Đề tài do ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh làm chủ nhiệm. Mục tiêu đề tài là xác định được giải pháp kỹ thuật và quản lý phù hợp để công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt đạt hiệu quả cao, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn khu vực nông thôn.
Theo đó, các mục tiêu cụ thể được xác định là: xây dựng quy trình kỹ thuật phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, nhóm hộ và thiết kế hệ thống bể xử lý rác hữu cơ làm phân bón; xây dựng quy trình kỹ thuật thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn, thiết kế bể thu gom, xử lý nước thải phù hợp với điều kiện thực tiễn; xây dựng bộ tem nhãn phân loại xử lý rác thải sinh hoạt.
Trong đó, mô hình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình đến tháng 8/2020 đã được nhân rộng với hơn 1.000 mô hình tại hơn 35 xã trên địa bàn tỉnh.
Mô hình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình tại đây được thiết kế đơn giản theo nguyên lý sử dụng hệ thống bể xử lý yếm khí kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học gồm: các vi sinh vật và enzyme đặc hữu để phân hủy nhanh chất hữu cơ, đạm và một số vi khuẩn có hại. Sau khi nước được xử lý sẽ chảy sang bể lắng để ngưng tụ lại và tiếp tục phân hủy trước khi chảy ra môi trường hoặc tái sử dụng để tưới cây. Đối tượng nước thải được xử lý là: nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi đã qua xử lý Biogas.
Sơ đồ mô hình xử lý nước thải hộ gia đình tại Hà Tĩnh
Mô hình này khắc phục được hạn chế về chi phí đầu tư cao cho thu gom xử lý tập trung; phương án thu gom xử lý nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn mà vẫn đạt hiệu quả.
Để xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo, các hộ gia đình phải xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước bằng các vật liệu như: composite, ống bê-tông, xây bằng gạch… Được biết, chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải tùy quy mô công trình từ 5 - 7 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh tổ chức tập huấn cho đại diện các địa phương.
Đoàn cán bộ lãnh đạo Văn phòng NTM Trung ương và các tỉnh Bắc Trung Bộ tham quan mô hình xử lý rác thải, nước thải của gia đình anh Phạm Huy Thắng - thôn La Xá, xã Thạch Lâm (tháng 5/2019). Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Ngày 4/8/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp Hội đồng Khoa học nghiệm thu kết quả đề tài khoa học công nghệ (KHCN) "Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”, Hội đồng đánh giá cao về hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải. Nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống hoàn chỉnh có 7/11 thông số đạt, 4 thông số còn lại tiệm cận với tiêu chuẩn cột B của QCVN 14:2008/BTNMT; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện phân tán của nông thôn tỉnh; chi phí lắp đặt, quản lý, vận hành thấp hơn nhiều so với xử lý tập trung; người dân dễ tiếp cận, nước thải đầu ra có thể phục vụ tưới cây.
Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh cho rằng, điều quan trọng của đề tài KHCN là khẳng định được điểm mới, có đóng góp cho thực tiễn. Đồng thời, xem xét ứng dụng tiến bộ KHCN, triển khai những kết quả thực hiện trong xử lý nước thải và rác thải rộng ra khu vực đô thị.
-----------------
Nước thải sinh hoạt nông thôn chiếm tỷ trọng lớn, phân tán trên diện rộng nên khó thu gom, xử lý và thuộc đối tượng không phải cấp phép xả thải vào nguồn nước nên càng khó khăn cho công tác quản lý, gây ô nhiễm nước ao hồ, kênh mương nghiêm trọng.
Theo tài liệu của Liên hợp quốc, dân số khu vực nông thôn Việt Nam chiếm 64,08%, tương đương 62.345.756 người. Tính trung bình, nước thải sinh hoạt phát sinh 100 lít/người/ngày, đêm; khối lượng nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn là 6,2 triệu m3/ngày, đêm. Đến năm 2025, khối lượng nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn sẽ đạt tới 7,4 triệu m3/ngày, đêm.
Hà Thắm