Vai trò của khoa học và công nghệ trong ngành Nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/2/2021 | 4:33:45 Chiều

Với ngành nước, sản phẩm nước tinh khiết đóng chai, nước đã khử muối, nước uống trực tiếp tại vòi có thể được coi là những sản phẩm mới. Đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các tiến bộ công nghệ, nhất là đối với các nước đang phát triển, cho phép nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Hiện đại hoá máy móc, thiết bị hay đổi mới công nghệ là hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.

1. Vai trò của khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp
Công nghệ là tập hợp các phương tiện kỹ thuật, công cụ, phương pháp, bí quyết hay quy trình, được sử dụng để chuyển hóa các nguồn lực thành một loại sản phẩm nào đó. Công nghệ gồm 2 thành phần chính, là phần cứng (công cụ, máy móc, thiết bị, vật liệu), và phần mềm (bao gồm cả con người, thông tin, phương pháp, quy trình, bí quyết hay know-how, tổ chức điều hành, phối hợp, quản lý...).
Khoa học và công nghệ (KH&CN) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Kỹ thuật, công nghệ được phát triển dựa trên nền tảng các môn khoa học, các nghiên cứu khoa học. Những phát minh khoa học là tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, thiết bị mới. Các vấn đề gặp phải trong kỹ thuật là tiền đề cho những nghiên cứu khoa học mới.
Dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, KH&CN mang đến những lợi thiết thực, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận cũng như đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Cơ sở hạ tầng công nghệ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, văn hóa và các mối quan hệ của một doanh nghiệp, bảo mật thông tin, giao tiếp với khách hàng, … Tăng cường năng lực công nghệ cho phép doanh nghiệp nắm bắt kịp xu thế thị trường, đưa ra được những quyết sách đúng, giảm thiểu tối đa rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo sự bền vững. 
Đổi mới công nghệ là quá trình phát triển và đưa vào thị trường những sản phẩm mới, hay quá trình đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất. Đổi mới sản phẩm tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới, hoặc cải tiến các sản phẩm truyền thống của công ty mình.
Với ngành nước, sản phẩm nước tinh khiết đóng chai, nước đã khử muối, nước uống trực tiếp tại vòi có thể được coi là những sản phẩm mới. Đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các tiến bộ công nghệ, nhất là đối với các nước đang phát triển, cho phép nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Hiện đại hoá máy móc, thiết bị hay đổi mới công nghệ là hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Tiến bộ KH&CN, đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu… Doanh nghiệp, nhờ vậy, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
2. Thực trạng ứng dụng KH&CN ở các doanh nghiệp cấp thoát nước
2.1.  Nhận định chung
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp cấp thoát nước đã rất chú trọng đến việc phát triển và ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Nhận thấy rõ KH&CN là con đường ngắn nhất để thay đổi, cải thiện tình hình, thậm chí để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, theo hướng ứng dụng công nghệ, thiết bị mới; tự nghiên cứu các công nghệ phù hợp; áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm bớt nặng nhọc, độc hại, đảm bảo an toàn cho người lao động; tự thiết kế, gia công chế tạo các thiết bị hay các phụ tùng thay thế phù hợp; vv… Các hoạt động KH&CN này thực sự mang lại hiệu quả sản xuất và kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp người lao động và cộng đồng cả trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp cấp thoát nước ít quan tâm đến mảng KH&CN, không thực sự hiểu rõ ích lợi của các hoạt động nghiên cứu, triển khai, hoặc không biết bắt đầu từ đâu trong khi nguồn lực còn hạn chế. Ở địa phương nào cũng có nhiều vấn đề kỹ thuật nổi cộm, nhiều bài toán chuyên môn khó cần nghiên cứu, giải quyết, nhưng do nhiều lý do, KH&CN không được quan tâm, coi là hướng đi để cải thiện, thay đổi tình hình. Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ đã quy định các doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải trích từ 3% đến 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập trước thuế tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp không sử dụng hiệu quả quỹ này. Ngoài ra, nguồn ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động KHCN ở nhiều địa phương luôn ở tình trạng thừa, không biết chi vào đâu cho hiệu quả, trong khi nhiều doanh nghiệp cấp thoát nước không biết tận dụng và không mặn mà đăng ký các đề tài nghiên cứu. Đây chính là những nội dung cần khắc phục, cải thiện trong thời gian tới.
