Bộ Công thương tăng cường quản lý chất lượng hoá chất PAC
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/12/2021 | 9:40:06 Chiều
Ngày 21/12/2020 Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Thông tư số 49/2020/TT-BCT “Quy chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm hóa chất Poly Aluminium Chloride (PAC)”.
Thông tư này chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2022. Trong đó quy định chi tiết về quy chuẩn kỹ thuật hàm lượng của các chất có trong PAC: Hàm lượng AL2O3 ≥ 28%, độ kiềm từ 40-90, hàm lượng cặn không tan trong nước ≤ 1,5, hàm lượng sắt ≤ 300, hàm lượng Asen ≤ 5 (ppm), hàm lượng thủy ngân ≤ 0,6, hàm lượng chì ≤ 90 ppm.
Theo các chuyên gia về môi trường, việc ban hành Thông tư nói trên là việc làm cấp bách và kịp thời để xây dựng quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm hóa chất PAC nhằm quản lý giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất và nhập khẩu sản phẩm này ở nước ta. Trước đây, sản phẩm PAC được nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm PAC dẫn tới việc chưa có chế tài kiểm soát, đánh giá chất lượng PAC khi sản phẩm này nhập khẩu vào nước ta.
PAC nhập khẩu chủ yếu được chia làm 2 loại gồm: Loại dùng trong xử lý nước thải công nghiệp và loại dùng trong xử lý nước cấp sinh hoạt. Điều đáng nói là PAC nhập khẩu vào Việt Nam thường có chất lượng thấp và hàm lượng các kim loại nặng như asen (As), thủy ngân (Hg) và chì (Pb) rất cao. Khi những tồn dư của các chất này thải ra sông suối, ao hồ qua đường xử lý nước thải và tồn dư trong nước cấp sinh hoạt sẽ gây tác hại to lớn đến sức khỏe của người dân. Các kim loại nặng có trong PAC có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua rất nhiều con đường mà con người không thể nhận thấy bằng cảm quan vì chúng không màu, không mùi, không vị và "gặm nhấm”, "thâm nhập”, "tích lũy” dần dần trong cơ thể.
Nhiễm độc kim loại nặng có thể gây hại cấp tính, gây các triệu chứng hô hấp, tuần hoàn, và cả mãn tính tác động tới mọi cơ quan trong cơ thể. Nếu hàm lượng kim loại nặng tích lũy trong một thời gian dài sẽ xuất hiện nhiều bệnh như rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, thậm chí là gây ung thư, tác nhân cướp đi tính mạng của 94.000 người vào mỗi năm tại Việt Nam.
Một bài viết trên tạp chí BMJ cho biết, việc uống nước bị nhiễm Asen kéo dài có thể dẫn đến các biểu hiện độc tính trên tất cả các bộ phận của cơ thể từ đầu đến chân, gây suy giảm thần kinh, mất trí nhớ. Khi Asen tích lũy trong cơ thể đủ lượng sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm như đột biến gen, rối loạn thần kinh, suy giảm miễn dịch, ung thư da, viêm tróc da, vẩy sừng, hoại tử da. Đối với người sau khi ăn, uống phải một lượng lớn Asen từ 0,3 - 30mg sẽ xảy ra nhiễm độc cấp, các triệu chứng ngộ độc thường bộc lộ trong vòng từ 30 - 60 phút.
Ngoài Asen thì Thủy ngân cũng là một kim loại nặng có hại cho sức khoẻ. Năm 1956, Thuỷ ngân trong nước thải của nhà máy công nghiệp làm nhiễm độc cá, khiến hàng nghìn người Nhật Bản ăn phải mắc căn bệnh thần kinh - Minamata.
Vì những lý do trên, Thông tư số 49/2020/TT-BCT "Quy chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm hóa chất Poly Aluminium Chloride (PAC)” được ban hành sẽ góp phần tích cực vào việc tạo hành lang kiểm soát các hoạt động nhập khẩu hóa chất PAC từ nước ngoài vào Việt Nam, bảo đảm chất lượng sản phẩm PAC đạt các quy định, tiêu chuẩn do Bộ Công thương ban hành, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước và sức khỏe của người dân Việt Nam.
Lâm Hà
Các tin khác
Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.