VN đề xuất sớm hoàn thành Bộ quy tắc khai thác khoáng sản đáy biển

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/12/2021 | 4:59:39 Chiều

Việt Nam đề nghị ưu tiên sớm hoàn thành xây dựng Bộ quy tắc về khai thác khoáng sản dưới đáy biển, phù hợp với nguyên tắc coi đáy đại dương và các tài nguyên trong Vùng là di sản chung của nhân loại.

VN de xuat som hoan thanh Bo quy tac khai thac khoang san day bien hinh anh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: eenews.net)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, khóa họp lần thứ 26 Đại hội đồng Cơ quan quyền lực đáy đại dương (ISA) do Đại sứ Denys Wibaux (người Pháp) làm Chủ tịch diễn ra từ 13-15/12 tại Kingston, Jamaica, với sự tham dự của đại diện hơn 160 nước thành viên.

Cuộc họp được tiến hành theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm tạo điều kiện cho sự tham gia đông đủ các các thành viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trong cuộc họp ngày 14/12, Tổng Thư ký ISA Michael Lodge đã báo cáo Đại hội đồng về hoạt động của ISA trong năm qua, cho biết ISA tiếp tục duy trì các nhiệm vụ được giao tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Hiệp định năm 1994 về thực thi Công ước, bảo đảm các lợi ích và nhu cầu của các nước đang phát triển được lồng ghép đầy đủ vào cơ chế quản lý đáy biển.

Ông Lodge cũng chia sẻ thông tin về các chương trình và sáng kiến xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển, dự án "Phụ nữ trong nghiên cứu đáy biển” cũng như nỗ lực của ISA đóng góp vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

 

Đại hội đồng ISA đã bầu các vị trí thành viên Ủy ban tài chính của ISA, thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch hành động của ISA thực hiện Thập niên Liên hợp quốc về khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững.

Phát biểu trực tuyến từ New York, Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá cao nỗ lực của ISA đã khôi phục việc họp sau một thời gian trì hoãn do đại dịch COVID-19.

Việt Nam đề nghị Hội đồng ISA dành ưu tiên sớm hoàn thành xây dựng Bộ quy tắc về khai thác khoáng sản dưới đáy biển, phù hợp với nguyên tắc coi đáy đại dương (còn gọi là Vùng) và các tài nguyên trong Vùng là di sản chung của nhân loại, bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng và bình đẳng, tuân thủ các quy định của UNCLOS về bảo vệ môi trường và chú trọng lợi ích và nhu cầu của các nước đang phát triển.

 

Đại diện Việt Nam đề nghị ISA sớm khôi phục các hoạt động hỗ trợ, tăng cường năng lực và chia sẻ công nghệ với các nước đang phát triển; tái khẳng định cam kết của Việt Nam đề cao vai trò của UNCLOS là công cụ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh các hoạt động trên biển và đại dương, bao gồm các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường biển tại Vùng./.


Nguồn TTXVN

  •  
Các tin khác

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.