Triển vọng Chương trình đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng
- Cập nhật: Thứ năm, 21/4/2022 | 4:15:47 Chiều
Tận dụng ưu thế sẵn có của hệ thống lò nung clinker với nhiệt độ cao, có khả năng thiêu hủy các chủng loại chất thải nguy hại để thực hiện đồng xử lý chất thải, bùn thải trong công nghiệp xi măng là một xu hướng tất yếu hiện nay.
Quan điểm kinh tế tuần hoàn được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững một lần nữa được khẳng định tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về "0” vào giữa thế kỷ - năm 2050.
Thực hiện chủ trương trên, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Công ty trong tham gia giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội, cùng với Tổng Công ty VICEM, VICEM Bút Sơn chủ trương triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng với Chương trình đồng xử lý chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng (điển hình như rác thải rắn công nghiệp thông thường, rác thải nguy hại, chất thải nhựa, rác thải sinh hoạt, bùn thải nạo vét sông hồ, tro xỷ ngành nhiệt điệt, xỷ luyện kim…) làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế cho việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, đá vôi, đất sét.
Giải pháp bền vững để xử lý chất thải không thể tái chế
Đồng xử lý chất thải trong lò xi măng là một lựa chọn ưu thế so với xây dựng mới các nhà máy chuyên dụng đốt rác khi các nhà máy xi măng đã có sẵn ưu thế về thiết bị đốt (lò nung, tháp trao đổi nhiệt,..), các thiết bị bảo vệ môi trường (lọc bụi túi, lọc bụi điện, ống khói,..) nên chỉ cần một lượng vốn đầu tư nhỏ hơn nhiều so với việc xây dựng các lò đốt rác, thì các lò quay xi măng có thể đáp ứng các yêu cầu của việc đồng xử lý chất thải.
Đây là giải pháp hiện đang được toàn thế giới công nhận là một trong những giải pháp bền vững nhất để xử lý chất thải không thể tái chế, được nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững, Công ước Basel, Hiệp hội Xi măng châu Âu… công nhận là công nghệ xử lý chất thải an toàn, thân thiện với môi trường và khuyến khích áp dụng.
Để thực hiện Chương trình, VICEM Bút Sơn thực hiện đồng bộ các công tác từ khảo sát các nguồn chất thải (bùn thải, rác thải) tại thành phố Hà Nội và các khu vực lân cận Công ty (cự ly tới nhà máy
Kết quả khảo sát cho thấy một số chất thải (thông thường và nguy hại) điển hình từ các nguồn chất thải này bao gồm: dung môi hữu cơ, dầu thải, sơn, keo dán, vecni, plastic, PVC, lốp xe thải, thuốc trừ sâu có nguồn gốc hữu cơ, bùn xưởng in, chất lỏng kiềm, đất nhiễm bẩn, tro công nghiệp, xỉ, bùn cặn sau xử lý nước thải, rác có nguồn gốc thực vật, gỗ, ni lông, nhựa, rác thải sinh hoạt sau phân loại…
Trong giai đoạn đầu thử nghiệm, để phù hợp với các quy định trong quản lý nhà nước về xử lý rác thải, VICEM Bút Sơn đã sử dụng các nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế. Năm 2020, khi hệ thống xử lý rác đi vào hoạt động, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ sử dụng rác làm nhiên liệu thay thế than cám đạt 8-10% với khối lượng xử lý bình quân 110 - 130 tấn rác/ngày, tổng khối lượng rác đã sử dụng là 40.300 tấn.
Đến năm 2021, bằng các giải pháp tổng thể và quyết tâm, Công ty đã tối ưu hóa hệ thống, nâng tỷ lệ đốt rác làm nhiên liệu thay thế lên đạt 21 - 22%, khối lượng xử lý bình quân 300 tấn/ngày, tổng khối lượng rác thải đã xử lý trong năm là 92.500 tấn rác công nghiệp các loại.
Toàn bộ quá trình sản xuất xi măng và đồng xử lý chất thải được giám sát tự động liên tục thông qua hệ thống điều hành và kiểm soát chất lượng của nhà máy đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm và các chỉ tiêu phát thải môi trường.
Kết thúc quá trình thử nghiệm xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại nhà máy, VICEM Bút Sơn đánh giá việc đồng xử lý lý chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất xi măng không gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm khẳng định các thành phần hóa học của chất thải không ảnh hưởng tới đặc tính cơ, lý, hóa của clinker, đồng thời không làm giảm chất lượng clinker.