2.2. Một số ví dụ về ứng dụng công nghệ mới ở các doanh nghiệp cấp thoát nước
Hiện nay, tại các đô thị Việt Nam có khoảng 750 nhà máy nước, tổng công suất đạt trung bình khoảng 10,6 triệu m3/ngày, tỷ lệ thất thoát, thất thu khoảng 19% (giảm 11% so với năm 2010) và tỷ lê dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 88%, tăng trưởng +2% so với năm 2018 là 86%. Trong số các hệ thống cấp nước này, đã có nhiều hệ thống đang áp dụng công nghệ thông tin, các giải pháp tiên tiến trong quản lý vận hành, ở các mức độ khác nhau. Tại một số địa phương, quản lý hệ thống cấp nước đã ứng dụng tích hợp các công nghệ bản đồ số GIS, công nghệ di động, công nghệ điện toán đám mây, tích hợp thành hệ thống toàn diện quản lý cho các doanh nghiệp cấp nước: thiết lập bản đồ số mạng cấp nước, quản lý tài sản, giám sát vận hành và bảo trì mạng cấp nước, quản lý và chăm sóc khách hàng, ghi chỉ số và kiểm tra đồng hồ nước, quản lý đồng hồ nước, quản lý chất lượng nước, hỗ trợ phòng chống thất thoát nước… Các giải pháp dịch vụ gia tăng như tổng đài chăm sóc khách hàng VOIP 1900, SMS, hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử được tích hợp vào hệ thống quản lý khách hàng. 
Nhiều hệ thống cấp nước đã bố trí, lắp đặt hệ thống điều khiển trung tâm, hệ thống giám sát chất lượng nước tự động với một số chỉ tiêu chính tại từng quy trình xử lý, tùy theo chất lượng nước thô để điều chỉnh quy trình xử lý, liều lượng hóa chất phù hợp; sử dụng thiết bị biến tần, điều khiển trung tâm, để tăng cường hiệu quả và tiết kiệm điện năng, giảm chi phí nhân công… (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, TT-Huế, Vũng Tàu, vv…). Một số đơn vị cấp nước đầu tư cho phần mềm quản lý tài sản, thiết bị giám sát chất lượng và áp lực nước, điều khiển van phân vùng cấp nước, thông qua các chương trình, dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch của WB, ADB, hoặc từ nguồn kinh phí của công ty, nguồn ngân sách hỗ trợ. Các biện pháp này đã góp phần giảm rõ rệt tỷ lệ thất thoát nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu (còn dưới 10%), TP. Hồ Chí Minh (19,2%), Hải Phòng (dưới 15%), Hải Dương (dưới 12%). 
Một số ví dụ triển khai ứng dụng KH&CN một cách hiệu quả tại Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco): Trang bị biến tần cho các Trạm bơm; Ứng dụng phần mềm thủy lực (WATERGEMs) vào quản lý vận hành, phát triển hệ thống cấp nước; Triển khai hệ thống GIS (thông tin địa lý) cho mạng lưới cấp nước Thành phố; Ứng dụng giải pháp thi công đấu nối ống cấp nước sử dụng van Linestop (cắt tê không ngưng nước); vv.
Công ty CP Cấp nước Gia Định áp dụng sáng kiến "Dịch vụ khách hàng 4.0", với hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng được xây dựng đồng bộ, hợp nhất tất cả các kênh liên lạc trên cùng một hệ thống (Call Center, trang thông tin điện tử, dịch vụ khách hàng trực tuyến, Zalo, thiết bị di động, phần mềm quản lý hồ sơ khách hàng, …). Trung tâm vận hành mạng lưới cấp nước (NOC) quản lý, giám sát hoạt động của mạng lưới cấp nước theo thời gian thực. Công ty đã giảm được tỷ lệ thất thoát nước 53% năm 2012 xuống còn 16% năm 2019, tiết kiệm 200 triệu m3 nước, tương đương gần 1.000 tỷ đồng, góp phần đáng kể làm giảm tỷ lệ thất thoát nước chung trên toàn Tổng công ty Sawaco.
Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đã mạnh dạn nghiên cứu, bổ sung thành công nguồn nước mặt vào Nhà máy nước ngầm Bắc Thăng Long – Vân Trì, cho phép nâng công suất NM từ 30.000 m3/ngày lên 50.000 m3/ngày, đáp ứng nhu cầu cấp nước ngày càng cao ở khu vực, trong bối cảnh nguồn nước ngầm bị suy giảm nghiêm trọng.
Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đã liên tục có những nghiên cứu đổi mới, cải tiến công nghệ, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Nhà máy nước An Dương đã được cải tạo, nâng công suất nhà máy từ 60.000m3/ngày lên 140.000 m3/ngày rồi 200.000 m3/ngày, với các giải pháp đặc thù, sáng tạo, như chuyển đổi bể lọc 1 lớp thành 2 lớp vật liệu lọc (dự án hợp tác nghiên cứu của Công ty với chuyên gia Phần Lan và trường Đại học Xây dựng Hà Nội). Đến nay, Công ty đã áp dụng cho tất cả bể lọc của các nhà máy nước do Công ty quản lý, giúp tăng vận tốc lọc, kéo dài chu kỳ lọc, giảm chi phí điện năng và nâng cao chất lượng nước sau lọc (độ đục nước sau lọc luôn đạt < 0,1-0,2 NTU). Công ty đã làm chủ công nghệ bể lọc tiếp xúc sinh học U-BCF để xử lý nguồn nước nhiễm hữu cơ và amonivà đang nhân rộng công nghệ này. Cấp nước Hải Phòng cũng mạnh dạn áp dụng công nghệ RO để xử lý nước biển thành nước cấp cho đảo du lịch Cát Bà, công suất 1.500 m3/ngày và đang tiếp tục nhân rộng. 
      

