Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar đầu tiên vào năm 2025

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/1/2024 | 2:36:06 Chiều

LOTUSat-1, vệ tinh quan sát trái đất bằng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành và được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thông tin khoảng tháng 5/2024, Dự án Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam (LOTUSat-1) sẽ hoàn thành; dự kiến được phóng lên quỹ đạo từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025.

Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 570kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất; khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm.

Vệ tinh dự kiến cung cấp ảnh ở 3 chế độ chụp điểm, chụp dải và chụp quét, với độ phân giải không gian lần lượt bằng hoặc nhỏ hơn 1m, bằng hoặc nhỏ hơn 2m và bằng hoặc nhỏ hơn 16m.

Dữ liệu từ vệ tinh sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Vệ tinh sẽ cung cấp tốc độ dữ liệu tối đa lên đến 832 Mbps. Dự kiến, thời gian hoạt động của vệ tinh là trên 5 năm.

LOTUSat-1 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung do khu vực này có đặc điểm hầu hết thời gian bị che phủ bởi mây và mù. 

Đây là cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ của người Việt. Giới chuyên môn đánh giá, nếu sứ mệnh cùng LOTUSat-2 được thực hiện thành công, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu các nước ASEAN về công nghệ vệ tinh.

Để chuẩn bị cho việc khai thác vệ tinh sau khi phóng lên quỹ đạo vào năm 2025, Tiến sỹ Lê Xuân Huy cho biết khoảng tháng 9/2024, toàn bộ thiết bị mặt đất gồm Hệ thống ăngten, hệ thống vận hành, điều khiển vệ tinh và hệ thống xử lý dữ liệu vệ tinh phục vụ cho vận hành vệ tinh sẽ được hoàn thiện tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc, sẵn sàng đón nhận tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh.


Mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1. Ảnh: VNSC

Cũng theo thông tin từ Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), một vệ tinh khác của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả trên quỹ đạo là vệ tinh quang học quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam (VNREDSat-1).

Vệ tinh VNREDSat-1 là một hệ thống vệ tinh quan sát trái đất hoàn thiện bao gồm cả vệ tinh và các trạm điều khiển, thu nhận và xử lý ảnh từ vệ tinh. Vệ tinh có kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm, trọng lượng khoảng 120kg, được phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 7/5/2013. Đây là kết quả của dự án ODA do Chính phủ Pháp hỗ trợ Việt Nam.

Đến nay, vệ tinh VNREDSat-1 đã hoạt động trên quỹ đạo gấp đôi thời gian so với thiết kế, tiếp tục được vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả, đem lại nguồn ảnh viễn thám phục vụ các nhu cầu về bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, cũng như nghiên cứu và đào tạo.

Tại Việt Nam, từ năm 2006, Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng cho quá trình phát triển công nghệ vũ trụ ở nước ta.

Ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030, mở đường cho sự phát triển về khoa học công nghệ vũ trụ trong giai đoạn mới.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học công nghệ vũ trụ; phấn đấu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, radar cho vệ tinh quan sát trái đất và phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp dần hình thành nền công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.

Thời gian qua, ngành vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định như: Phóng 2 vệ tinh viễn thông VINASAT, 1 vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat và tự phát triển 3 vệ tinh nhỏ (PicoDragon, NanoDragon và MicroDragon).

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao được đánh giá là "biểu tượng sức mạnh công nghệ và khả năng cạnh tranh công nghệ cao" của mỗi quốc gia trên thế giới.

Không gian vũ trụ cần được xác định là một trong 5 không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) mà Việt Nam cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Vì thế, trong tương lai, Việt Nam cần chủ động về công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh, từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, chủ động chế tạo, phát triển những thiết bị chính trong vệ tinh giúp làm chủ "tai mắt" của chúng ta trên quỹ đạo…

Trong thế kỷ 21, khoa học và công nghệ vũ trụ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, cung cấp nhiều dịch vụ và giải pháp để giải quyết những vấn đề toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Đặc biệt tại Việt Nam - một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới bởi sự nóng lên toàn cầu và sự biến đổi khí hậu. Các dịch vụ và công nghệ vũ trụ sẽ là chìa khóa để hiểu hơn quá trình biến đổi khí hậu và hỗ trợ toàn bộ chu trình giám sát, phòng chống thiên tai. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa tác động của những thảm họa thiên nhiên do thiên tai và biến đổi khí hậu.

ĐẠI PHONG

  •  
Các tin khác

Vietwater 2024 không chỉ quy tụ hơn 450 nhà triển lãm hàng đầu đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn thu hút hơn 10.000 khách tham quan thương mại chuyên ngành.

Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.

Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.

Sản phẩm cấu kiện bê tông thương hiệu AMACCAO

Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.