Ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/1/2020 | 10:00:44 Sáng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu. Kế hoạch nhằm bảo đảm cho việc phòng ngừa hạn chế tối đa sự cố tràn dầu xảy ra, sẵn sàng ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu, giảm thiệt hại thấp nhất về kinh tế, xã hội và môi trường do sự cố tràn dầu gây ra.

Ảnh minh họa

Giải pháp thực hiện Kế hoạch là hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về ứng phó sự cố tràn dầu; xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; tăng cường nguồn lực cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả do ô nhiễm dầu;...

Kế hoạch nêu rõ dự kiến một số tình huống sự cố tràn dầu: Tràn dầu tàu chở dầu, tàu vận tải xảy ra do các dự cố; tràn dầu kho chứa, bục, hỏng đường ống dẫn dầu trên đất liền; tràn dầu trong khoan thăm dò, khai thác dầu trên biển; tràn dầu tại bến cảng xuất, nhập khẩu xăng dầu; tràn dầu tại nhà máy lọc dầu do các sự cố; tràn dầu tại các cơ sở hoạt động xăng dầu; tràn dầu không rõ nguyên nhân trên vùng biển Việt Nam.

Về công tác ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp nhận thông tin và xác minh thông tin; sơ bộ đánh giá tính chất, phạm vi, mức độ và hậu quả có thể của sự cố tràn dầu; triển khai phương án, biện pháp ứng phó khẩn cấp với sự cố tình huống; thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan về biện pháp, phương án phối hợp ứng phó khẩn cấp, ký kết quyết định các hoạt động triển khai ứng phó.

Bên cạnh đó, tổ chức thành lập Sở chỉ huy phía trước thành phần gồm: các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương có liên quan chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó sự cố tràn dầu cấp Quốc gia; chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, cơ quan ngang bộ, các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các địa phương, các cơ sở hoạt động xăng dầu tập trung ứng phó sự cố tràn dầu.

Chỉ đạo việc điều tra, xác minh sự cố tràn dầu khi có đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, chủ cơ sở hoạt động xăng dầu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và cơ quan nhà nước có liên quan về biện pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế.

Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng, phương tiện, trang bị trong và ngoài quân đội tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu, lực lượng Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, miền Trung, các Quân khu, quân đoàn, Hải quân, Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển phối hợp tham gia ứng phó sự cố tràn dầu; chỉ đạo Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an tổ chức lực lượng, phương tiện và huy động tàu thuyền của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, phòng chống cháy nổ khi có tình huống tàu bị cháy và người gặp nạn, tổ chức chốt chặn bảo vệ hiện trường, phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, miền Trung tham gia quây chặn thu gom dầu;...

Bộ Công Thương chỉ đạo cho các cơ sở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, các lực lượng của địa phương triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả môi trường.

Quyết định cũng phân công cụ thể công tác ứng phó sự cố tràn dầu và khắc phục hậu quả đối với Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công an; các bộ và cơ quan ngang bộ có liên quan; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu.
 
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ
  •  
Các tin khác

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.