Thu tiền khai thác tài nguyên nước: Quản lý hiệu quả tài sản công

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/8/2016 | 4:40:51 Chiều

Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là giải pháp cần thiết để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước đang ngày một khan hiếm. Quy định này đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, chế định này cũng lần đầu tiên được Luật Tài nguyên nước năm 2012 điều chỉnh. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả quy định này thì việc ban hành Nghị định quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là hết sức cần thiết.

Nước là tài nguyên quốc gia

Tài nguyên nước, đất đai, khoáng sản…là tài sản của toàn dân. Điều này được thể chế hoá trong Hiến pháp, cụ thể: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Để quản lý hiệu quả nguồn tài sản quốc gia này, Điều 65 Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định: Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác trong các trường hợp sau đây: Khai thác nước để phát điện có mục đích thương mại; khai thác nước để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; khai thác nước dưới đất để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xác định căn cứ vào chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước. Quy định như vậy, vừa bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được nguồn nước khai thác, vừa bảo đảm được an sinh xã hội.

Nhà nước khích người dân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: ST
Nhà nước khích người dân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: ST

Có thể khẳng định rằng, quy định về cấp quyền khai thác tài nguyên nước không còn xa lạ với các nước trên thế giới. Ở nhiều nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân và họ có quyền đối với nguồn nước được bảo vệ, khi đó, người dân sử dụng nước sinh hoạt không phải đóng tiền quản lý tài nguyên nước.

3 đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác

Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là quy định mới của Luật Tài nguyên nước năm 2012. Sau khi Luật ban hành, hàng loạt các văn bản dưới Luật đã hướng dẫn cụ thể quy định này. Trong đó,  Nghị định số 201/2013/NĐ- CP quy định "Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thu, phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Theo dự thảo, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau: Khai thác, sử dụng nước cho thủy điện, trừ công trình thủy điện phục vụ chính sách xã hội, an ninh và quốc phòng; Khai thác nước mặt, nước dưới đất, nước biển để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, gồm cả nước làm mát; Khai thác nước dưới đất với quy mô từ 100 m3/ngày đêm trở lên để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác.

Bên cạnh đó, dự thảo một lần nữa khẳng định, những quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của Luật tài nguyên nước được xây dựng với chủ trương cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu; người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước cần phải nộp tiền để bảo đảm công bằng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước.

Như vậy quyền khai thác tài nguyên nước được định giá bằng tiền và được coi như là quyền tài sản. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khác với thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đó là khoản thu của chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình tương tự như khoáng sản, đất đai…

Theo báo tài nguyên môi trường 

  •  
Các tin khác

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.