Khẩn trương xây dựng và hoàn thành 2 Quy hoạch về biển

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/7/2021 | 3:55:42 Chiều

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra sáng 8/7, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã chỉ đạo Tổng cục khẩn trương thực hiện lập nhiệm vụ Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021
Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sáng 8/7

Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí cho biết, Tổng cục đã tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; hoàn thành các nhiệm vụ tham mưu trình Bộ để trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt Quy chế phối hợp quản lý Chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.

Công tác xây dựng, hoàn thiện khung pháp luật cũng được Tổng cục chú trọng, đã tham mưu cho Bộ TN&MT trình Chính phủ Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 về Nghị định quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định của Chính phủ quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh); phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ xây dựng Nghị định về hoạt động lấn biển.

Cùng với đó, nhiều thông tư liên quan đến công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo cũng được Tổng cục tích cực khẩn trương triển khai xây dựng như: Thông tư Quy định kỹ thuật xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài vùng biển 03 hải lý và vùng biển 06 hải lý; Quy định kỹ thuật điều tra, khảo sát và đánh giá rác thải nhựa đại dương; Thông tư ban hành mức thu tiền sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao khu vực biển; Quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm ở biển; Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và Quy trình nội bộ giải quyết Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển;…

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về điều tra cơ bản biển và hải đảo; quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu biển và hải đảo; triển khai thực hiện các đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo. Từng bước tăng cường năng lực và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ đã được xác định. Tích cực thiết lập, củng cố và tăng cường mối quan hệ phối hợp tốt với các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại Trụ sở Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại Trụ sở Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Trương Đức Trí cho biết, Tổng cục sẽ tập trung xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và tiến độ; thực hiện thẩm định và phê duyệt hồ sơ nhận chìm, giao khu vực biển theo đúng quy định; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức việc lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 theo Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá cao những nỗ lực, thành tích mà Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021. Để hoàn thành chương trình nhiệm vụ công tác năm 2021, chuẩn bị tốt cho kế hoạch 2022 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng chỉ đạo, Tổng cục cần tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên và khẩn trương tổ chức thực hiện lập 2 nhiệm vụ Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo kế hoạch.

Tổng cục cần rà soát đánh giá toàn bộ các nhiệm vụ còn lại của kế hoạch 2021; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thực hiện, giải ngân các dự án nhiệm vụ kế hoạch 2021; tăng cường công tác phối hợp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong chương trình công tác được giao. Đồng thời tổ chức tốt các đoàn công tác, thanh tra, kiểm tra, làm việc trực tiếp để xử lý kiến nghị của địa phương, tăng cường trao đổi thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo (công tác cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển, cấp phép cho việc nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển). Nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước.

Thứ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn mà đơn vị đang phải vượt qua, đặc biệt là cơ sở vật chất và phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển còn thiếu thốn và hết sức hạn hẹp. Chính vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cần đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, điều chỉnh phân công công việc hợp lý, hiệu quả ở tất cả các cấp.

Theo Thủy Nguyễn/Monre.gov.vn

  •  
Các tin khác

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.