Hướng đến kinh tế tuần hoàn, Đà Nẵng sẽ tái sử dụng nước thải sau xử lý

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2022 | 9:47:37 Sáng

Hiện nay, Đà Nẵng đang nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tái sử dụng nước thải sau xử lý, tuần hoàn nước tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Nhiều lợi ích

Trong khuôn khổ dự án "Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đang phối hợp triển khai hợp phần thúc đẩy các sáng kiến tái sử dụng nước trong các doanh nghiệp.

Các đơn vị đã lắp đặt 1 hệ thống trình diễn tái sử dụng nước thải sau xử lý có công suất sử dụng nước 10 m3/ngày tại một khu nghỉ dưỡng ở quận Ngũ Hành Sơn để tưới cây, thảm thực vật trong khu nghỉ dưỡng. Đồng thời, lắp đặt 1 hệ thống tương tự có công suất 15m3/ngày tại Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH MTV Thiên Mã ở Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) để tưới, rửa, giúp làm mát và sạch nhà xưởng.

nuoc-thai1.jpg
Kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý trước khi tái sử dụng để tưới cây, điều hòa khí hậu tại một khu nghỉ dưỡng ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)

Sau thời gian lắp đặt, kiểm tra và hiệu chỉnh kỹ thuật, chất lượng nước tái sử dụng đạt các yêu cầu đề ra và tiết kiệm, giảm chi phí xử lý nước thải, giảm thuế sử dụng tài nguyên, giảm tiền khai thác nước ngầm và giảm tiền sử dụng nước thủy cục phải nộp của doanh nghiệp.

 

Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiên Mã Lê Văn Vượng chia sẻ, sau khi qua hệ thống hấp phụ và lọc thì nước thải sau xử lý bảo đảm chất lượng tái sử dụng. Với công suất tái sử dụng nước thải sau xử lý 15 m3/ngày, giúp công ty giảm 130.000 đồng/ngày chi phí đấu nối, xử lý nước thải (8.600 đồng/m3), giảm được tiền nước thủy cục phải trả (15.000 đồng/m3) và cũng có căn cứ để giảm thuế sử dụng tài nguyên. Hiện công ty đang tái sử dụng nước thải sau xử lý để vệ sinh, tưới sàn, làm mát nhà xưởng... và đang nghiên cứu sử dụng nước giải nhiệt cho hệ thống cấp đông, máy lạnh.

"Việc tái sử dụng nước mang lại nhiều lợi ích nên chúng tôi cũng mong được nghiên cứu nâng công suất tái sử dụng toàn bộ nước thải sau xử lý hằng ngày của nhà máy”, ông Vượng cho hay.

nuoc-thai2.jpg
Nước thải sau khi xử lý được kiểm tra đạt chuẩn sẽ được sử dụng để vệ sinh, tưới sàn, làm mát nhà xưởng

Theo bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng), trong các khu nghỉ dưỡng, việc dùng nước thủy cục để tưới cây là không phù hợp và chi phí cao gấp 10 lần so với khai thác nước ngầm nên đa số doanh nghiệp chọn giải pháp khai thác nước ngầm để tưới cây. Những năm qua, thành phố khuyến khích và vận động doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải bảo đảm chất lượng nước sau xử lý có thể đáp ứng các quy định nhằm tưới cây được. Có không ít chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng ven biển ủng hộ chủ trương này và thực hiện rất tốt, trong đó có 7 doanh nghiệp đã nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.

 

"Thời gian đến, khi du lịch được phục hồi, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các khu nghỉ dưỡng để tái sử dụng vào mục đích tưới cây, thay thế dần việc khai thác nước ngầm”, bà Đặng Nguyễn Thục Anh nói.

Thúc đẩy tái sử dụng nước thải

TS Nguyễn Đình Huấn, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho biết, để thực hiện thành công đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, trong quá trình xét duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, các cơ quan chức năng cần yêu cầu doanh nghiệp có giải pháp tiết kiệm, tái sử dụng nước. Điều này chắc chắn sẽ làm doanh nghiệp tìm cách đưa việc tiết kiệm, tái sử dụng nước vào dự án.

 

Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi ích về kinh tế như: giảm tiền nước phải thanh toán hằng tháng, giảm tiền xử lý nước thải... Hệ thống tái sử dụng nước thải sau xử lý khi được sản xuất hàng loạt sẽ có chi phí phù hợp, đáp ứng nhu cầu tái sử dụng nước của các doanh nghiệp, có thể tận dụng những bể, bồn chứa và thiết bị hiện có của doanh nghiệp để lắp đặt. Hệ thống này có tính khả thi và có ý nghĩa về mặt môi trường khi nhân rộng, nên cần được thúc đẩy tái sử dụng nước thải sau xử lý tại các doanh nghiệp.

nuoc-thai3.jpg
Sắp tới Đà Nẵng sẽ nhân rộng việc sử dụng nước sau thải sau xử lý, tuần hoàn nước tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Đà Nẵng đã có nhiều đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải rộng khắp với tổng công suất xử lý nước thải gần 350.000m3/ngày. Nước sau xử lý là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và có tiềm năng tái sử dụng nước rất lớn. Vào mùa khô, mực nước các hồ, kênh... hạ thấp gây ra những sự cố môi trường, nhất là tình trạng cá chết, phát tán mùi hôi ra môi trường... Do đó, thành phố cần bơm trữ lượng nước thải sau xử lý đã đạt quy chuẩn với tổng công suất gần 350.000m3/ngày lên đầu nguồn các kênh, hồ để tạo dòng nước luân chuyển, bảo đảm môi trường và điều hòa khí hậu.

Để thúc đẩy việc tái sử dụng nước thải sau xử lý, bà Nguyễn Thị Kim Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng) cho biết, hiện Sở TN&MT đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong ngoài nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tái sử dụng nước thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp cũng như giải pháp tái sử dụng nước sau thải sau xử lý, tuần hoàn nước tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.


Lan Anh



Nguồn Báo TN&MT

  •  
Các tin khác

Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.

Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.

Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.

Sản phẩm cấu kiện bê tông thương hiệu AMACCAO

Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.