Cụm bể UBCF Nhà máy nước Vĩnh Bảo, Hải Phòng    

Mô-đun làm ngọt nước biển công nghệ RO Đảo Cát Bà, Hải Phòng

Cấp nước Hải Phòng đã nghiên cứu xây dựng thành công mô hình quản lý mạng lưới cấp nước theo cấp phường, với kế hoạch bảo dưỡng phòng ngừa được xây dựng bài bản hàng năm. Công ty đã giảm được tỷ lệ thất thoát từ 70% (trước năm 1993) xuống còn 7-13% trong khi mở rộng mạng lưới cấp nước, tỷ lệ đấu nối 100% khách hàng khu vực nội thành và vùng phụ cận, áp lực cấp nước cuối nguồn đạt >1,5 bar.
Công ty CP Nước sạch Hải Dương đã triển khai áp dụng hệ thống quản trị mạng, với các thiết bị đo lường, giám sát theo thời gian thực, giúp điện năng tiêu thụ giảm từ 0,45 kWh/m3 xuống 0,27 kWh/m3; áp lực duy trì trên mạng lưới 1,2-1,5 bar; mở rộng vùng cấp nước mà không cần trạm bơm tăng áp; giảm tỷ lệ nước thất thoát từ 26% (năm 2010) xuống 11% (năm 2019). Công ty đang tiếp tục nghiên cứu phát triển hệ thống quản trị mạng tích hợp các công nghệ tiên tiến, và tự chế tạo các thiết bị đo lường, giám sát với chất lượng tốt, giá thành hợp lý, cung cấp cho nhu cầu của Công ty và các đơn vị khác.
Công ty CP Nước sạch Hải Dương cũng đã nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ lắng lamen tích hợp cùng khoang phản ứng có lớp cặn lơ lửng, áp dụng cho Nhà máy nước Việt Hòa và nhân rộng ra các nhà máy nước khác ở Hải Dương và các nơi khác, cho phép nâng cao công suất và chất lượng nước, giảm chi phí hóa chất, kéo dài chu kỳ lọc.
 Nhà máy nước Bắc Thăng Long sử dụng cả 2 nguồn nước ngầm, nước mặt, Hà Nội    

Cụm bể phản ứng có tầng cặn lơ lửng kết hợp lắng lamen Việt Hòa, Hải Dương
   Mô-đun ô-zôn hóa tại Nhà máy nước Tân Hiệp 2, TP. Hồ Chí Minh    

