Phát triển giao thông xanh: Thách thức không chỉ ở công nghệ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/12/2023 | 4:35:32 Chiều

Theo các nhà khoa học, với tốc độ đổi mới của công nghệ như hiện nay, giao thông xanh đang là tương lai rất gần. Tuy nhiên, thách thức trong phát triển giao thông xanh thường không chỉ liên quan đến công nghệ.


Tọa đàm "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh" - Ảnh: VGP/HG

Tọa đàm "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh" là sự kiện điểm nhấn thứ 3 trong chuỗi hội thảo "Khoa học vì cuộc sống" trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2023.

Diễn ra ngay sau Hội nghị COP28, tọa đàm là nơi gắn kết các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới cùng thảo luận về các nỗ lực tìm kiếm và sử dụng hiệu quả năng lượng xanh, cũng như các hành động cấp bách nhằm giảm phát thải và đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong báo cáo công bố ngày 20/11/2023, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển. Mức tăng này chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp.

UNEP cảnh báo nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này, vượt xa các giới hạn then chốt. Trước tình thế đó, UNEP kêu gọi "những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả các quốc gia nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng". Trong đó, giao thông xanh được xem là một trong những giải pháp bền vững với hiệu quả đột phá.

GS. Soumitra Dutta, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, đồng thời là chủ tọa của tọa đàm, lạc quan rằng tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5-10 năm tới.

Vị Giáo sư của Đại học Oxford dự báo, sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi công nghệ số. Do đó, một tương lai về sự đổi mới của các phương tiện giao thông rất đáng mong đợi.

Tuy nhiên, theo GS. Dutta, thách thức trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng hoặc giải pháp công nghệ này trên thực tế thường không chỉ liên quan đến bản thân công nghệ. Khó khăn thường nằm ở bối cảnh tổ chức, bối cảnh xã hội nơi mà các công nghệ và dự án cơ sở hạ tầng này cần được triển khai.

GS. Dutta cho rằng,với các nền kinh tế phát triển thì họ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, bởi vì hạ tầng của họ đã phát triển mà hạ tầng đó lại chưa được thiết kế ban đầu ngay để phục vụ cho mục tiêu gọi là giao thông xanh. Đối với quốc gia như Việt Nam thì có nhu cầu cần phải tạo ra hạ tầng mới và hạ tầng mới này chúng ta tạo ra ngay từ ngày đầu, tức là sẵn sàng cho giao thông xanh.


GS. Kostya S. Novoselov đến từ Đại học Quốc gia Singapore, chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2010 chia sẻ tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/HG

Bài toán sau bùng nổ công nghệ 

Đồng quan điểm, GS. Sir Kostya S.Novoselov, thành viên hội đồng giải thưởng VinFuture, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2010 nhận định, 5 năm tới là thời điểm vô cùng quan trọng và thú vị với ngành khoa học vật liệu. Sự bùng nổ vật liệu sẽ tạo ra nguồn năng lượng xanh dồi dào, nhưng cũng đặt ra cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng cần có đánh giá, cân nhắc về xây dựng, chuẩn bị hạ tầng đáp ứng làn sóng mới. 

"Các trạm sạc có theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ hay không, có đáp ứng được công nghệ mới không, công suất pin có đủ lớn không, liệu có thể chế tạo loại pin mới tích hợp với xe điện để đi được hơn 100.000 dặm hay không…" GS. Sir Kostya S. Novoselov nói và cho rằng song song với sản xuất điện thì chúng ta phải nghĩ tới tích điện, trạm điện, tăng cường công suất điện đáp ứng công nghệ tương lai.

Theo GS. Novoselov, mục tiêu phát triển bền vững hay phát thải bằng 0 vào năm 2050 không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn phụ thuộc vào đầu tư hạ tầng. Làm sao phát triển đủ hệ thống trạm sạc cung ứng cho nhu cầu sử dụng, đồng thời tại một trạm sạc có đủ các loại hình nhiên liệu tương thích với các loại phương tiện giao thông khác nhau là một bài toán cần nghiên cứu, giải quyết.

GS. Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, Santa Barbara, đồng Chủ tịch hội đồng sơ khảo giải VinFuture cũng cho rằng, năng lượng không phải là vấn đề riêng quốc gia nào hay của riêng ai mà cần nhìn bức tranh toàn cảnh, tác động xã hội của xanh hóa. Các nước đang tập trung phát triển năng lượng gió, mặt trời, công nghệ mới, vật liệu mới... nhưng điều quan trọng không kém là tái chế. Việc bùng nổ công nghệ thì sau đó phải tái chế như nào?

"Bùng nổ công nghệ là tốt nhưng nếu không tái chế được công nghệ đó thì sẽ trở thành gánh nặng gấp đôi cho các quốc gia và toàn cầu", GS. Nguyễn Thục Quyên nêu.

Còn theo ông Akihisa Kakimoto, nguyên Giám đốc công nghệ tại Tập đoàn Hoá chất Mitsubishi Nhật Bản, thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, cần nhìn bức tranh giao thông xanh ở tầm vĩ mô và theo chuỗi giá trị để đánh giá được cả chu trình. Sản xuất năng lượng xanh như thế nào, tiết kiệm năng lượng ra sao, phương tiện giao thông cần được thiết kế như thế nào để tương thích với nguồn năng lượng, chất thải sẽ được tái chế ra sao… 

Bài toán giao thông xanh liên quan trực tiếp tới hạ tầng và chi phí, đây là thách thức của các quốc gia muốn phát triển giao thông xanh. Ngoài việc thúc đẩy chính sách để tạo ra một khung pháp lý rộng mở cho năng lượng xanh, giao thông xanh, cần một hệ sinh thái hợp lực của các doanh nghiệp tư nhân.

Chuỗi tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" trong Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2023 diễn ra hai ngày 18-19/12 với 4 phiên: Công nghệ bán dẫn, nền tảng của thế giới hiện đại; Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn; Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh; Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức.

Song song với tọa đàm khoa học là "Chuỗi Đối thoại khám phá tương lai VinFuture" được tổ chức nhằm mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ tiềm năng trên thế giới cho Việt Nam.

Lễ trao giải VinFuture 2023 sẽ diễn ra tối 20/12 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) là sự kiện quan trọng, vinh danh những nhà phát minh của những công trình đột phá, "chung sức toàn cầu" góp phần kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.

Năm nay, Giải thưởng VinFuture thu hút 1.389 đề cử, tăng gấp 3 lần so với năm đầu tiên (599 đề cử của mùa 1 và 970 đề cử của mùa 2), cho thấy uy tín và tầm vóc của Giải thưởng cũng như sự quan tâm của các nhà khoa học thế giới dành cho Giải thưởng này.

Theo baochinhphu.vn

  •  
Các tin khác

Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.

Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.

Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.

Sản phẩm cấu kiện bê tông thương hiệu AMACCAO

Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.