Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển
- Cập nhật: Thứ ba, 9/11/2021 | 8:41:47 Sáng
Thông tư quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển với hai mục đích cụ thể là: sử dụng khu vực biển để nhận chìm; sử dụng khu vực biển để xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển...
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư 18/2021/TT-BTNMT quy định mức tiền sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ.
Thông tư nhằm hướng dẫn cụ thể quy định về 6 nhóm hoạt động sử dụng khu vực biển phải nộp tiền sử dụng khu vực biển tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 10/2/2021.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2021 và có hiệu lực đến hết ngày 30/3/2026.
Mức thu tiền sử dụng khu vực biển trong vùng biển 6 hải lý và vùng biển liên vùng được quy định: Sử dụng khu vực biển để nhận chìm là 20.000 đồng/m3; sử dụng khu vực biển để xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác trên biển là 7.500.000 đồng/ha/năm; sử dụng khu vực biển để lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện là 7.500.000 đồng/ha/năm…
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển với hai mục đích cụ thể là: sử dụng khu vực biển để nhận chìm; sử dụng khu vực biển để xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác trên biển.
Cụ thể, với mục đích nhận chìm, mức thu tiền sử dụng khu vực biển trong vùng biển từ ngoài 6 hải lý đến 9 hải lý là 20.000 đồng/m3; từ ngoài 9 hải lý đến 12 hải lý là 18.500 đồng/m3; từ ngoài 12 hải lý đến 15 hải lý là 16.500 đồng/m3; từ ngoài 15 hải lý đến hết vùng biển của Việt Nam là 15.000 đồng/m3.
Đối với mục đích xây dựng cáp treo, các công trình nổi, ngầm, lấn biển, đảo nhân tạo, xây dựng dân dụng và các công trình khác trên biển, mức thu tiền sử dụng khu vực biển trong vùng biển từ ngoài 6 hải lý đến 9 hải lý là 7.300.000 đồng/ha/năm; từ ngoài 9 hải lý đến 12 hải lý là 7.000.000 đồng/ha/năm; từ ngoài 12 hải lý đến 15 hải lý là 6.700.000 đồng/ha/năm; từ ngoài 15 hải lý đến hết vùng biển của Việt Nam là 6.500.000 đồng/ha/năm.
Ngoài ra, với hoạt động chưa có quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định từng trường hợp cụ thể nhưng không thấp hơn 3.000.000 đồng/ha/năm và không cao hơn 7.500.000 đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Nghị định số 11/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 10/2/2021 là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý không gian biển theo phương thức tổng hợp dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, đảm bảo việc giao, sử dụng biển phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển; phù hợp với các quy hoạch; loại trừ những mâu thuẫn, xung đột trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển giữa các tổ chức, cá nhân với các mục đích khác nhau; đảm bảo lợi ích của tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp…
Nghị định cũng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn./.
Các tin khác
Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.