Hệ thống trực tuyến giám sát rò rỉ trên mạng lưới cấp nước

Công ty CP Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những Công ty cấp nước đầu tiên xây dựng phần mềm quản lý khách hàng (từ 2010), và nhân rộng tại >30 công ty cấp nước khác trên toàn quốc. Phần mềm do Công ty tự thiết kế, luôn được cải tiến, nâng cấp, bám sát yêu cầu quản lý và dịch vụ khách hàng.
Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ thẩm thấu ngược (RO) hiệu suất cao để xử lý nước ngầm nhiễm mặn, công suất 3.000 m3/ngày, cho phép khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, mở ra một hướng mới trong giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều công ty cấp nước đã nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, đưa vào sử dụng các thiết bị mới, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và kinh doanh, như công nghệ biến tần và khởi động mềm cho các tổ máy bơm, công nghệ lắng lamen, công nghệ đan lọc HDPE trọng lực, công nghệ xử lý chất hữu cơ và khử trùng bằng ozon, hệ thống điều khiển SCADA, công nghệ định lượng hóa chất tự động điều chỉnh theo chất lượng nước thô, công nghệ xử lý bùn cơ học, công nghệ xử lý để thu hồi nước rửa lọc,…
Công nghệ xử lý nước thải tại các Nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các đô thị, khu công nghiệp Việt Nam nhìn chung phát triển khá nhanh, theo sát xu thế của thế giới. Hầu hết các nhà máy xử lý nước thải đều áp dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại, cho phép đạt chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn, với chi phí hợp lý: công nghệ bùn hoạt tính cải tiến, các thiết bị bơm, cấp khí, quan trắc tự động chất lượng nước thải, kết nối với hệ thống SCADA giám sát và điều khiển, … Một số doanh nghiệp thoát nước đã áp dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại trong xây dựng và quản lý mạng lưới như công nghệ thi công khoan kích ống ngầm, công nghệ nạo vét cống bằng cơ giới, công nghệ CCTV giám sát cống thoát nước, tin học hóa công tác quản lý tài sản…
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã triển khai Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước, với chức năng theo dõi diễn biến mưa, quản lý lượng mưa, mực nước, giám sát tình hình hoạt động của các trạm bơm, cửa điều tiết, camera giám sát điểm ngập úng trên hệ thống thoát nước… Ứng dụng HSDC Maps trên các thiết bị di động thông minh có thể hỗ trợ người dân biết được các thông tin như bản đồ các điểm đo lượng mưa, vị trí các điểm ngập, hình ảnh theo thời gian thực tại điểm ngập, tìm đường đi tránh ngập, cảnh báo mưa giông, gửi thông tin trực tiếp về sự cố, điểm ngập úng về Trung tâm điều hành.
Nhà máy XLNT thành phố Hà Giang, sử dụng công nghệ MBBR và tuyển nổi áp lực    

