Hàng trăm đại biểu trong nước, quốc tế tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Chủ tịch thường trực VUREIA; GS.TS Nguyễn Hữu Dũng -Viện trưởng, Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam; TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT); ông Nguyễn Thi - Chuyên viên vụ Pháp chế, Bộ TN và MT; ông Hứa Phú Doãn - Phó chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam; TS.LS Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; bà Nguyễn Thị Quế Lâm - Công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; bà Kiều Phương - Đại diện tại Việt Nam - Công ty BMH Technology (Phần Lan); ông Bruno Fux - INSEE Việt Nam; bà Thunyaluck Wattanachartkanun - Công ty M&J Recycling (Đan Mạch) cùng hàng trăm đại biểu trong nước, quốc tế, các phóng viên, nhà báo trung ương đến từ các cơ quan báo chí, thông tấn trung ương và địa phương.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác phân loại rác tại nguồn và công nghệ chế rác thải tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp. Đây là cơ hội, là diễn đàn tốt để các công ty môi trường, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chuyên gia chia sẻ, trao đổi thông tin, học tập được các kinh nghiệm hữu ích trong triển khai công tác phân loại rác tại nguồn và các loại hình tái chế chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Chủ tịch thường trực VUREIA phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Chủ tịch thường trực VUREIA cho biết: "Trên phạm vi toàn quốc, CTR phát sinh ngày càng tăng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm và còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về khối lượng cũng như các thành phần khó phân hủy và mức độ độc hại có trong CTR. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019 tổng lượng chất thải rắn của Việt Nam là: 64 081 tấn/ngày - trong đó khu vực đô thị là 33 642 tấn/ngày - được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp".
Trong những năm qua nhiều chính sách, chiến lược về quản lý CTR được ban hành và đi vào cuộc sống. Hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về CTR cũng đang từng bước hoàn thiện, nhiều mô hình quản lý tại một số địa phương đã cho thấy những kết quả tốt. Vai trò của các tổ chức tư nhân cùng tham gia công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đã ngày càng được khẳng định. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý CTR, vấn đề đầu tư tài chính, hợp tác quốc tế và xã hội hóa công tác quản lý CTR cũng được tăng cường và đã có những thành công nhất định.
Quang cảnh hội thảo
Bà Kiều Phương - Đại diện tại Việt Nam - Công ty BMH Technology (Phần Lan)
TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường
Theo đại diện lãnh đạo VUREIA, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn rất nhiều những khó khăn, bất cập trong quản lý và xử lý CTR hiện nay. Đặc biệt vấn đề phân loại rác tại nguồn và thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường theo lượng thải, khi mà lộ trình thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đang đến gần (31/ 12/ 2024). Do vậy, rất cần thiết có các khung hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp tính cũng như tính đồng bộ trong thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại.
Tham dự hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến việc phân loại, tái chế chất thải rắn đô thị như: Cơ chế, chính sách trong phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải; Cơ hội và thách thức trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn; Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất về tái chế; Thực trạng và giải pháp quản lý tái chế chất thải; Công nghệ tái chế để sản xuất nhiên liệu có nguồn gốc từ chất thải rắn đô thị; Kinh nghiệm phân loại để tái chế và biến rác thành tài nguyên, nhiên liệu.
Việc Phân loại rác tại nguồn và tìm kiếm giải pháp tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về môi trường, kinh tế - xã hội là điều hết sức cấp thiết hiện nay. Nếu coi rác là tài nguyên thì việc Phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế hay xử lý chất thải, là "tối ưu hóa” nguồn tài nguyên này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Hà Thắm
Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường