Sông Tô Lịch hồi sinh?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/4/2024 | 8:24:58 Sáng

Sau rất nhiều tranh luận, cuối cùng giải pháp chính để hồi sinh sông Tô Lịch là cắt nguồn thải và tạo dòng chảy đã được 'chốt'.


Ảnh minh họa: INT

Cụ thể, theo Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua thì Hà Nội sẽ phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, bảo đảm hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý. Bảo đảm quy mô nhà máy xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo dòng chảy các sông Tô Lịch, sông Tích góp phần làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm.

Thành phố cũng sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng nhằm góp phần nâng cao mực nước để tăng khả năng lấy nước vào các sông Đáy, Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Về xử lý nguồn thải, hiện hệ thống tuyến cống ngầm dọc sông Tô Lịch với chiều dài hơn 21km đã hoàn thành 90% khối lượng. Thành phố cũng đã khởi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng mức đầu tư 16 nghìn tỷ đồng hồi tháng 10/2016 với mục tiêu xử lý nước thải thuộc các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, dự kiến trong quý II/2024 sẽ vận hành thử nghiệm.

Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Hiện sông có chiều dài khoảng 14km nhưng có tới hơn 280 cửa xả, "hứng” 150.000m3 nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày. Vậy nên không có gì là khó hiểu khi Tô Lịch là sông chết cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã rất nỗ lực tìm cách để hồi sinh dòng sông này. Tuy nhiên, chưa có phương án hoàn hảo. Các phương án đưa ra đều có những điểm khả thi và chưa khả thi. Ví dụ như từng có thời điểm, đề xuất bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm được đưa ra bởi các lý do như trên tuyến dẫn nước đề xuất có một số công trình đã được xây dựng theo các quy hoạch chuyên ngành.

Bởi vậy, nếu lựa chọn phương án bổ cập nước qua cống Liên Mạc sẽ phù hợp với quy hoạch, không phải lập thêm dự án mới. Bên cạnh đó, Ban Quản lý sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ để thực hiện thêm một số hạng mục để bổ cập nước cho sông Tô Lịch...

Về lý thuyết, phương án này khá "ổn”, tuy nhiên việc triển khai không đơn giản và phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành mới bảo đảm khả thi. Cụ thể, muốn lấy nước từ sông Hồng bổ trợ cho sông Tô Lịch phải lập quy hoạch, trong đó tính toán nhu cầu nước là bao nhiêu, lấy vào thời điểm nào và phải bảo đảm không ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ngoài các giải pháp trên, hàng loạt biện pháp khác cũng đã được áp dụng thí điểm nhằm hồi sinh dòng sông này như lấy nước từ hồ Tây để thau rửa; dùng chế phẩm Redoxy-3C khử ô nhiễm nước; sử dụng công nghệ phân huỷ bùn không cần nạo vét của Nhật Bản. Đáng tiếc, các phương án này đều không thể tới đích.

Hồi sinh sông Tô Lịch là mong mỏi không chỉ của người dân Thủ đô. Và một giải pháp đơn lẻ sẽ khó thực hiện được. Thế nhưng dù theo phương án nào thì yếu tố đặc biệt quan trọng là tạo dòng chảy phải được giải quyết. Bởi không có dòng chảy thì không thể gọi là sông. Ngoài ra, vấn đề nước thải chưa qua xử lý xả thẳng xuống sông như hiện nay cũng phải được giải quyết triệt để.

Bởi vậy, đến thời điểm này, khi hai nguyên nhân căn cốt là tạo dòng chảy (đã được thông qua) và cắt nguồn thải (đã cơ bản hoàn thành), người dân Thủ đô hoàn toàn có thể lạc quan về viễn cảnh không xa nữa, sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh.

Theo Yên Khánh/ GD&TĐ
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.