Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2024 | 3:39:27 Chiều

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 131/2024/QH15 của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.


Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Trưởng Đoàn giám sát là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phó Trưởng Đoàn Thường trực là ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Phó Trưởng Đoàn gồm: Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Mục đích giám sát nhằm đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phạm vi giám sát: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024.

Đối tượng giám sát: Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nội dung giám sát: Việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nhiệm vụ, quyền hạn

Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát (trong đó xác định cụ thể nội dung tập trung giám sát), các đề cương báo cáo, tổ chức triển khai thực hiện và tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát; quyết định điều chỉnh thành phần Đoàn giám sát trong trường hợp cần thiết theo đề nghị của Trưởng Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại Phiên họp tháng 9/2025, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát về nội dung, chương trình, kế hoạch giám sát, tổng hợp chung báo cáo kết quả giám sát.

Văn phòng Quốc hội chủ trì tham mưu, phục vụ Đoàn giám sát về công tác bảo đảm các hoạt động của Đoàn giám sát.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lựa chọn nội dung, phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để tổ chức giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát của Quốc hội; cử đại diện tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội tại địa phương khi có yêu cầu.

Tổ chức thực hiện

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua.  

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2024.

 Theo Quochoi.vn
  •  
Các tin khác

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.