Interceptor 003: Hệ thống dọn rác trên sông Cần Thơ

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2022 | 10:42:12 Sáng

Trên sông Cần Thơ, có một chiếc sà lan màu trắng-xanh kỳ lạ đã neo đậu ở đó độ nửa năm.

Một chiếc sà lan trên sông - điều này chẳng có gì lạ, nếu không muốn nói là lẽ dĩ nhiên - nhưng hệ thống mang tên Interceptor 003 này có một điểm đặc biệt: nó thu gom chai nhựa, giấy gói và các loại rác khác trên sông, trước khi chúng tràn ra và gây ô nhiễm Thái Bình Dương.
tm-img-alt
Boyan Slat, nhà sáng lập kiêm CEO của The Ocean Cleanup.

Nằm ở khu vực bồi tụ phù sa nhiều năm của sông Mekong, TP. Cần Thơ có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Sông Cần Thơ với chiều dài 16km, đổ ra sông Hậu tại bến Ninh Kiều, là nguồn sinh kế của hầu hết người dân trong khu vực. Nơi đây nổi tiếng với chợ nổi, nhà hàng, quán bar lẫn khách sạn; do đó không khó để hiểu vì sao rác thải sông là vấn đề dai dẳng ở đây. Hàng hàng lớp lớp những bao bì, vỏ chai nhựa phủ kín đặc sông dù ban quản lý thành phố đã cố gắng tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu gom, phân loại rác thải.

TP. Cần Thơ không phải là nơi duy nhất phải ‘đau đầu’ với tình trạng này. Phân tích của tổ chức chuyên phát triển công nghệ tiên tiến nhằm loại bỏ rác thải nhựa khỏi đại dương The Ocean Cleanup cho thấy chỉ riêng 1.000 con sông trên thế giới đã chiếm gần 80% tổng lượng nhựa từ sông tràn ra đại dương - trong đó những con sông ô nhiễm nhất là các con sông nhỏ chạy qua mạng lưới dân cư dày đặc ở các nền kinh tế mới nổi.

tm-img-alt
Interceptor 003 đang thu gom rác trên sông Cần Thơ.

The Ocean Cleanup đã phát triển hệ thống Interceptor giúp loại bỏ rác thải nhựa ở sông ngòi trước khi chúng đổ ra biển. Nhưng làm thế nào để thuyết phục chính phủ các nước cho phép tổ chức đến làm sạch sông? "Đó là thử thách đầu tiên của chúng tôi”, ông Rutger de Witt Wijnen, cố vấn chung của The Ocean Cleanup, chia sẻ trên tờ Pioneers Post. Ông là người phụ trách lập bản đồ để tìm ra những con sông mà tổ chức có thể tiếp cận, muốn thế, ông phải trả lời những câu hỏi như con sông có nằm trong khu vực được chính phủ sẵn sàng hỗ trợ không? Nơi đó có đủ cơ sở hạ tầng quản lý chất thải để xử lý nhựa được thu gom? Khi đã bàn giao hệ thống, liệu có cơ quan nào sẵn sàng đứng ra quản lý hệ thống về lâu dài? - TP. Cần Thơ là một trong số những nơi có thể trả lời được những câu hỏi đó.

 

"Cần Thơ muốn trở thành một hình mẫu [về chống ô nhiễm nhựa] cho khu vực”, cùng với những chính sách môi trường vừa được chính phủ ban hành, De Witt Wijnen tin rằng chính quyền địa phương Cần Thơ thực sự quan tâm đến việc làm sạch dòng sông. Với sự hỗ trợ từ địa phương, The Ocean Cleanup bắt đầu lắp đặt hệ thống dọn rác tại Việt Nam vào năm 2019. Cuối cùng, vào tháng 11/2021, Interceptor 003 đã ra đời và sẵn sàng ‘chiến đấu’ với lượng rác thải khổng lồ.

Hệ thống dọn dẹp thông minh Interceptor 003 là một chiếc sà lan lớn nằm chắn ngang giữa sông, có chiều dài gần 25 m, ngang hơn 8m, cao trên 4m. Trên mái sà lan có một lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời giúp nó có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm mà không gây tiếng ồn hoặc xả khói.