Mô-đun khử trùng bằng UV Nhà máy XLNT Thủ Dầu Một, Bình Dương

Công ty CP Nước và Môi trường Bình Dương đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới trong thoát nước và xử lý nước thải, mang lại hiệu suất cao trong sản xuất kinh doanh và tạo được niềm tin đối với chính quyền và nhân dân địa phương: xử lý nước thải bằng bể aeroten hoạt động theo mẻ cải tiến, sử dụng thiết bị cấp khí airjet hiệu suất cao, công nghệ tách nước bùn bằng máy quay ly tâm, công nghệ khử trùng nước thải bằng tia cực tím UV, công nghệ khử mùi của nhà máy xử lý nước thải bằng hóa lý, vv.
Các ví dụ trên đã cho thấy, phát triển KH&CN, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là cốt lõi, giúp các doanh nghiệp cấp thoát nước làm được nhiều việc với nguồn tài nguyên hạn chế, mang lại hiệu quả cao với chi phí đầu tư thấp.
3. Bối cảnh mới và yêu cầu đẩy mạnh hoạt động KH&CN ở doanh nghiệp cấp thoát nước giai đoạn 2021 - 2025
Nhu cầu nước sạch cho đô thị ngày càng gia tăng, đòi hỏi công tác sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nước phải nâng cao chất lượng và hiệu quả, đảm bảo an toàn và bền vững, là yêu cầu thực tiễn và xu thế tất yếu. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với hiện tượng khan hiếm nguồn nước và biến đổi chất lượng nguồn nước thô ngày càng xấu đi, đặc biệt tại các đô thị lớn. Hiện tượng xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long gia tăng, hạn hán tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cũng đang là những thách thức rất lớn. Bên cạnh đó là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, những tác động rõ rệt, nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phá sản hay rơi vào suy thoái, trong đó có nhiều khách hàng, các nhà cung cấp của doanh nghiệp ngành nước, và sự cạnh tranh ngày càng mạnh của thị trường ngành nước giữa các doanh nghiệp. Bối cảnh này bắt buộc các doanh nghiệp cấp thoát nước phải có những chiến lược, kế hoạch, giải pháp thích ứng hiệu quả với những thách thức trên, đồng thời nắm bắt các cơ hội to lớn để không bị tụt hậu và thua cuộc.
Mặt khác, khi quan hệ quốc tế mở rộng, hội nhập sâu rộng hiện nay của Việt Nam, có rất nhiều cơ hội tiếp cận với sản phẩm công nghệ, thiết bị mới. Các doanh nghiệp cấp thoát nước cũng chủ động hơn sau cổ phần hóa trong quá trình ra quyết định, nắm quyền chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiếp thị. Quá trình ứng dụng KH&CN đi liền với sự phát triển, đổi mới ngành nước vừa qua đã mang lại nhiều kinh nghiệm, bài học thành công. Hoạt động mạnh, hiệu quả của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, các chi hội, trong chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến thông tin, kết nối hợp tác cũng là những điều kiện hết sức thuận lợi. 
Trong bối cảnh này, cần có những nghiên cứu đổi mới công nghệ, áp dụng phương thức quản lý tổng hợp, bền vững, tích hợp thông minh các giải pháp giám sát, điều khiển tiên tiến, phân bổ tài nguyên nước hợp lý, kết nối và cân bằng giữa các hệ thống cấp nước đô thị và các nhu cầu sử dụng nước khác. Hướng đi này cũng là để đáp ứng mục tiêu Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chỉ thị 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục. 
Tác giả kiến nghị các chủ đề nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cần ưu tiên trong thời gian tới ở các công ty cấp, thoát nước:
(1) Nghiên cứu triển khai các giải pháp tổng thể, bao gồm cả quy hoạch dài hạn nguồn cấp nước, các biện pháp bảo vệ nguồn nước, để đảm bảo an ninh nguồn nước; 
(2) Xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch cấp nước an toàn; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho cán bộ và công nhân; chủ động tham gia xây dựng bộ chỉ tiêu chất lượng nước của tỉnh cùng với các đơn vị liên quan;
(3) Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ và thiết bị phù hợp trong khai thác, xử lý, vận chuyển và phân phối, tiêu thụ nước, trong thu gom, vận chuyển, xử lý nước thải và bùn cặn, cho phép tối ưu hóa vận hành và bảo dưỡng, tiết kiệm năng lượng, hóa chất, vật tư tiêu hao, giảm tỷ lệ nước không doanh thu, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ;
(4) Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ phù hợp để thích ứng với tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, công nghệ xử lý các chất ô nhiễm đặc biệt, cải thiện chất lượng nước cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ;
(5) Nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể, bao gồm cả quy hoạch dài hạn và các giải pháp công nghệ, các thiết bị và công trình cụ thể để kiểm soát úng ngập và kiểm soát ô nhiễm nước ở các đô thị;
(6) Rà soát, cập nhật và đề xuất nghiên cứu xây dựng mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật ngành nước phù hợp với yêu cầu thực tiễn; 
(7) Phát huy nội lực, xúc tiến mạnh hơn các quan hệ hợp tác trong nước và kế thừa các thành tựu KH&CN thế giới, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ, thiết bị, vật tư ngành nước do Việt Nam sản xuất; 
(8) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp cấp thoát nước (quản lý khách hàng, quản lý tài sản, chống thất thoát, cảnh báo sớm rủi ro, chống úng ngập, tối ưu hóa vận hành và bảo dưỡng, vv…), xây dựng lộ trình và từng bước triển khai áp dụng hệ thống nước thông minh, kết nối với các thành phần hạ tầng đô thị thông minh.

