Thế giới đã mất đi 69% quần thể các loài hoang dã trong vòng chưa đầy một thế kỷ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/10/2022 | 9:12:28 Sáng

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) vừa mới công bố Báo cáo Sức sống Hành tinh 2022. Báo cáo cho thấy thế giới đã mất đi 69% quần thể các loài hoang dã trong vòng chưa đầy một thế kỷ.

Báo cáo Sức sống Hành tinh 2022 - 1
Theo Báo cáo, quần thể các loài hoang dã (được giám sát) - thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá - đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970. Báo cáo đã cho thấy hiện trạng rõ nét của thiên nhiên và cảnh báo các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng thực hiện các hành động khẩn cấp, mang tính chuyển đổi để đảo ngược tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra.
Với bộ dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm gần 32.000 quần thể của 5.230 loài, Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI), do ZSL (Hiệp hội Động vật học London) nghiên cứu, chỉ ra rằng các loài động vật hoang dã có xương sống (được giám sát trong LPI) đang giảm mạnh với tỷ lệ đáng báo động tại các khu vực nhiệt đới. WWF đặc biệt lo ngại trước tình trạng trên bởi những khu vực này cũng là những nơi có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Cụ thể, dữ liệu LPI cho thấy từ năm 1970 cho đến 2018, những quần thể động vật hoang dã được giám sát tại châu Á - Thái Bình Dương giảm trung bình 55%. Con số này tại châu Phi, châu Mỹ Latinh và khu vực Caribbe là 94%.
Báo cáo Sức sống Hành tinh 2022 - 2
Theo báo cáo, nguyên nhân chính làm suy giảm các quần thể động vật hoang dã trên khắp thế giới bao gồm suy thoái và mất sinh cảnh, khai thác, du nhập các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Báo cáo LPR chỉ rõ, để xây dựng một tương lai trong đó thiên nhiên được bồi hoàn thì cộng đồng địa phương và người bản địa ở khắp thế giới phải được công nhận quyền trong việc tham gia quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Nhận xét về những kết luận này của báo cáo, ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc WWF Quốc tế, cho biết: "Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp kép do chính con người gây ra: biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học - những yếu tố đe dọa tới phúc lợi của thế hệ hiện tại và tương lai. WWF vô cùng lo lắng trước những số liệu về sụt giảm quần thể mới được công bố, đặc biệt tại các khu vực nhiệt đới - nơi sở hữu những cảnh quan đa dạng lớn nhất thế giới.
Bà Lan Mercado, Giám đốc Khu vực, WWF - Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là nơi có những hệ sinh thái đa dạng bậc nhất thế giới, đồng thời là nơi sinh sống của những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Để khẩn trương giảm thiểu và thích ứng với những nguy cơ khí hậu trong tương lai, các nhà lãnh đạo thế giới cần đảm bảo sự tham gia đầy đủ và chủ động của phụ nữ, người bản địa, cộng đồng địa phương, giới trẻ và những nhóm thiểu số khác trong các chương trình nghị sự về khí hậu. Đồng thời, trong bất kỳ chương trình nghị sự nào về mất đa dạng sinh học hoặc khủng hoảng khí hậu, vấn đề bất bình đẳng khí hậu và phân bổ tài chính công bằng trong khu vực phải là một trọng tâm cốt lõi. Chúng ta không thể tiếp tục trì hoãn hành động.”
Báo cáo Sức sống Hành tinh 2022 - 3
Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có buổi gặp mặt tại Hội nghị lần thứ 15 giữa các bên tham gia về Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD COP15) vào tháng 12 này để bàn thảo các hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của con người và hành tinh. WWF vận động các nhà lãnh đạo cam kết một thỏa thuận tương tự với "thỏa thuận Paris”: có khả năng đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học nhằm đảm bảo một thế giới trong đó thiên nhiên được bồi hoàn vào năm 2030.
Tại Hội nghị COP15 ở Montreal, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (TN&MT), với sự hỗ trợ của WWF Việt-Nam, sẽ tổ chức một sự kiện nhằm chia sẻ Chiến lược Đa dạng Sinh học Quốc gia, được phê duyệt vào tháng 2 năm 2022. Sự kiện sẽ cho thấy Việt Nam là một quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và là quốc gia tiên phong tham gia các cam kết quốc tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt, tại sự kiện này, Bộ TN&MT và WWF sẽ cùng thảo luận về cách huy động sự hỗ trợ và tham gia của các khu vực công và tư nhân nhằm bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam, thông qua phát triển kinh tế bền vững và các chương trình bảo vệ đa dạng sinh học xuyên biên giới. 
Ông Bill Possiel, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam phát biểu "Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất Đông Nam Á, nhờ vậy mà mức sống của người dân cũng đang được nâng cao. Nhưng cũng chính sự phát triển kinh tế nhanh chóng này lại tạo ra ngày càng nhiều áp lực cho các nguồn tài nguyên, gây suy giảm các hệ sinh thái và đe doạ đa dạng sự sống nơi đây. COP15 là cơ hội để WWF hợp tác với Bộ TN&MT, cũng như cộng đồng quốc tế, để nâng cao hơn nữa những tham vọng bảo tồn. Điều này là vô cùng cần thiết để đảm bảo kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.”
Tiến sĩ Andrew Terry, Giám đốc Bảo tồn và Chính sách tại ZSL, cho biết: "Chỉ số Sức sống Hành tinh đã cho thấy tình hình trở nên xấu đi như thế nào khi mà chúng ta cắt bỏ nền tảng cơ bản của sự sống. Một nửa nền kinh tế toàn cầu và hàng tỷ người phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên. Việc ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học và khôi phục các hệ sinh thái thiết yếu phải được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự toàn cầu. Có như vậy, chúng ta mới có thể giải quyết được các cuộc khủng hoảng ngày một gia tăng về khí hậu, môi trường và sức khỏe cộng đồng.”
Báo cáo chỉ ra rằng tăng cường những nỗ lực bảo tồn và phục hồi, chú trọng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm một cách bền vững, nhanh chóng cắt giảm lượng các-bon trong tất cả các ngành sẽ giúp giảm thiểu tác động của khủng hoảng kép. Các tác giả kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện chuyển đổi nền kinh tế để giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên được đánh giá đúng mức.


Phương Ngân



Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường

  •  
Các tin khác

Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.

Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.

Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.

Sản phẩm cấu kiện bê tông thương hiệu AMACCAO

Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.