Đầu tư công nghệ xử lý nước thải giúp ngành dệt phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/6/2020 | 11:12:28 Sáng

Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội lớn để thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, các hiệp định này đều có rào cản về môi trường.

1/5 lượng nước ô nhiễm toàn cầu do dệt nhuộm

Tại Việt Nam, ngành dệt may đang là một trong những ngành kinh tế chủ lực. Trung bình hằng năm, ngành dệt may đóng góp vào ngân sách khoảng 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong các giai đoạn sản xuất, ngành dệt may sử dụng rất nhiều nguồn nguyên liệu, năng lượng và các chất hóa học cũng như phụ gia tạo màu. Ngành dệt may đã là ngành tác động đến môi trường ở nhiều phương diện: Ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí. Trong đó các chất độc gây ô nhiễm tồn tại ở các dạng khác nhau: Lỏng, rắn, khí, chất thải,…

Thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, hằng năm, ngành thời trang tiêu thụ khoảng 93 tỉ m3 nước – tương ứng với nhu cầu của 5 triệu người. Khoảng 1/2 triệu tấn vi sợi, tương đương với 3 triệu thùng dầu, hiện đang bị đổ xuống biển mỗi năm.

Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính, mỗi năm, dệt nhuộm sử dụng 1/4 lượng hóa chất toàn thế giới và 1/5 lượng nước ô nhiễm toàn cầu do ngành công nghiệp dệt nhuộm thải ra. Các hóa chất nguy hại là độc tố tiêu diệt thủy sinh vật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người…

Việc sử dụng lượng lớn hóa chất độc hại đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành dệt nhuộm phải có hệ thống xử lý chất thải đáp ứng các quy chuẩn môi trường, nước thải trước khi xả ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn cho phép, nhưng rất ít công ty đạt được.

Hiệp định thương mại đi kèm cam kết bảo vệ môi trường

Tại Việt Nam, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các doanh nghiệp dệt nhuộm khoảng từ 500 - 2.000kg/tấn sản phẩm. Trong đó có cả hóa chất dạng vô cơ và hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau.

Để hạn chế ô nhiễm môi trường, Chính phủ cũng đã có những yêu cầu khắt khe về điều kiện bảo vệ môi trường trước khi doanh nghiệp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành may mặc của Việt Nam hiện có quy mô vừa và nhỏ nên thường chỉ chú trọng tới việc sản xuất, bán sản phẩm của mình và thường có phản ứng rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất.

Trong khi đó, để đạt được tiêu chuẩn này theo yêu cầu của Chính phủ, các nhà máy xử lý nước thải từ doanh nghiệp dệt phải hiện đại và có công suất đủ lớn.

Điều này trái ngược với trình độ công nghệ trong ngành dệt may của Việt Nam: Phát triển chậm hơn các khu vực xung quanh khoảng 15 - 20 năm. Số doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm 15 - 20%; công nghệ hiện đại, tự động hóa chiếm 10 - 15%.

Hệ quả, hàng loạt vụ ô nhiễm môi trường do hóa chất dệt nhuộm liên tục xảy ra. Như người dân xã Phú Phúc và xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) phản ánh đường ống xả thải của Cụm công nghiệp dệt nhuộm làng nghề tại xã Hòa Hậu xả thẳng ra sông Hồng.

Làng nghề dệt Đồng Nhân (huyện Hoài Đức) từ lâu đã được ghi nhận chưa có hệ thống xử lý nước thải và nước thải chủ yếu được thải ra các rãnh, mương máng và đổ ra sông. Không những vậy, chất thải rắn tại các làng nghề được đổ ra bãi chôn lấp chung và được các công ty môi trường đến thu gom, đưa đi xử lý chung với rác thải sinh hoạt…

Hay công ty dệt nhuộm Hoàng Long (TPHCM) dù bị phạt và đình chỉ hoạt động do không có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và xả thải ra môi trường.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập càng sâu rộng với thế giới, ngành dệt may được dự báo sẽ là có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng đi cùng với các hiệp định thương mại là những yêu cầu về về cam kết bảo vệ môi trường, phát thải carbon thấp…

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư công nghệ quản lý chất thải để đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Tuy rằng các công nghệ này đòi hỏi số vốn rất lớn nhưng khi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường cũng là cơ hội mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và thể hiện trách nhiệm với xã hội.

Đây là cách phát triển bền vững để doanh nghiệp dệt may thâm nhập vào các thị trường tiềm năng.

Theo HỒNG NHUNG/khoahocdoisong.vn

  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).