Theo thống kê mới nhất, ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc mỗi năm tăng trung bình 10 - 16%, riêng tại TP. HCM trung bình 9.000 - 9.500 tấn/ngày. Trên toàn địa bàn TP. HCM có khoảng 700 điểm tập kết rác tạm thời chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại nguồn và 27 trạm trung chuyển để vận chuyển rác đến các khu xử lý tập trung.
Do nhiều trạm trung chuyển đã được xây dựng từ lâu và với nhiều kết cấu hạ tầng khác nhau, tính thiếu đồng nhất và đồng bộ nên công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động còn nhiều hạn chế. Ngoài cảnh quan chung, mùi hôi thì nước thải tại trạm cũng là vấn đề đáng quan tâm, mặc dù số lượng ít nhưng nồng độ ô nhiễm cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tiếp nhận. Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng xử lý một số thông số ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng đặc trưng bằng kỹ thuật lọc sinh học trong điều kiện tự nhiên với nhóm thực vật chọn lựa trước, ngoài ra kết quả nghiên cứu còn phổ biến đa dạng về mặt công nghệ xử lý để ứng dụng vào các địa phương có điều kiện phù hợp áp dụng.
Vì vậy, các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng của việc xử lý một số thông số ô nhiễm trong nước thải của trạm trung chuyển rác Đào Trí, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, sử dụng hệ thống đất ngập nước kiến tạo dòng chảy đứng kiểu ngập và không ngập với thực vật là cây Thuỷ Trúc. Từ kết quả đó có thể đề xuất nhân rộng mô hình ra các khu vực khác.
Thí nghiệm gồm hai giai đoạn: giai đoạn vận hành thích nghi với tải trọng hữu cơ 110 kg/COD.ha.ngày và giai đoạn vận hành chính với tải trọng hữu cơ 180, 250, 320, 400 và 480 kg/COD.ha.ngày. Năm thông số được đánh giá: pH, COD, BOD5, TN và TP.
Quá trình thực hiện các thí nghiệm trên 02 mô hình ĐNNKT dòng chảy dứng kiểu ngập và không ngập với cây thuỷ trúc. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành khảo sát, đánh giá các biểu hiện sinh trưởng của cây và hiệu suất xử lý các thông số ô nhiễm của mỗi mô hình theo từng tải trọng và so sánh kết quả với QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Các kết quả tối ưu của 2 mô hình có trồng thực vật so sánh với cột B – QCVN 40:2011 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp - Đạt yêu cầu xả thải ra nguồn tiếp nhận. Từ đó đã đề xuất công nghệ xử lý nước thải ép rác tại trạm trung chuyển Đào Trí gồm 2 bậc cơ học và lọc sinh học với thực vật: Nước thải bể lắng cát bể thu gom bể lắng 1 Đất ngập nước kiến tạo dòng chảy đứng (kiểu ngập) Ra nguồn tiếp nhận đạt QCVN 40:2011/BTNTM (cột B).
Về mặt xã hội, đề tài sẽ góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng thông qua việc làm sạch nguồn nước và tạo cảnh quan kiến trúc nhân tạo từ các công trình đất ngập nước kiến tạo’ tăng sự đa dạng sinh học…
Về mặt kinh tế, đây là loại mô hình xử lý nước thải theo nguyên lý xử lý sinh học không cần sử dụng đến hoá chất, do đó chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn nhiều so với các phương pháp xử lý nước thải khác, sẽ rất tiết kiệm và thân thiện với môi trường, không tạo ra khí nhà kính đồng thời có khả năng đạt hiệu quả kinh tế khi được áp dụng vào thực tế. Ngoài ra thực vật trưởng thành có thể sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành khác.
Về mặt ứng dụng khoa học công nghệ, đề xuất giải pháp với mô hình đất ngập nước kiến tạo dòng chảy đứng kết hợp trồng cây thuỷ trúc nhằm xử lý nước thải trạm ép rác và có thể áp dụng cho các loại nước thải có nồng độ ô nhiễm tương đương.
Chi tiết đề tài nghiên cứu, vui lòng truy cập
TẠI ĐÂY
NGỌC ANH