Interceptor vận hành dựa trên dòng chảy thủy triều và năng lượng mặt trời. Rác từ sông Cần Thơ sẽ được dòng chảy đưa men theo lưới chắn, quy tụ về miệng thu gom. Sau đó, hệ thống băng tải chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ hoạt động liên tục để đưa rác đã thu gom đến 6 thùng chứa trên tàu (mỗi thùng hơn 8m3). Khi cảm biến trong sà lan báo các thùng đã đầy, sà lan sẽ được kéo vào vị trí tập kết - nơi rác được chuyển lên bờ cho các đơn vị xử lý chất thải địa phương. Trong điều kiện tối ưu, chiếc sà lan có thể thu gom 50.000kg chất thải mỗi ngày. Các nhà quản lý có thể theo dõi tiến độ thông qua điện thoại thông minh,

 

Sau bốn tháng triển khai, mỗi tháng thuyền tự động thu gom được khoảng hơn 10 tấn rác trôi nổi trên sông Cần Thơ. The Ocean Cleanup đã bàn giao cho TP. Cần Thơ hệ thống thu gom tự động rác nổi trên sông sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Theo dự tính, chiếc thuyền robot sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm vào khoảng tháng chín năm nay. Với Boyan Slat, nhà sáng lập kiêm CEO của The Ocean Cleanup, việc thử nghiệm hệ thống tại sông Cần Thơ là bước tiến "trên hành trình giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa phức tạp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Hành trình sẽ được tiếp nối, và "đây là một tin vui cho các đại dương”.

Nhân rộng hệ thống

Chia sẻ của Boyan Slat không phải là lời hứa suông, Interceptor 003 là dự án thứ 4 trong tổng số 15 dự án làm sạch sông ngòi trên toàn cầu được thực hiện nhằm ngăn chặn rác thải trôi ra đại dương (trước đó là Indonesia, Malaysia và Cộng hòa Dominica). Thành quả của dự án làm sạch sông Cần Thơ sẽ giúp các chuyên gia tăng tốc thực hiện các dự án mới tại những dòng sông còn lại trên toàn cầu. Mục tiêu xa hơn của họ là loại bỏ 90% rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương vào năm 2040.

 

Tham vọng này có quá tầm với không? Câu trả lời có lẽ là không, nếu ta nhìn lại quá trình phát triển của tổ chức này. Boyan Slat - nhà sáng lập của The Ocean Cleanup - chỉ mới 16 tuổi khi bắt đầu tham gia nghiên cứu ô nhiễm nhựa cho một dự án trường học. Chỉ hai năm sau, cậu thiếu niên người Hà Lan đã thành lập nên The Ocean Cleanup. "Chúng ta phải giải quyết quả bom hẹn giờ [ô nhiễm sông ngòi] này. Đó là sứ mệnh của tôi,” Slat tự tin chia sẻ vào năm 2017.

Từ khởi đầu khiêm tốn, The Ocean Cleanup - trụ sở ở Rotterdam (Hà Lan) - hiện có khoảng 100 nhân viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực với chuyên môn khác nhau. Với từng đó nhân lực, hẳn sẽ rất khó để giải quyết vấn đề ô nhiễm cho hơn 100.000 con sông trên khắp thế giới, vì vậy họ phải tìm kiếm một giải pháp kỹ thuật mang tầm thế giới, có thể nhân rộng ở quy mô lớn. Các chuyên gia tại The Ocean Cleanup cho rằng Interceptor chính là câu trả lời.

Hệ thống thu gom có thể vận hành linh hoạt ở nhiều điều kiện sông ngòi khác nhau. Nhóm nghiên cứu sẽ có những điều chỉnh phù hợp với địa hình của khu vực. Chẳng hạn, tại Cần Thơ, người dân trong khu vực đã gợi ý những thay đổi như lót lưới cho thùng rác của sà lan để giúp loại bỏ rác dễ dàng hơn. Các chuyên gia cho biết, họ sẽ đưa ý tưởng này áp dụng đến những hệ thống làm sạch sông ngòi tiếp theo trong khu vực Đông Nam Á, như Malaysia.

Mỗi một chướng ngại vật mà nhóm vượt qua, mỗi một ý tưởng để cải thiện và phát triển, là một bài học kinh nghiệm đối với The Ocean Cleanup và là một bước tiến gần hơn để thoát khỏi đại dương nhựa. Các chuyên gia đang đi những bước thận trọng và từ từ, điều này thể hiện qua cách họ giữ kín các dự án trước truyền thông để tránh sinh ra những kỳ vọng sai lầm. "Mục tiêu của chúng tôi là chỉ công bố một dự án đang thực sự hoạt động”, tổ chức lý giải. Khi họ công bố rộng rãi trước công chúng những chiếc Interceptor mới, cũng là lúc chúng ta biết rằng họ đang từng bước hiện thực hoá tham vọng lớn lao của mình.

