TS. Tạ Ngọc Ly đến từ Khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã tạo ra một loại phân hữu cơ không mùi hôi, tiện dụng, chất lượng tốt từ những phụ phẩm chăn nuôi như lông gà.
Theo TS. Tạ Ngọc Ly, hiện nay phế phẩm của công nghiệp chế biến gia cầm (lông gà) khối lượng lên đến hàng ngàn tấn/năm. Trong khi đó, lông gà chứa hàm lượng protein rất cao nên có thể tận dụng làm nguồn bổ sung protein cho thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, keratin từ lông gà vốn là protein có cấu trúc dạng sợi, có độ bền cơ học cao và rất khó phân hủy tự nhiên; nếu không có phương pháp phù hợp mà chỉ trực tiếp chôn xuống đất thì lâu dần sẽ tạo ra môi trường vi khuẩn độc hại và bốc mùi.
Lông gà nếu không được xử lý đúng cách, vứt bỏ chung với rác thải sinh hoạt, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ảnh minh hoạ. ITN
Sau quá trình nghiên cứu, TS. Tạ Ngọc Ly nhận định: "Sử dụng các chủng vi khuẩn có hoạt tính keratinase cao để thủy phân lông vũ có thể là câu trả lời hợp lý”. Vì keratin có thể bị phân hủy bởi các chủng vi khuẩn xạ khuẩn và nấm có khả năng sinh tổng hợp keratinase - một dạng protease kiềm có khả năng xúc tác thủy phân protein tạo thành những phân tử thấp và các amino acid và may mắn là vi sinh vật sinh tổng hợp keratinase có thể được tìm thấy ở nhiều nơi và từ nhiều nguồn khác nhau.
Từ các mẫu đất, lông và nước thu được tại nơi giết mổ gia cầm chợ Hòa Khánh, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 14 chủng vi khuẩn. Trong đó, chọn lọc được 4 chủng vi khuẩn có khả năng sinh keratinase cao, đạt hiệu suất phân hủy trên 70% sau bốn ngày nuôi cấy. Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đã tiếp tục tạo ra chế phẩm dịch thủy phân lông gà như là nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng. Sau khi bón phân thử nghiệm, kết quả cho thấy cây rau muống được bón dịch thủy phân lông gà bằng vi sinh phát triển tốt, tăng 183,97% (khối lượng tươi) và 105,88% (chiều cao) so với cây mẫu đối chứng. So với đối chứng cây bón phân thương phẩm tăng 216,03% (khối lượng) và 108,17% (chiều cao).
Kết quả nghiên cứu cho thấy lông gà thải nếu được xử lí phù hợp vừa ngăn ngừa ô nhiễm trong hoạt động giết mổ gia cầm lại có thể tạo ra phân bón hữu cơ sinh học có giá trị, góp phần làm đa dạng nguồn phân bón hữu cơ hiện có.
Lâm Hà
Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường
Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.
Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.
Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.
Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.