Các giải pháp quản lý nước thông minh có tiềm năng ứng dụng trong hệ thống cấp nước

Riêng khía cạnh triển khai ứng dụng quản trị nước thông minh đối với doanh nghiệp cấp thoát nước, các hoạt động cụ thể sau đây được đề xuất thực thi trong thời gian tới:
(1) Chuyển từ lưu dữ liệu thủ công, bản cứng, sang dữ liệu số GIS (ArcMAP, MAPINFO, …);
(2) Lắp đặt SCADA cho phép giám sát, điều hành mạng lưới cấp nước, thoát nước (các trạm bơm, các điểm chọn lọc trên mạng lưới, …): Giám sát lưu lượng, áp lực, chất lượng nước on-line (các sensors + data-loggers + transmitters) và kết nối với trung tâm điều hành; Tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng; Chuyển từ đồng hồ cơ sang đồng hồ điện tử; Lắp đặt các thiết bị đo có tính năng truyền dữ liệu; lắp đặt các van giảm áp thông minh;
(3) Lắp đặt SCADA tại Nhà máy nước, Nhà máy xử lý nước thải, cho phép kiểm soát vận hành, cơ giới hóa và tự động hóa các công đoạn sản xuất nước, xử lý nước thải: Châm hóa chất tự động theo diễn biến lưu lượng và chất lượng nước; Tự động rửa lọc và kiểm soát quá trình rửa lọc; Tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng; vv...;
(4) Số hóa công tác ghi thu; hóa đơn điện tử; kết nối với khách hàng qua internet; đồng hồ thông minh, kết nối với trung tâm chi phí (Cost center);
(5) Lắp đặt hệ thống ghi nhận dữ liệu từ xa, xử lý thông tin và ra mệnh lệnh kiểm soát; Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số, kết nối các hợp phần rời rạc thành một hệ thống chung (Trung tâm điều hành), có khả năng thu thập dữ liệu, xử lý thông tin, điều hành, dự báo và cảnh báo sớm, đánh giá, tối ưu hóa một cách đồng bộ.

Các ứng dụng tiềm năng của quản trị thông minh trong hệ thống cấp - thoát nước đô thị

Hội Cấp thoát nước Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động KH&CN ngành nước, thông qua các nội dung cụ thể sau:
(1) Triển khai nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, đánh giá các công nghệ và thiết bị mới trong lĩnh vực cấp thoát nước.
(2) Làm cầu nối để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp cấp thoát nước Việt Nam, giữa doanh nghiệp với nhà trường, viện nghiên cứu – các trung tâm KH&CN, giữa doanh nghiệp với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ, thiết bị và kinh nghiệm tốt;
(3) Cập nhật, chia sẻ thông tin về công nghệ và thiết bị mới, các xu hướng phát triển mới ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới thông qua các hình thức khác nhau như hội thảo chuyên đề, các hội chợ, triển lãm ngành nước;
(4) Tập huấn tăng cường năng lực về công nghệ và thiết bị mới, phối hợp với các chuyên gia, các doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu;
(5) Kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cập nhật, đưa vào các vật tư, thiết bị, công nghệ mới, phù hợp với điều kiện Việt Nam để doanh nghiệp thuận tiện trong triển khai áp dụng.
--------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Tuyển tập 31 công trình cấp nước tiêu biểu. 2018.
2. Lê Thu Thủy, Bùi Du Dương, Lê Phương Anh, Nguyễn Việt Anh. Quản trị nước thông minh: kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng cho Việt Nam. Tạp chí Cấp thoát nước, 10/2020.
3. Nguyễn Việt Anh, Vũ Hồng Dương, Trần Văn Dương, Nguyễn Văn Hợp. Quản lý vận hành và bảo dưỡng các công trình của hệ thống cấp nước. Nhà xuất bản Xây dựng, 2016.
›GS. TS NGUYỄN VIỆT ANH
Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam 
Trưởng bộ môn Cấp thoát nước - Đại học Xây dựng Hà Nội 



  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).