Bước phát triển ấn tượng của ngành Khí tượng thuỷ văn Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 4/10/2022 | 4:46:00 Chiều
Sáng 3/10, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp 77 năm ngày truyền thống Ngành Khí tượng Thủy văn. Trong những năm qua, ngành KTTV đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều kết quả rất quan trọng.
Trong những năm gần đây, mạng lưới quan trắc KTTV đã từng bước được đầu tư nâng cấp hiện đại, đồng bộ, chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu, khu vực có rủi ro thiên tai cao, phát huy được vai trò trong việc đảm bảo cung cấp số liệu phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng KTTV, phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai.
Hiện nay, mạng lưới quan trắc quốc gia đã có 284 trạm khí tượng bề mặt, 29 trạm khí tượng nông nghiệp, 14 trạm bức xạ, gần 2.000 trạm đo mưa tự động, 359 trạm thủy văn, 27 trạm khí tượng hải văn, có 180 trạm/điểm đo môi trường, mạng lưới trạm khí tượng cao không gồm có: 06 trạm thám không vô tuyến, 08 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 03 trạm đo tổng lượng ô-dôn, bức xạ cực tím và 10 trạm ra-đa thời tiết, 18 trạm định vị sét trải khắp mọi miền đất nước.
Trung tâm dữ liệu đạt gần tới tiêu chuẩn quốc tế
Trung tâm dữ liệu (Data center) về KTTV được đầu tư xây dựng đã đạt gần tới tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo hoạt động ổn định hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm mạng máy tính, các máy chủ nghiệp vụ, hệ thống tính toán hiệu năng cao HPC, cơ sở dữ liệu hiện đại, các phần mềm nghiệp vụ xử lý, lưu trữ và chia sẻ toàn bộ số liệu KTTV trong nước và quốc tế. Thông qua hệ thống này, toàn bộ hoạt động nghiệp vụ KTTV được tích hợp, tập trung, thống nhất xử lý, lưu trữ, khai thác trong toàn hệ thống dự báo, cảnh báo phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo về phòng chống thiên.
Ứng dụng dự báo số, đồng hóa số liệu địa phương
Các hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị của Việt Nam hiện nay đã được hiện đại hóa với hệ thống đồng hoá số liệu địa phương cho mô hình khu vực độ phân giải cao, cho phép nâng cao chất lượng dự báo mưa lớn, mưa cực trị, qua đó tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo các hệ quả liên quan như ngập lụt, lũ, lũ quét và sạt lở đất ở Việt Nam. Đồng thời đã tận dụng tối đa các nguồn số liệu có chất lượng cao đã được đầu tư (số liệu dự báo của Trung tâm Dự báo hạn vừa Châu Âu) làm tiền đề cho các bài toán chi tiết hóa đối với dự báo hạn vừa đến hạn tháng và tăng cường chất lượng dự báo quỹ đạo và cường độ bão khu vực Biển Đông.
Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thông tin dự báo, cảnh báo KTTV
Mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày, nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô chi tiết hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn; hướng tới phục vụ đa mục tiêu, từng bước triển khai bản tin dự báo tác động, cảnh báo rủi ro theo yêu cầu của thực tiễn công tác phòng chống thiên tai. Các thông tin dự báo, cảnh báo được thực hiện kết nối, chuyển tải nhanh chóng, chính xác trong mọi thời điểm, tình huống thiên tai đến với đội ngũ phóng viên chuyên trách về KTTV và Phòng chống thiên tai của các báo, đài, tạp chí, trang thông tin và các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung ương và Hà Nội.
Trong những năm qua, công tác hợp tác quốc tế của ngành KTTV không ngừng được tăng cường và phát triển, góp phần không nhỏ trong công cuộc hiện đại hóa ngành KTTV và bảo vệ chủ quyền đất nước. Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhanh chóng được chuyển đổi từ bị động sang chủ động. Từ đó khẳng định vị thế trên trường quốc tế của ngành KTTV Việt Nam - là Trung tâm hỗ trợ khu vực Đông Nam Á trong cảnh báo thời tiết nguy hiểm và Trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á.
Nhìn nhận rõ tầm quan trọng của ngành KTTV, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, ngành KTTV đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị đề cập toàn diện các nội dung về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành KTTV giai đoạn mới, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nền tảng, kim chỉ nam định hướng cho ngành tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Bắc Lãm
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.
Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.
Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.
Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.