Tiếp tục tìm giải pháp đưa tro, xỉ thay thế vật liệu tự nhiên
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2022 | 3:38:20 Chiều
Trong năm 2021 tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng hơn 16 triệu tấn.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, cùng UBND một số địa phương, trong đó có Trà Vinh về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên vật liệu trong các công trình giao thông, thay thế vật liệu tự nhiên.
Thực hiện yêu cầu này, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai công việc liên quan đến sử dụng vật liệu tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện vào các công trình giao thông.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, cơ quan thực hiện dự án đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, lựa chọn các hạng mục công trình phù hợp để sử dụng vật liệu tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/12/2022.
Viện Khoa học và công nghệ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đốt than trong thi công móng mặt đường giao thông nông thôn.
Thời gian qua, tình trạng khai thác cát quá mức đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Những tỉnh ở thượng nguồn ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp… với lợi thế về nguồn cát dồi dào vốn được xem là những "mỏ vàng”, nay cũng đối mặt với nguy cơ cạn kiệt.
Riêng đối với các công trình giao thông, 2 năm trở lại đây, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá cát liên tục tăng vọt, "nhảy múa” khiến nhiều công trình lâm vào thế khó. Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đã chọn tro xỉ để làm vật liệu xây dựng, san lấp.
Do vậy, giới chuyên gia cho rằng, dùng tro xỉ và đất đá thải mỏ san lấp đường cao tốc giải quyết được cả 2 mục tiêu là giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh như Chính phủ đã định hướng.
Trong thời gian qua, các Bộ, các địa phương và một số đơn vị phát thải đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg và bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành về cơ bản đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng; bao gồm 19 Tiêu chuẩn, 01 Quy chuẩn và 7 Chỉ dẫn kỹ thuật, 03 định mức kinh tế kỹ thuật.
Bộ Xây dựng đang tiếp tục giao Viện Vật liệu xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn quốc gia TCVN về "Xỉ phốt pho cho sản xuất xi măng và bê tông" (dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2022). Đồng thời, cũng có văn bản chỉ đạo các nhà máy xi măng, các trạm nghiền xi măng tăng cường nghiên cứu và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu, phụ gia trong quá trình sản xuất.
Việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng theo Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được các Bộ nghiêm túc triển khai theo lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT trong đó quy định tro bay từ quá trình đốt than của nhà máy nhiệt điện là chất thải rắn công nghiệp thông thường thay vì phải kiểm soát ngưỡng nguy hại theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng chất thải nguy hại như trước đây. Việc thay đổi quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu thụ tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện đốt than.
Mặt khác, các nguyên tắc và điều kiện để bổ sung chi phí xử lý, tiêu thụ tro, xỉ vào giá điện trong trường hợp nhà máy điện có đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo tiêu chuẩn về chất thải, khí thải, bảo vệ môi trường cũng được Bộ Công Thương quy định rõ tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu phục vụ các ngành, lĩnh vực sản xuất. Đồng thời, phối hợp thẩm định dự thảo QCVN về bãi chôn lấp chất thải rắn. Và thẩm định hồ sơ dự thảo TCVN Bê tông sử dụng tro bay trong công trình thủy lợi (dự kiến sẽ công bố trong năm 2022).
Đến nay, cơ bản, các địa phương đã triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh về nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia xử lý, sử dụng nguồn phụ phẩm sản xuất công nghiệp này.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn nghiên cứu sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích các chủ đầu tư công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách địa phương ưu tiên sử dụng tro, xỉ, thạch cao đạt chuẩn và các sản phẩm vật liệu xây dựng sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong thành phần.
Theo số liệu tổng hợp từ các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và các nhà máy nhiệt điện khác, hiện cả nước có 29 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Trong năm 2021 tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng hơn 16 triệu tấn. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (chiếm 64%), miền Trung (chiếm 25%) và miền Nam (chiếm 11%) tổng lượng thải.
Tính đến cuối năm 2021, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 48,4 triệu tấn, chiếm khoảng 48% tổng lượng phát thải từ trước tới nay (tăng hơn 7% so với thời điểm cuối năm 2020).
Tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực như san lấp, làm phụ gia khoáng cho xi măng, sau đó là dùng làm phụ gia bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt), ngoài ra tro, xỉ cũng được dùng để thay thế một phần nguyên liệu sản xuất gạch xây (nung và không nung).
Mặc dù có những bước tiến, nhưng đến nay, tro, xỉ thải tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón đang thực sự là vấn đề lớn của nhiều địa phương, gây ra những hệ lụy lớn về môi trường.
Nguồn tapchixaydung.vn
Các tin khác
Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.
Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.
Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.
Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.