Hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường các-bon
- Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2024 | 4:37:23 Chiều
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Đây là một bước quan trọng trong chiến lược giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-dôn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của môi trường và khí hậu toàn cầu.
Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Bộ TN&MT được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Các sửa đổi này nhằm cụ thể hóa các quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, quản lý tín chỉ các-bon trong nước, và cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon quốc tế.
Ảnh minh hoạ. ITN
Theo dự thảo sửa đổi, Bộ TN&MT sẽ làm rõ đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon trong nước. Cùng với đó, Nghị định sẽ bổ sung quy định về Hệ thống đăng ký quốc gia, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đối với hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon. Các quy định chi tiết về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, bao gồm việc công nhận phương pháp luận, phê duyệt dự án, và cấp tín chỉ các-bon cũng sẽ được đưa vào Nghị định sửa đổi.
Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung phụ lục về danh mục biện pháp và hoạt động khuyến khích giảm phát thải KNK trong hợp tác song phương. Điều này dựa trên cơ sở các biện pháp giảm phát thải có hỗ trợ quốc tế, trong khuôn khổ đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bộ TN&MT sẽ có trách nhiệm cấp văn bản chấp thuận cho việc chuyển giao tín chỉ các-bon quốc tế. Trong trường hợp không được cấp Thư chấp thuận, tín chỉ các-bon chỉ được sử dụng cho mục tiêu NDC của Việt Nam, không được sử dụng cho mục tiêu quốc tế khác.
Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa tổ chức và quản lý tín chỉ các-bon, một yếu tố quan trọng trong việc thực thi các quy định về giảm phát thải KNK. Các quy định này hiện đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể tại Điều 91 về giảm phát thải KNK, và Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn.
Các tin khác
Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá đô thị đạt đô thị thông minh, có cơ chế ưu đãi cho các đô thị phát triển theo mô hình đô thị thông minh.