Sự hiện diện của đại diện từ các cơ quan, tổ chức khoa học, giáo dục và doanh nghiệp đã tạo nên một diễn đàn thảo luận về chiến lược phát triển và hợp tác phát triển sản phẩm quý này.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Yên, ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Huyện cho biết, mục tiêu của hội nghị là đẩy mạnh kết nối và tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh vào việc giới thiệu nguồn gốc, chất lượng, quy trình trồng và chăm sóc sâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và thương nhân tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm Sâm Nam núi Dành
Sâm Nam núi Dành là một loại sâm quý hiếm. Năm 2010, huyện Tân Yên phát hiện một số gốc sâm cổ ở khu vực xung quanh núi Dành thuộc xã Liên Chung. Nhận thấy mức độ quý hiếm của loại sâm này, năm 2012, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường huyện thực hiện đề tài khoa học "Bảo tồn và nhân giống sâm Nam núi Dành tại một số hộ dân”. Năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao thực hiện đề tài "Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh”. Kể từ đó đến nay, sâm Nam núi Dành được trồng thành vùng tập trung có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Hiện nay, huyện đang thực hiện đề án "Phát triển sâm Nam núi Dành giai đoạn 2022-2027” với các biện pháp cụ thể như chỉ đạo người dân sản xuất theo chuỗi, mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Dự kiến trong năm nay, huyện Tân Yên sẽ thu hoạch hơn 18 ha củ sâm và hơn 115 ha hoa sâm, với sản lượng ước đạt hàng chục tấn. Sản phẩm chế biến từ sâm như hoa, củ sâm tươi, trà sâm, dầu gội đầu, rượu sâm, trà hoa sâm... đã được phát triển đa dạng và giới thiệu vào thị trường.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Tân Yên đã kết nối tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành tại nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ thuộc các tập đoàn, siêu thị lớn; bán trên sàn thương mại Shopee và nhiều công ty dược, công ty bánh kẹo…
Tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu đều thống nhất cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành. Các đề xuất cụ thể như thành lập ban chỉ đạo phát triển sâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mở rộng diện tích trồng sâm, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ sâm và hỗ trợ về máy móc, thiết bị sản xuất.
Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đã tổ chức ký kết hợp tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành
Hội nghị thành công với sự cam kết từ lãnh đạo địa phương và các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, hợp tác xã về việc hỗ trợ và phát triển sản xuất sâm Nam núi Dành, đồng thời mở ra cơ hội mới cho sâm này trên thị trường nội địa và quốc tế.
LÂM HÀ