Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu, đang thực hiện dự án "Giải cứu Sao La khỏi bờ tuyệt chủng”. Dự án này nhằm tìm kiếm sự tồn tại của loài thú cực kỳ quý hiếm và lên kế hoạch bảo tồn nếu phát hiện được.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2024, dự án đã xác định 55 khu vực tiềm năng từ Nghệ An tới Quảng Nam có khả năng còn sự hiện diện của Sao La, đồng thời tập hợp được danh sách 46 người dân địa phương có kiến thức sinh thái sẵn sàng tham gia dự án. Dự án cũng đã xây dựng Quy trình chuẩn khảo sát Sao La (SOP) bằng phương pháp đặt bẫy ảnh và thu mẫu eDNA tại 16 khu vực ưu tiên cao nhất tại Trung Trường Sơn. Trong mỗi khu vực khảo sát lắp đặt 160 bẫy ảnh và thu 80 mẫu eDNA (40 mẫu nước suối và 40 mẫu vắt).
Hình ảnh một cá thể Sao La được nhận diện bởi máy bẫy ảnh của WWF, với cặp sừng nhọn dài song song đặc trưng. Hình ảnh được chụp vào ngày 7/9/2013.
Trong 2 năm triển khai, dự án đã thu thập 852.529 hình ảnh và 1.178 mẫu eDNA, bất chấp khó khăn khi khảo sát ở các khu vực biên giới, khó tiếp cận.
Hành trình tìm kiếm dấu vết Sao La là một thách thức lớn cho những cán bộ khi tác nghiệp trên hiện trường. Tuy nhiên, công sức của các can sbooj tham gia dự án đã được đền đáp, ngoài việc tìm kiếm Sao La, dự án đã ghi nhận sự xuất hiện của 59 loài động vật quý hiếm khác, có nguy cơ đe dọa cao ở vùng cảnh quan Trung Trường Sơn. Trong đó có 4 loài ở mức cực kỳ nguy cấp, gồm Mang Lớn, Tê Tê, Chà Vá chân nâu và Trĩ sao; 5 loài ở mức nguy cấp, gồm Voọc đen Hà Tĩnh, Voọc xám, Thỏ vằn, Cầy vằn bắc và Rùa núi viền; 8 loài ở mức sắp nguy cấp gồm Khỉ đuôi lợn, Khỉ mặt đỏ, Gấu ngựa, Gấu chó, Lửng lợn, Rái cá vuốt bé, Nai xám, Sơn dương.
Sao La lần đầu tiên được phát hiện tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) năm 1992 và chỉ ghi nhận tại dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt Nam - Lào. Từ đó đến nay, Sao La chưa được chụp ảnh thêm trong tự nhiên.
Sao La là niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam. Ảnh: David Hulse/WWF.
Sao La là biểu tượng cho đa dạng sinh học ở Trung Trường Sơn và là niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam. WWF Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tìm kiếm và bảo tồn Sao La. Trong năm 2023, chiến dịch "Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn Sao La” đã tiếp cận 5,6 triệu người và thu hút 316.000 lượt tương tác, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn Sao La.
Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng trong núi rừng Trung Trường Sơn, một số nơi dự án chưa thể khảo sát vẫn còn một số cá thể Sao La tồn tại. Với nỗ lực của chính phủ Việt Nam, các cơ quan quản lý, tổ chức bảo tồn và cộng đồng yêu thiên nhiên, chúng ta còn cơ hội để đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học”.
LÂM HÀ