Chỉ là giải pháp cuối cùng

Hệ thống Interceptor là tương lai, nhưng chắc chắn nó không phải một cỗ máy vạn năng đối với thực trạng ô nhiễm môi trường. Trở lại với câu chuyện về phiên bản Interceptor 003 tại TP. Cần Thơ, với những người dân bám sông nước làm kế sinh nhai từ thời trẻ, họ không khỏi vui mừng khi nhìn một chiếc máy khổng lồ đang làm sạch ‘nhà’ ở họ mỗi ngày; nhưng liệu điều này có khiến người dân chủ quan, họ sẽ liên tục vứt rác xuống sông vì yên tâm rằng đã có một chiếc ‘máy hút bụi’ thần kỳ dọn dẹp tất thảy?

Hơn thế nữa, theo tờ CAND, chủ dự án là Sở Tài nguyên Môi trường TP. Cần Thơ cho biết tổng vốn đầu tư cho hệ thống là hơn 19,8 tỷ đồng. Tổ chức của The Ocean Cleanup viện trợ không hoàn lại hơn 14,6 tỷ đồng, vốn đối ứng của TP. Cần Thơ hơn 5,2 tỷ đồng. Với mức giá đắt đỏ, liệu những chiếc sà lan có thực sự là vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến làm sạch các tuyến đường thủy trên thế giới? Đồng thời, chi phí vận hành cho một Interceptor khá lớn, và do đó rất khó để các tỉnh thành ‘sắm’ cho mình nhiều hệ thống và triển khai lâu dài.

"Chúng là biện pháp cuối cùng”, Lonneke Holierhoek, giám đốc khoa học của The Ocean Cleanup, cho rằng các sà lan chỉ là một giải pháp tạm thời cho đến khi chúng ta tìm ra phương thức hạn chế rác thải, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, đẩy mạnh hoạt động tái chế. Cần phải có những hoạt động để nâng cao nhận thức của người dân, tránh sự ỷ lại vào hệ thống này, bởi "chúng ta không thể cứ dọn dẹp sông ngòi và đại dương mãi”.

Bên cạnh đó, có một câu hỏi khác nảy sinh, đó là liệu các doanh nghiệp có xem The Ocean Cleanup là một hướng để "tẩy xanh” (greenwashing- chiến thuật marketing được sử dụng để khoác lên sản phẩm, dịch vụ, hoặc chính sách công ty lớp vỏ bọc "thân thiện với môi trường”)? Trong một báo cáo năm 2021, nhóm hành động vì môi trường Break Free From Plastic cho biết bên cạnh hãng xe KIA, ban nhạc Coldplay, nhà tài trợ lớn nhất của The Ocean Cleanup để xây dựng Interceptor là Coca-Cola, "công ty có mức độ gây ô nhiễm ra môi trường lớn nhất thế giới năm thứ 4 liên tiếp”. Thật trớ trêu khi những chai Coca-Cola thường xuyên nằm trong số rác thải bị Interceptor hút lên.

Trả lời Nikkei Asia, đại diện Coca-Cola cho biết họ "nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc giúp giải quyết vấn đề rác thải bao bì nhựa trên toàn cầu” và đang nhắm mục tiêu đến 100% bao bì có thể tái chế vào năm 2025. Đó cũng là điều mà The Ocean Cleanup kỳ vọng, "Chúng tôi cần mọi người đóng góp thực sự, cam kết thực sự để thay đổi bản thân”, Holierhoek nói thêm rằng các công ty cần phải trực tiếp làm việc với tổ chức.

Hiện tại, The Ocean Cleanup đang tiếp tục lắp đặt hệ thống Interceptor mới ở Malaysia - hệ thống nối tiếp với chiếc sà lan đang cần mẫn thu dọn tại sông Cần Thơ. Là người phụ trách giám sát vận hành, hoạt động kết nối giữa các sở ban ngành và những chuyên gia điều hành Interceptor 003, anh Đỗ Tân - người chuyên nghiên cứu về tính bền vững và hoạt động quản lý chất thải - cho biết anh cảm thấy phấn khích khi giám sát và chứng minh rằng cỗ máy vẫn đang vận hành tốt. "Tôi thức dậy mỗi sáng và biết rằng bản thân đang làm một công việc có thể giúp đỡ thành phố của mình… Mỗi ngày đều là một ngày tuyệt vời”.


Nguồn KH&PT

  •  
Các tin khác

Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.

Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.

Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.

Sản phẩm cấu kiện bê tông thương hiệu AMACCAO

Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.