Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Xử lý bất cập quản lý
- Cập nhật: Thứ bảy, 19/8/2023 | 9:49:33 Sáng
Dù Việt Nam là quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng lại được xếp vào nhóm quốc gia thiếu nước. Các chuyên gia cho rằng, nghịch lý này bắt nguồn từ sự chồng chéo trong quản lý…
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Ngô Mạnh Hà cho biết, Việt Nam có 3.450 con sông, suối với tổng chiều dài từ 10km trở lên, đạt tổng lượng nước khoảng 7.936 tỷ m3. Với lượng tài nguyên nước này, nếu xét theo bình quân đầu người, Việt Nam không phải là quốc gia thiếu nước. Tuy nhiên, nếu xét về sản lượng nước nội sinh (chỉ chiếm khoảng 40%, còn 60% xuất phát từ nước ngoài) thì Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước khi chỉ đạt 4.421 m3/người/năm; thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm.
Theo ông Hà, với sự ra đời của Luật Tài nguyên nước năm 1998, sửa đổi năm 2012, đến nay, về cơ bản, công tác quản lý, bảo vệ TNN đã có sự chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong khai thác, sử dụng nước. Tuy vậy, công tác quản lý Tài nguyên nước ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Nguyên nhân trước hết là do sự chồng chéo trong công tác quản lý. Đơn cử, một dòng sông có rất nhiều Bộ, ngành cùng quản lý; nhiều đạo luật có phạm vi điều chỉnh liên quan đến dòng sông.
Chẳng hạn, Bộ TNMT quản lý về nguồn nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Công Thương quản lý khai thác các công trình hồ chứa, đập dâng, các trạm bơm, các công trình thủy lợi, công trình thủy điện; Bộ Giao thông vận tải quản lý về giao thông đường thủy trên dòng sông. Chưa kể, Luật Tài nguyên nước năm 1998 và năm 2012 còn thiếu khung pháp lý về an ninh nguồn nước. Ngoài ra, việc sử dụng nước không hiệu quả, chưa tính toán đầy đủ giá trị của Tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, khâu thực thi pháp luật ở địa phương còn chưa nghiêm, nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và chưa đúng các quy định của pháp luật.
Thực tế cũng cho thấy, hiện cả nước có hơn 900 hệ thống công trình thủy lợi với khoảng 70.000 công trình gồm: 6.750 hồ chứa nước, gần 20.000 trạm bơm, gần 300.000km kênh mương và hàng chục nghìn km đê sông, đê biển. Việc quản lý nhà nước từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ phát triển thủy lợi chiếm một tỷ lệ rất lớn trong quản lý nguồn nước. Theo các chuyên gia, nếu không làm rõ và phân định chức năng quản lý nhà nước sẽ làm giảm hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên nước do sự chồng chéo về nhiệm vụ.
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, tiến tới khai thác, sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước, theo ông Ngô Mạnh Hà, vấn đề quan trọng phải xử lý triệt để trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này là việc phân định rõ trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý tài nguyên nước.
Theo đó, quan điểm xây dựng Luật sửa đổi là phải tích hợp nhiều Luật trong Bộ luật chung và trên nền tảng đó, xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Điều này không có nghĩa là Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ phủ hết tất cả các luật khác, mà liên quan đến Bộ, ngành nào thì Luật phân công cụ thể trách nhiệm cho các Bộ, ngành đó thực hiện để tránh chồng chéo trong quản lý.
"Trong kết cấu của Luật lần này, chúng tôi xây dựng theo hướng tổng thể, tức là các Bộ, ngành đều phải chịu trách nhiệm liên quan đến an ninh nguồn nước, chứ không chỉ Bộ TNMT” - ông Hà chỉ rõ, đồng thời cho biết, trong lần sửa này, Bộ TNMT cũng đã đưa ra những quy định chung liên quan đến việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia có trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đơn cử, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định Bộ TNMT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông, nguồn nước trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với khoản 2, Điều 56, Luật Thủy lợi năm 2017 quy định trách nhiệm của Bộ NNPTNT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi. Theo đó, Dự thảo Luật cần làm rõ vấn đề này để tránh chồng chéo trong công tác quản lý tài nguyên nước giữa Bộ NNPTNT và Bộ TNMT.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước với quản lý công trình khai thác, sử dụng nước của các Bộ, ngành; bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa Bộ TNMT với các Bộ có liên quan đến khai thác, sử dụng nước để quản lý thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cần cụ thể hơn; bổ sung trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng liên quan đến nguồn nước, an ninh nguồn nước xuyên biên giới, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.
Khôi Nguyên
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp
Các tin khác
Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.