Tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia

  • Cập nhật: Thứ bảy, 7/8/2021 | 11:02:01 Sáng

Kiểm kê tài nguyên nước được thực hiện định kỳ, thống nhất trên phạm vi cả nước, phù hợp với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phù hợp với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Đây là một trong những quan điểm của Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến 2025 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành tại Quyết định số 1383/QĐ-TTg.
Công bố chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước lần đầu
Đề án trên được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu chung là công bố được các chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước (lần đầu) trên các lưu vực sông liên tỉnh và trên phạm vi cả nước trên cơ sở các thông tin, số liệu kiểm kê được thực hiện chính xác, đồng bộ, đúng thời gian.
 Mục tiêu chung của Đề án là công bố được các chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước (lần đầu)
Mục tiêu chung của Đề án là công bố được các chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước (lần đầu)
Các số liệu kiểm kê về tài nguyên nước, khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước là số liệu quan trọng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quy hoạch, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước; làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước và lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, hướng tới việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước, phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Trong đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia để có được các chỉ tiêu kiểm kê lần đầu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, gồm: Số lượng nguồn nước mặt (số lượng các sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, phá); Số lượng nguồn nước dưới đất (số lượng các tầng chứa nước); Lượng nước mặt (tổng lượng dòng chảy; lượng nước mặt chảy vào, ra khỏi biên giới quốc gia; tổng lượng nước chuyển giữa các lưu vực sông và tổng dung tích các hồ chứa trên phạm vi cả nước và theo lưu vực sông).
Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc, với tổng dòng chảy nước mặt hằng năm từ 830 đến 840 tỷ m3. Tuy nhiên, nguồn TNN  chỉ ở mức trung bình trên thế giới, với nhiều yếu tố không bền vững. Tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%. Ðối với TNN dưới đất, có tổng trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. 
Nguồn nước mưa (tổng lượng mưa); Chất lượng nước mặt; Lượng nước dưới đất (trữ lượng tiềm năng; trữ lượng có thể khai thác trong các tầng chứa nước); Chất lượng nước dưới đất ( chỉ số độ tổng khoáng hóa để xác định diện tích phân bố nước mặn;  nước ngọt trong các tầng chứa nước); Khai thác, sử dụng nước mặt (danh mục các công trình khai thác, sử dụng; mục đích khai thác; lượng nước khai thác).
Khai thác, sử dụng nước dưới đất (danh mục các công trình khai thác, sử dụng; mục đích khai thác; lượng nước khai thác); Khai thác, sử dụng nước biển (danh mục công trình khai thác, sử dụng; mục đích khai thác; lượng nước khai thác); Xả nước thải vào nguồn nước (danh mục các công trình xả nước thải; lưu lượng xả vào nguồn nước; loại hình nước thải).
Đồng thời, đề án còn hướng đến mục tiêu cụ thể là xây dựng được phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; và công bố được kết quả kiểm kê tài nguyên nước trong kỳ kiểm kê trên các lưu vực sông liên tỉnh và trên phạm vi cả nước.
Công bố số liệu trong kỳ kiểm kê trên phạm vi cả nước
Việc tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia được thực hiện và công bố số liệu trong kỳ kiểm kê trên phạm vi cả nước với đối tượng thực hiện là nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, nguồn nước mưa, và các công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước: các công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất và nước biển; các công trình xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi đất liền và các đảo có khai thác, sử dụng nước.
Quan trắc môi trường nước
Quan trắc môi trường nước
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đề án thực hiện xây dựng nội dung, dự toán và kế hoạch chi tiết để thực hiện kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, bảo đảm khả thi, hiệu quả, đồng bộ và tránh lãng phí nguồn lực; thu thập, kế thừa các thông tin, số liệu liên quan đến chỉ tiêu kiểm kê, điều tra cơ bản từ các giai đoạn trước và trong kỳ kiểm kê.
Xây dựng phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê tài nguyên nước bảo đảm kết nối với cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên môi trường và chuyển đổi số quốc gia; xây dựng các biểu mẫu, quy trình, phương pháp kiểm kê; tập huấn, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng phần mềm, hướng dẫn kiểm kê.
Thực hiện kiểm kê các chỉ tiêu tại thực địa; tổng hợp, xử lý, phân loại thông tin, số liệu kết quả thu thập, điều tra thực địa và cập nhật số liệu vào phần mềm; kiểm tra, đối chiếu đối với từng chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước; tổng hợp, công bố kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025.
Sẽ có bức tranh tổng thể về thực trạng nguồn nước
Sản phẩm của Đề án là báo cáo kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; Phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê tài nguyên nước; Các báo cáo chuyên đề theo từng chỉ tiêu kiểm kê; Bộ thông tin, số liệu về kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; Hồ sơ công bố kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025.
Nước có vai trò quan trọng phục vụ phát triển bền vững
Nước có vai trò quan trọng phục vụ phát triển bền vững
Quyết định cũng nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng, phê duyệt nội dung, kế hoạch chi tiết để thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước; xây dựng phần mềm quản lý, cập nhật, khai thác dữ liệu kiểm kê; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kiểm kê đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Đề án.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán kinh phí phần nội dung, nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện phù hợp với nội dung, nhiệm vụ của Đề án, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền ban hành; thống nhất với Bộ Tài chính cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện và tổ chức thực hiện việc kiểm kê đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật;
Tổ chức kiểm kê chỉ tiêu về: số lượng nguồn nước mặt, lượng nước mặt, chất lượng nước mặt và khai thác, sử dụng nước đối với các nguồn nước liên quốc gia, liên tỉnh; nước mưa và nước dưới đất trên phạm vi cả nước; khai thác, sử dụng nước biển; xả nước thải vào nguồn nước liên quốc gia, liên tỉnh, nước biển ven bờ;
Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án; Tổng hợp, công bố kết quả kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án.
Nguồn: Báo TN&MT

  •  
Các tin khác

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.