Theo một nghiên cứu mới do Maria Luiza Pedrotti của Đại học Sorbonne, được công bố mới đây trên tạp chí PLOS ONE cho thấy, gần 200 loài vi khuẩn xâm chiếm các sợi nhựa ở Biển Địa Trung Hải, trong đó có loài gây ngộ độc thực phẩm ở người. Mặc dù không phải tất cả các vi khuẩn biển trên các hạt nhựa đều nguy hiểm, nhưng các nhà nghiên cứu đặc biệt lo ngại về mức độ của các loài vi khuẩn có khả năng gây hại cho động vật hoang dã và con người.
Báo cáo Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc năm 2020 ước tính rằng 730 tấn rác thải nhựa đổ ra biển Địa Trung Hải mỗi ngày, để lại hơn 64 triệu hạt nhựa nhỏ trôi nổi trên mỗi km vuông ở một số khu vực nhất định, bao gồm cả vi sợi nhựa. Trên thực tế, trong số tất cả các lưu vực đại dương lớn trên thế giới, Địa Trung Hải có nồng độ sợi nhựa cao nhất. Những sợi nhựa tổng hợp nhỏ này được giải phóng từ các nguồn như lưới đánh cá sờn, nhà sản xuất dệt may hoặc vô số đồ giặt.
Các vi khuẩn có hại đang phát triển mạnh trên khắp Biển Địa Trung Hải trong các sợi nhựa và nó có thể đang làm thay đổi hệ sinh thái biển (Nguồn: Bloomberg)
Trên khắp các đại dương trên thế giới, ô nhiễm nhựa đã tạo ra một cộng đồng nhân tạo mới cho các vi khuẩn biển mà các nhà nghiên cứu gọi là "plastisphere”. Vi khuẩn trôi nổi tự do và các hệ vi sinh vật khác có thể tiết ra các phân tử dính giúp chúng bám vào các chất nền, như gỗ, vi tảo hoặc trầm tích. Một số loại nhựa nhẹ hơn nước biển và nổi trên bề mặt, nơi chúng có thể được dòng hải lưu mang đi quãng đường dài.
Những sợi nhỏ này có thể gây ra mối đe dọa đối với hệ sinh thái dưới nước và sức khỏe con người, bởi vì một khi chúng bị vi khuẩn xâm chiếm, chúng sẽ có mùi giống như thức ăn và được các sinh vật biển tiêu thụ. Do tính bền bỉ của chúng, các vi sợi có khả năng tích tụ trong các sinh vật biển khi chúng di chuyển qua chuỗi thức ăn.
Để tìm ra loại vi khuẩn nào sống trên các sợi nhựa trôi nổi, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật kính hiển vi tiên tiến và giải trình tự DNA để xác định các vi khuẩn sống trên các sợi nhựa được thu thập từ biển Tây Bắc Địa Trung Hải. Họ phát hiện ra rằng trung bình có hơn 2.600 tế bào sống trên mỗi sợi nhỏ. Những tế bào này thuộc về 195 loài vi khuẩn, trong đó có Vibrio parahaemolyticus, một loại vi khuẩn nguy hiểm tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm từ hải sản.
Nghiên cứu mới này là nghiên cứu đầu tiên báo cáo về sự hiện diện của các loài Vibrio gây bệnh trên sợi nhựa ở biển Địa Trung Hải. Phát hiện này rất quan trọng để đánh giá rủi ro sức khỏe, bởi vì sự hiện diện của vi khuẩn có thể là mối đe dọa đối với việc tắm biển và tiêu thụ hải sản.
Những phát hiện của nghiên cứu ở Địa Trung Hải đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy vi khuẩn biển phát triển mạnh trên chất thải nhựa là "một hiện tượng toàn cầu đáng được quan tâm hơn”. Cần phải có nhiều cuộc điều tra hơn về sự tương tác giữa mầm bệnh và các chất gây ô nhiễm khác nhau như nhựa để hiểu rõ hơn về cách con người đang thay đổi và gây hại hệ sinh thái biển.
Nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi về rủi ro môi trường của sợi nhựa. Lượng chất thải nhựa khó phân hủy ngày càng tăng trong môi trường có thể mang đến vi khuẩn nguy hiểm và các chất ô nhiễm khác ra khắp đại dương, do đó làm tăng nguy cơ ô nhiễm so với các hạt tự nhiên tồn tại trong thời gian ngắn, chẳng hạn như gỗ hoặc trầm tích.
Vai trò của biến đổi khí hậu cũng có ảnh hưởng đến sự lây lan của loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiệt độ có mối tương quan đáng kể với sự gia tăng của Vibrio spp và sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng.
Đại Phong (T/h)
Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường