Châu Phi phát triển thành cường quốc điện xanh như thế nào?

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/5/2023 | 2:42:07 Chiều

Khu Liên hợp điện mặt trời ở trong lòng sa mạc Sahara thuộc diện lớn nhất thế giới. Nó đại diện cho chính sách năng lượng mới của Ma-rốc cũng như toàn bộ lục địa châu Phi.

Khu Liên hợp điện mặt trời ở trong lòng sa mạc Sahara thuộc diện lớn nhất thế giới. Nó đại diện cho chính sách năng lượng mới của Ma-rốc cũng như toàn bộ lục địa châu Phi.
tm-img-alt
Tổ hợp năng lượng điện mặt trời Noor ở Ma rốc. Ảnh: WELT

Khu phức hợp năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới nằm ở Ouarzazate, miền nam Ma-rốc. Cơ sở này có 500.000 tấm gương parabol với tổng diện tích 1,4 triệu mét vuông, tương đương 200 sân bóng đá.

Cơ sở này được gọi là Noor, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là ánh sáng. Ba nhà máy điện ở đây cung cấp năng lượng cho khoảng 1,3 triệu người. Nhà máy điện thứ tư sẽ sớm được kết nối với lưới điện để tăng công suất cho khu phức hợp.

Noor là trung tâm của chính sách năng lượng đầy tham vọng của quốc gia Bắc Phi này. Đến năm 2050, Ma-rốc muốn 80% lượng điện tiêu thụ là năng lượng tái tạo. Tỷ lệ này hiện chiếm khoảng 35%, dự kiến 8 năm nữa sẽ đạt 52%.

 

Nhà máy năng lượng mặt trời khổng lồ Noor trên sa mạc Sahara không chỉ là biểu tượng cho quá trình chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng của Ma-rốc mà còn là biểu tượng của chính sách năng lượng mới trên lục địa châu Phi. Người ta dự kiến sẽ sản xuất hydro xanh bền vững từ năng lượng mặt trời ở đây.

Tháng 5 năm ngoái, sáu quốc gia gồm Ma-rốc, Ai Cập, Kenya, Mauritania, Namibia và Nam Phi đã hợp lực để thành lập Liên minh Hydro xanh châu Phi. Liên minh này phấn đấu trong tương lai gần sẽ sản xuất ít nhất 500.000 tấn hydro xanh mỗi năm.

Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Nam Phi có kế hoạch tự sản xuất khối lượng này vào năm 2030. Mặt khác, Ăng-gô-la và Ghana đã bắt đầu sản xuất hydro xanh và nhiều nước châu Phi noi theo. Nam bán cầu thường bị chế nhạo là vùng đất nghèo nàn và lạc hậu, nay đang trên đường trở thành một cường quốc mới nhờ áp dụng công nghệ hiện đại và đổi mới.

 

Nhu cầu đối với năng lượng tái tạo là rất lớn ở châu Âu, nhất là ở Đức. Năng lượng tái tạo là giải pháp thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của thế giới mà vẫn giảm thiểu sự biến đổi khí hậu. Ưu thế của dạng năng lượng này là tương đối dễ vận chuyển, có thể lưu trữ điện năng dư thừa và chuyển hóa trở lại thành các dạng năng lượng khác như nhiệt và điện.

Đức đang đẩy mạnh hợp tác với nhiều quốc gia Châu Phi trong lĩnh vực này. Đức đã tài trợ cho Ma-rốc 38 triệu Euro để xây dựng một cơ sở sản xuất hydro thí điểm từ năm 2025. Cơ sở này sẽ tạo ra khoảng 10.000 tấn hydro/năm. Namibia cũng nhận được 30 triệu Euro từ Đức để xây dựng bốn dự án khí hydro.

Tóm lại, năm ngoái Đức đã đầu tư 400 triệu Euro và năm nay dành 555 triệu Euro để xây dựng nền kinh tế hydro ở các nước mới nổi và đang phát triển. Các doanh nghiệp tư nhân của Đức cũng đầu tư ngày càng nhiều vào công nghiệp hydro ở Châu Phi. Đức và Châu Âu nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, mặt khác tìm mọi cách để thoát sự lệ thuộc về năng lượng đối với Nga.

