lệ che phủ rừng 42 - 43%; 95% dân cư thành thị và 75% dân cư ở nông thôn được sử dụng nước sạch. 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% đô thị loại 3 trở lên, 50% số đô thị loại 4 và các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải; 90% chất thải rắn thông thường, 80% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường…

Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đề ra: Cải thiện chất lượng môi trường, năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng 45%. Hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn về môi trường. Các đô thị loại 4 và các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn. Cải thiện và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm nặng,....

Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95% - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Mới đây nhất, tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục đưa ra các mục tiêu bảo vệ môi trường đến năm 2025: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95% - 100%, nông thôn là 93% - 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy hoạch quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý chất thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý là 100%, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng là 31,5%. Đến năm 2030, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó xử lý chất thải y tế đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%.

Những nhiệm vụ cụ thể trong chủ trương của Đảng

Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX đưa ra 5 nhiệm vụ chính về bảo vệ môi trường, cụ thể: (1)Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; (2) Khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái; (3) Điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; (4) Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường; (4)Đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với đó Nghị quyết cũng xác định những nhiệm vụ cụ thể cho từng khu vực vùng đô thị, vùng ven đô thị và vùng nông thôn.

Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường yêu cầu tiếp tục tăng cường các nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ môi trường như: Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả phát triển kinh tế bền vững tăng trưởng xanh đưa vào bộ tiêu chí quốc gia,.. .

Thực hiện phân vùng chức năng dựa trên đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu làm căn cứ để lập quy hoạch phát triển, quy hoạch không gian biển gắn với không gian phát triển đất liền, lồng ghép mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh của địa phương. Thiết lập ứng dụng mô hình dự báo tổng thể biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội và tài nguyên, môi trường. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp, thống nhất về tài nguyên, môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế, có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu…

Tại Kết luận số 56 - KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng khó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chỉ đạo thực hiện 7 nhiệm vụ cấp bách: (1)Tiếp tục cụ thể hóa "Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng” của cả nước và đến từng vùng miền, địa phương; khẩn trương hoàn thành các công trình chống ngập đang thi công ở Thành phố Hồ Chí Minh; rà soát, hỗ trợ di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi, lũ quét...; tiếp tục đầu tư, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, phát triển thủy lợi,...{2) hoàn thành việc điều tra và xây dựng bản đồ tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước,...(3) tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ từng vùng tự nhiên, nghiên cứu cơ chế cho phép kết hợp khai thác các giá trị kinh tế của rừng để góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có rừng; (4) quy định tiêu chí môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về lựa chọn, quyết định đầu tư phát triển,... phân vùng theo mức độ ô nhiễm môi trường để có biện pháp quản lý chất lượng môi trường sống, sinh thái và cảnh quan; (5) tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, có chính sách hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng đồ nhựa có tính năng sử dụng một lần trên toàn quốc,...; (6) tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, phấn đấu từ sau năm 2020 chất lượng môi trường được cải thiện năm sau cao hơn năm trước, nhất là các đô thị, thành phố lớn, khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước thải tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; (7) thực hiện phân loại các chất thải tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt, tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải,...Tăng cường năng lực quan trắc, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường, thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII, XIII của Đảng đề ra các nhiệm vụ:

Đại hội IX, nêu rõ kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững; tiến tới bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực tối thiểu do Nhà nước quy định. Trước mắt, tập trung giải quyết tình trạng suy thoái môi trường ở các khu công nghiệp, các khu dân cư đông đúc, chật trội ở các thành phố lớn và một số vùng nông thôn. Kiểm soát ô nhiễm và ứng cứu sự cố môi trường do thiên tai lũ lụt gây ra; có kế hoạch cải tạo, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, hồ ao, kênh mương.

Đại hội X, Đảng ta tiếp tục để ra các nhiệm vụ quan trọng, như: Coi trọng việc thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp bảo vệ môi trường trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; thực hiện tốt Chương trình nghị sự XXI. Áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn các hành vi hủy hoại hoặc gây ô nhiễm môi trường, từng bước khắc phục tinh trạng xuống cấp, cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt tập trung khắc phục nạn cháy rừng, ô nhiễm ở các lưu vực sông, các đô thị và khu công nghiệp, các làng nghề, nơi có đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế. Xử lý tốt mối quan hệ giữa tăng dân số, phát triển kinh tế và đô thị hóa với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Đại hội XI, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Khắc phục suy thoái, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, nâng cao chất lượng môi trường; thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên,... chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Đại hội XII, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân; thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và xử lý môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm; khắc phục hiệu quả ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại; quy hoạch và xây dựng các công trình xử lý rác thải tập trung theo vùng, cụm xã. Hạn chế, tiến tới ngăn chặn căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, khu và cụm công nghiệp, khu đô thị,...Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực đô thị có mật độ dân cư cao,...

Đại hội XIII, xác định nhiệm vụ bảo vệ, cải thiện môi trường trong bối cảnh mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nhằm phát triển đất nước bền vững, trong đó tập trung "Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Hiện thực hoá quan điểm, đường lối của Đảng trong bảo vệ môi trường

Trong khoảng thời gian 20 năm, tính từ khi Bộ Chính trị khoá IX ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và sau đó là Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và tại các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII.XIII của Đảng về công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Quốc hội đã ban hành các văn bản pháp luật có liên quan để kiểm soát tốt hơn các vấn đề về môi trường như:

Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020. Đặc biệt, tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có quy định về hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội, theo đó, pháp nhận thương mại phạm tội liên quan đến lĩnh vực môi trường có thể bị phạt tiền đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm; nếu pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 79 Bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn…

Cùng với đó, trong những năm qua Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều văn bản dưới luật, các chỉ thị, kế hoạch hành động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như: Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 và đến thời điểm hiện tại, cơ bản các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xác định tại Quyết định này đã thực hiện xong việc xử lý ô nhiễm; Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Chính phủ về phê duyệt "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” trong đó, mục tiêu đến năm 2050 phấn đấu phát thải ròng bằng "0”; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường… 


Các em học sinh Trường THCS Trần Phú (TP.Vũng Tàu) thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ảnh tham khảo

Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, ngày 5/5/2020 của Chính phủ về "Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải”; Nghi định số 54/2021/NĐ-CP, ngày 21/5/2021 của Chính phủ "Quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường”;…

Những chủ trương, đường lối của Đảng đã và đang được các tổ chức, cá nhân thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả điều này được thể hiện rõ khi việc kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường được hiệu quả hơn, áp dụng khoa học, công nghệ vào kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và sự hội nhập kinh tế quốc tế luôn tiềm ẩn các nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Do đó, mỗi tổ chức, cá nhân cần luôn nâng cao trách nhiệm của mình với công tác bảo vệ môi trường để thực hiện tốt và tốt hơn nữa những chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thiên nhiên./.

NGUYỄN HOÀI NAM

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành về Chủ động ứng phó với hiến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

3. Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Chấp hành Trung về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị khóa IX về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

4. Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khỏa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lỷ tài nguyên và bảo vệ môi trường".

5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII, XIII của Đảng.

6. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

7. Bộ Luật Hình sự 2015, sử đổi, bổ sung năm 2017

8. Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về "Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường”.

9. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050

  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).

Nhiệt độ không khí môi trường tự nhiên tăng do biến đổi khí hậu có thể làm cho nhiệt độ môi trường nhà xưởng sản xuất mở từ đó có thể làm tăng rủi ro nghề nghiệp và sức khỏe người lao động.