Thủ tướng: Cả nước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2020 | 8:37:49 Sáng
"Cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hai cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 20 và 22/4 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.
Tại cả 2 cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ đều khẳng định: "Việt Nam đã kiềm chế được lây lan trong cộng đồng, kiểm soát tốt dịch bệnh; các hoạt động ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng cách ly, dập dịch được triển khai quyết liệt".
Đến nay, qua một tuần không có ca nhiễm mới, 223 bệnh nhân đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, nguy cơ lây lan còn cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các lực lượng và mọi người dân đề cao cảnh giác, tuyệt đối không thoả mãn, lơ là, chủ quan.
Thủ tướng yêu cầu cần quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, xâm nhập, phát hiện sớm, cách ly, dập dịch kịp thời; bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân, không được để đại dịch gây hậu quả nghiêm trọng như đã và đang xảy ra tại một số nước trên thế giới.
Trong giai đoạn mới, người đứng đầu Chính phủ lưu ý tiếp tục các giải pháp phòng, chống dịch; vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.
Theo chỉ đạo của ông, chưa được tiếp nhận khách du lịch nước ngoài. Các địa phương quyết định việc mở cửa đón du khách trong nước với điều kiện đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn.
Trong khi chưa có vắc xin và thuốc đặc trị Covid-19, Thủ tướng cho rằng phải thích nghi "chung sống” với dịch bệnh, tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh.
Theo quyết định của Thủ tướng, cả 63 tỉnh, thành trên cả nước không còn nơi nào thuộc nhóm có nguy cơ cao về dịch, song một số khu vực ở vài địa phương, vẫn được coi là nguy cơ cao.
Cụ thể, các huyện Mê Linh, Thường Tín của Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh là địa bàn có nguy cơ cao. Những nơi này phải tiếp tục cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Đặc biệt, người có dấu hiệu ốm sốt nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, trường học, nơi công cộng, phải liên hệ với bệnh viện, bác sĩ để được tư vấn và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Từ ngày 23/4, các tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ được nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch tỉnh, thành tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Với việc đi học trở lại của học sinh, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối, tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục phát huy học trực tuyến, học qua truyền hình.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Tổ 4 người (gồm Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Ngoại giao, GTVT, Quốc phòng) quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón công dân Việt Nam là học sinh dưới 18 tuổi, người đi chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn phải về nước.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam được giao làm đầu mối tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước, với cơ chế tự trang trải (bằng chế độ bán vé).
Các tin khác
Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.