 

*

Nhu cầu năng lượng tái tạo tăng lên là một điểm cộng rất lớn đối với châu Phi. Ngành công nghiệp mới nà mang lại việc làm, thu nhập và tăng trưởng kinh tế. Tại Namibia, một nhà máy điện hỗn hợp từ năng lượng gió và mặt trời trị giá gần 10 tỷ euro sẽ tạo ra 15.000 việc làm trong giai đoạn xây dựng và 3.000 việc làm về lâu dài.

Trên diện tích 4000 km vuông của công viên quốc gia Tsau ǁKhaeb, 300.000 tấn hydro và các nhiên liệu xanh khác như amoniac xanh và metan xanh sẽ được sản xuất và vận chuyển để xuất khẩu hàng năm. Tại Nam Phi đã có một dự án ở Northern Cape nhằm tạo ra 20.000 việc làm mỗi năm từ năm 2030.

Việc xuất khẩu nguồn năng lượng mới đảm bảo cho các quốc gia châu Phi phát triển trong một thời gian dài. EU hy vọng rằng đến năm 2050, gần một phần tư nhu cầu năng lượng của thế giới sẽ được cung cấp bởi hydro xanh. Kế hoạch RePowerEU đặt mục tiêu sản xuất một nửa nhu cầu của châu Âu – ước tính khoảng 20 triệu tấn hàng năm vào năm 2030 – tại địa phương và nhập khẩu nửa còn lại thông qua các quan hệ đối tác hydro xanh.

Châu Phi có mọi thứ cơ bản cần thiết để sản xuất loại năng lượng này: những vùng đất rộng lớn chưa phát triển, nhiều nắng, gió, thủy điện và biển. Nước sẽ được phân tách thành hydro và oxy bằng cách điện phân sử dụng điện xanh. Nguồn nước này lấy từ các nhà máy khử muối từ nước biển.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Phi có thể cung cấp năng lượng cho toàn thế giới dưới dạng hydro. Một phân tích của IEA có tựa đề Triển vọng 2022 cho thấy: "Châu Phi có khả năng sản xuất 5.000 megaton (một megaton tương đương với một triệu tấn) hydro mỗi năm với chi phí dưới 2 USD/kg. Điều đó tương ứng với tổng nguồn cung cấp năng lượng của thế giới hiện tại.”

Đó không chỉ là lượng sản xuất khổng lồ, mà mức giá cũng thấp đến khó tin. Chi phí sản xuất ở Đức cao hơn gấp ba lần. Tại khoảng 100 trạm nạp hydro hiện có, một kg hiện có giá khoảng 13 euro. Theo trung tâm phân tích Aurora Energy Research của Anh, chi phí sản xuất ở Đức dự kiến sẽ giảm trong những năm tới.

Đến năm 2030 mức giá dự tính khoảng từ 3,90 đến 5 euro/kg. Tuy nhiên, các nước ở châu Âu khó có thể cạnh tranh với nguyên liệu nhập khẩu. Ví dụ, hydro hóa lỏng từ Ma-rốc sẽ có giá 4,58 euro/kg. Nếu được vận chuyển bằng cách sử dụng chất mang hydro hữu cơ lỏng (LOHC) hoặc ở dạng amoniac, nó sẽ vào khoảng 4,70 euro/kg, bao gồm cả chi phí chuyển đổi nó trở lại thành hydro dạng khí ở Đức.

Không phải ai cũng vui mừng và nhìn nhận một cách tích cực về sự bùng nổ hydro xanh ở châu Phi. Có những tiếng nói lo ngại rằng điện xanh sẽ chủ yếu chảy vào hydro dành cho xuất khẩu, không mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Liên Hợp Quốc đã ghi nhận sự gia tăng cung cấp điện trên lục địa này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, 43% – tức gần 600 triệu người ở châu Phi vẫn phải sống trong tình trạng không có điện. Ở Namibia, một đối tác hydro chính của EU, chỉ hơn một nửa dân số có điện.

Nguồn: Erneuerbare Energien: Wie sich Afrika zum neuen grünen Powerhouse entwickelt – WELT



Nguồn tiasang.com.vn

  •  
Các tin khác

Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.

Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.

Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.

Sản phẩm cấu kiện bê tông thương hiệu AMACCAO

Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.