Do vậy, với mỗi tấn xi măng mang thương hiệu VICEM Bút Sơn được bán ra thị trường, Công ty vừa đảm bảo chất lượng uy tín đến người sử dụng đồng thời đã cùng khách hàng của mình tham gia giải quyết vấn đề bức thiết của xã hội, đó là xử lý hiệu quả rác thải công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc sử dụng rác thải, bùn thải làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt trong việc giảm chi phí mua than cám, giảm tiêu thụ điện và hao mòn tấm lót của máy nghiền than, giảm chi phí sửa chữa thiết bị, giảm chi phí nguyên liệu từ lợi ích trong chi phí xử lý bùn thải công nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất clinker…
Kết quả ban đầu trong 2 năm vừa qua tại VICEM Bút Sơn, Chương trình đồng xử lý chất thải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty, góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo động lực để vượt qua khó khăn và vươn lên mạnh mẽ.
Cụ thể: Năm 2020 hiệu quả từ chương trình đồng xử lý chất thải mang lại là 40,12 tỷ đồng. Trong đó, hiệu quả từ việc xử lý bùn thải: 2,65 tỷ đồng, từ đốt rác thải: 15,13 tỷ đồng, hiệu quả từ sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo là 22,34 tỷ đồng; năm 2021, hiệu quả từ xử lý chất thải là 86,99 tỷ đồng. Trong đó, hiệu quả từ việc xử lý bùn thải: 17,56 tỷ đồng, từ đốt rác thải: 44,32 tỷ đồng, hiệu quả từ sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo là 25,11 tỷ đồng.
Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ngành xi măng
Chương trình đồng xử lý bùn thải, rác thải trong lò nung nhà máy xi măng hướng tới mục tiêu sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế cho than cám truyền thống, bao gồm cả: rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt theo các giai đoạn có mục tiêu như sau: giai đoạn 1 đốt rác thay thế được 20 - 25% nhiệt lượng, giai đoạn 2 thay thế được 40 -50% nhiệt lượng, giai đoạn 3 thay thế 50 - 60% nhiệt lượng; sử dụng bùn thải làm nguyên liệu thay thế đến 30% nguyên liệu sét tự nhiên góp phần sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo
Việc thực hiện Chương trình mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao đối với xã hội, như: giảm quỹ đất chôn lấp chất thải, giảm chi phí tồn trữ và xử lý chất thải cho xã hội, góp phần bảo vệ môi trường; đồng xử lý chất thải trong lò nung có môi trường làm việc ở nhiệt độ cao sẽ không để lại tro thải, không chôn lấp, giảm phát thải CO2 và khí thải độc hại phát sinh ra môi trường tận dụng lượng nhiệt năng từ chất thải khi thiêu hủy để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch (than) và sử dụng bùn thải, tro xỉ thay thế nguyên liệu (sét) trong sản xuất clinker, làm phụ gia xi măng nhằm giảm tài nguyên không tái tạo và góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Việc đốt chất thải tại lò quay xi măng lại tận dụng được tối đa lượng nhiệt từ chất thải, rác thải khi đưa vào đốt kèm theo than trong lò nung góp phần tiết kiệm được tối đa 25 - 90% nhiên liệu là tài nguyên không tái tạo như than đá, dầu khí và 5 - 10% nguyên liệu. Tính sơ bộ trong 1 năm có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng/1 dây chuyền sản xuất xi măng. Thêm nữa, nhà máy xi măng có thể thu phí đốt từ những cơ sở có chất thải cần thiêu huỷ.
Đối với lĩnh vực sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo sẽ giúp giải quyết lượng phát thải phát sinh của các nhà máy nhiệt điện, hoá chất, thép và phân bón qua đó giảm quỹ đất chôn lấp, bảo vệ môi trường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và hướng tới phát triển bền vững.
Đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng, ngoài việc đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường còn mang lại lợi ích lớn đối với các nhà sản xuất xi măng, khi chất thải được sử dụng như một nhiên liệu thay thế cho quá trình sản xuất, đặc biệt khi tỷ lệ nhiên liệu thay thế có thể lên đến 50 - 90% nhiệt lượng cần thiết cho nung luyện clinker; góp phần giảm lượng chất thải mang đi chôn lấp, giảm thiểu tối đa lượng nhiên liệu hóa thạch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và làm giảm phát thải nhà kính.
Với những thành công được ghi nhận trong hơn 2 năm qua, Chương trình đồng xử lý chất thải đã và đang tạo tiền đề và là cơ sở, tiếp thêm tinh thần, ý chí để VICEM Bút Sơn tiếp tục tiên phong, đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy tối đa các kết quả đạt được hướng tới các mục tiêu về tỷ lệ thay thế nhiệt cao hơn (lên đến 40-50%), sử dụng chất thải đa dạng hơn (kể cả chất thải rắn đô thị), nâng cao tỷ lệ sử dụng bùn thải kết hợp đồng xử lý chất thải nguy hại cùng với đó là các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo trong sản xuất xi măng.
Nguồn tapchixaydung.vn
Các tin khác
Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.
Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.
Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.
Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.