Sử dụng chế phẩm Nolamix xử lý chất thải hữu cơ
- Cập nhật: Thứ tư, 22/12/2021 | 9:15:45 Sáng
Những năm qua, Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải từ các hoạt động du lịch mà chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.
Xử lý bằng chế phẩm sinh học
Khu du lịch suối Hoa Lan và Hòn Lao trực thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú bình thường có lượng du khách bình quân 500 người/ngày, lượng rác thải sinh hoạt từ khách du lịch, chất thải hữu cơ từ việc nuôi động vật khoảng 700kg/ngày. Trong đó, rác thải hữu cơ chiếm khoảng 40% nhưng đơn vị chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Mặt khác, khu vực đảo còn hứng chịu thêm nhiều lượng rác khác do sóng biển đánh dạt vào. Thời gian qua, công ty đã xây dựng lò đốt đối với chất thải hữu cơ, nhưng phương pháp này không phù hợp với môi trường, phát sinh nhiều khói và mùi hôi. Bên cạnh đó, tại khu vực Hòn Lao đang nuôi dưỡng hơn 1.000 con khỉ, song chất bài tiết từ đàn khỉ chỉ được xử lý thủ công nên không thể khử được mùi hôi.
Được sự hỗ trợ, tư vấn của Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Việt Quốc Thịnh (TP. Hồ Chí Minh), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa đã phối hợp với Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú thực hiện đề tài "Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật Nolamix xử lý chất thải hữu cơ tại Khu du lịch suối Hoa Lan và Hòn Lao”. Đề tài do kỹ sư Nguyễn Văn Hiếu, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hòa chủ trì.
Hiệu quả vượt trội
Nolamix là tổ hợp vi sinh vật cộng sinh có lợi, đối kháng mạnh với các vi sinh vật gây hại trong đất, nhằm tạo môi trường tốt cho đất, giúp cây hấp thụ, chuyển hóa năng lượng sang dinh dưỡng và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hô hấp, quang hợp. Thành phần của Nolamix có nhiều hiệu quả trong việc phân hủy chất hữu cơ, đặc biệt khử mùi hôi từ chất thải động vật.
Theo kỹ sư Hiếu, đề tài đã triển khai thu gom và phân loại rác thải hữu cơ tại Khu du lịch suối Hoa Lan và Hòn Lao phục vụ cho việc tái chế; xây dựng mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh với 2 mô hình. Mô hình 1: Trộn rác thải hữu cơ với chế phẩm Nolamix ủ 60 ngày tạo thành phân vi sinh trong các hố ủ, chứa 1 tấn rác thải hữu cơ trong vòng 7 ngày. Mô hình 2: Dùng chế phẩm Nolamix phối trộn với xơ dừa (xay mịn) đủ ẩm rải lên bãi chất thải của đàn khỉ để khử mùi hôi. Sau thời gian thực hiện, phân vi sinh tạo ra từ xử lý chất hữu cơ trong rác thải với khối lượng đạt hơn 5,1 tấn, vượt so với yêu cầu, đảm bảo các chỉ tiêu lý, hóa, sinh như độ mùn, hàm lượng NPK, vi sinh vật và không còn mùi hôi. Đồng thời, xử lý vi sinh vật gây hại và khử mùi hôi từ chất thải của đàn khỉ. Đề tài hoàn thiện 2 quy trình ứng dụng chế phẩm Nolamix để xử lý chất thải hữu cơ và xử lý mùi.
Theo ông Lê Dũng Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú, đề tài đem lại hiệu quả vượt trội để xử lý chất thải trên đảo. Sản xuất phân hữu cơ sinh học vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, cải tạo đất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho cơ sở. 1 tấn phân vi sinh sản xuất ra có lợi nhuận 420.000 đồng. Mặt khác, sản xuất phân hữu cơ tại chỗ góp phần giảm chi phí đầu tư, không phải vận chuyển rác đi nơi khác dễ gây ô nhiễm, đồng thời hạn chế dùng phân hóa học trong việc phát triển cây trồng trên đảo. Từ đó, hướng tới việc cải thiện môi trường và phát triển du lịch bền vững cho công ty. Đề tài đã được nghiệm thu năm 2021, công ty đang ứng dụng và phổ biến rộng rãi kết quả này trong phạm vi đơn vị.
Nguồn Báo Khánh Hoà
Các tin khác
Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.
Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.
Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.
Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.