Để đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội về một bầu không khí xanh, sạch trong nhà, đặc biệt là ở các thành phố lớn, mọi người thường nghĩ tới giải pháp trồng cây xanh trong nhà. Tuy nhiên, PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên (Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội) và cộng sự lại có một hướng đi khác.
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên cùng nhóm sinh viên phát triển sản
phẩm đèn tảo năm 2019. Ảnh: NVCC
Nhóm nghiên cứu đã phát triển thiết bị đèn tảo Aloxy có dạng ống hình trụ, bên trong chứa đầy dung dịch nước màu xanh lá cây và tỏa ra ánh sáng dịu mát. Aloxy sử dụng cơ chế quang hợp của vi tảo để hấp thụ CO2 và sinh ra oxy. Khi thiết bị được đặt trong nhà hay các văn phòng, dòng không khí trong phòng - vốn chứa nhiều CO2 do có mật độ người cao - sẽ được hút vào đèn và đi qua một bộ lọc Hepa để tách bụi mịn PM10, PM 2.5, sau đó được dung dịch tảo hấp thụ CO2 và nhả ra oxy.
Thiết bị được tích hợp một nguồn sáng LED ở bên trong để tăng hiệu quả quang hợp, hấp thụ CO2 cho tảo trong suốt 24 giờ/7 ngày. Theo PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên: "Hiệu suất hấp thụ CO2 của thiết bị là khoảng 80-85%. Với hệ thống này, chúng tôi vừa giải quyết được vấn đề bụi mịn, vừa tạo ra thêm lượng oxy gấp nhiều lần khả năng cung cấp oxy của cây xanh cho các không gian kín”.
Được biết, giống tảo nuôi trồng trong thiết bị cũng đã được nhóm nghiên cứu lai tạo và thuần hóa, sử dụng trong hơn ba năm nay nên đã hoàn toàn quen với cường độ ánh sáng của thiết bị. Đó là giống tảo Spirulina platensis - loại tảo xoắn có giá trị dinh dưỡng cao để có thể tận dụng sinh khối tảo thu từ thiết bị đèn làm thức ăn cho vật nuôi hoặc phân bón cho cây trồng.
Từ phiên bản đơn sơ đầu tiên năm 2019, trải qua quá trình nghiên cứu, cải tiến liên tục, đến nay sản phẩm đèn tảo Aloxy T của nhóm PGS.TS Yên gồm có các bộ phận chính là: phần lọc không khí và bình chứa dung dịch tảo. Thiết bị có kích thước 10x10x28cm, dung tích 1,5 lít tảo, tạo ra được oxy với nồng độ 0,2 - 0,4 ppm/phút. Bên cạnh đó, đèn tảo của nhóm cũng đã được tích hợp nguồn sáng LED vào trong thiết bị để đảm bảo độ sáng quang học và nâng cao khả năng quang hợp của tảo. "Người dùng cũng có thể dễ dàng điều chỉnh cường độ ánh sáng theo ba mức khác nhau tùy theo sự phát triển của sinh khối tảo.
Đèn tảo Aloxy phù hợp với các văn phòng, phòng ngủ gia đình có diện tích khoảng 10-15 mét vuông. Một bộ sản phẩm gồm có một chiếc đèn, bộ sạc, chai tảo giống, sáu túi bột dinh dưỡng và túi để lọc sinh khối tảo. Sau một tháng sử dụng, người dùng sẽ cần thay nước nuôi tảo, theo tờ hướng dẫn chi tiết đi kèm trong hộp sản phẩm.
Sản phẩm đèn tảo Aloxy đã bán được gần 1,000 bộ với mức giá khoảng 1,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, người sử dụng sẽ cần mua tảo giống và dinh dưỡng với chi phí 30,000 đồng/tháng để duy trì hoạt động của đèn.
Tùng Lâm
Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường