Tài nguyên nước mặt được khai thác để sử dụng chính cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trên cả nước hiện có khoảng 58.540 công trình khai thác, sử dụng nước mặt thuộc quản lý của ngành nông nghiệp và tập trung nhiều nhất trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình với 27.446 công trình các loại, tiếp đến là vùng ĐBSCL với 7.216 công trình. Trong số các công trình khai thác, sử dụng nước mặt có khoảng 20% là trạm bơm, 25,8% là đập dâng, 9,0% là hồ chứa và 45,2% là các dạng công trình khác.
Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hằng năm khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm khoảng 10% tổng lượng dòng chảy của cả nước. Nước được khai thác để sử dụng chính cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, trong đó, trên 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Trong cơ cấu sử dụng nước, nước sử dụng cho công nghiệp, thuỷ sản và sinh hoạt đang có xu hướng tăng dần. Lượng nước sử dụng tập trung chủ yếu vào các tháng mùa khô, khi dòng chảy trên các hệ thống sông đã bị suy giảm trong khi tổng lượng nước mùa khô chỉ bằng khoảng 20 - 30% (khoảng 160 - 250 tỷ m3) so với lượng nước của cả năm.
Biểu đồ số lượng giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giai đoạn 2016 - 2020. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý tài nguyên nước
Tổng lượng nước khai thác, sử dụng trong ngành nông nghiệp trên cả nước khoảng 65 tỷ m3/năm và chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt (59,9 tỷ m3). Nước mặt trên các lưu vực sông được khai thác qua các công trình thủy lợi, công trình tưới, cấp nước, tập trung chủ yếu trên sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Kôn, sông Đồng Nai, sông Sê San, sông Srê Pốk.
Biểu đồ nhu cầu nước phục vụ nông nghiệp, ước tính đến 2030. Nguồn: Liên minh Tài nguyên nước
Hiện nay trên cả nước có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trong đó, khoảng 6.660 hồ chứa thủy lợi do Bộ NNPTNT quản lý hoặc phân cấp quản lý cho các địa phương, với tổng dung tích ước tỉnh khoảng 10 tỷ m3; khoảng 500 hồ chứa thủy điện đã đi vào vận hành ngoài ra còn khoảng 300 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành do Bộ Công Thương quản lý.
Tổng dung tích các hồ chứa thủy điện vào khoảng 60 tỷ m3, chiếm khoảng 85% tổng dung tích các hồ chứa trên cả nước. Việc khai thác các công trình thủy lợi một mặt cung cấp nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên mặt khác đang gây ra nhiều vấn đề về điều tiết nước trên lưu vực, cấp nước và duy trì dòng chảy môi trường ở hạ lưu, do các công trình thủy điện hầu hết không có nhiệm vụ điều tiết nước trong mùa cạn ở hạ lưu sông.
Đối với nước sử dụng cho công nghiệp, trong năm 2019, tổng lượng nước sử dụng khoảng 7,49 tỷ m3, trong đó 7,06 tỷ m3 từ nguồn nước mặt, tập trung phần lớn trên lưu vực sông Đồng Nai (chiếm 68,3% lượng nước sử dụng cho công nghiệp cả nước), tiếp đó là lưu vực sông Hồng - Thái Bình (chiếm 15,5%). Dự kiến nước sử dụng trong ngành công nghiệp sẽ tăng lên khoảng 15,6 tỷ m3 vào năm 2030, trong khi lượng nước mặt ít biến động qua các năm đã làm tăng nhu cầu sử dụng nước dưới đất, đặt ra mối đe dọa đối với an ninh nước, gia tăng sự cố do sụt lún đất và gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông.
Từ các số liệu trên cho thấy, nước mặt có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên tài nguyên nước mặt của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn từ ô nhiễm môi trường, suy giảm nguồn nước, biến đổi khí hậu và cả áp lực phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nước gia tăng, mâu thuẫn khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương. Vì vậy Việt Nam cần tăng cường các giải pháp tổng thể nhằm quản trị tài nguyên nước mặt một cách bền vững.
Tham khảo: Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020
Hải Thanh (T/h)
Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường