Chung tay chống rác thải nhựa
Những năm trở lại đây, chị em xã Lũng Cú đã quen với việc dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như: Nhà văn hóa thôn, trường học... quét dọn, sắp xếp đồ đạc trong gia đình; thu gom túi ni lông và chai nhựa qua sử dụng,… Thói quen này được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hà Giang xây dựng, thực hiện tại một số địa phương.
Thông qua các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải; được tham gia trực tiếp vào mô hình tái chế rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích, sử dụng tại các điểm sinh hoạt công cộng… người dân đã có ý thức, trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, môi trường sống, cảnh quan làng bản, đường làng, ngõ xóm ngày càng sạch đẹp.
Hội viên phụ nữ Hà Giang tham gia bảo vệ môi trường
Bên cạnh đó, tại huyện Vị Xuyên cũng có nhiều mô hình bảo vệ môi trường như mô hình "Đoạn đường không rác”; "Tổ phụ nữ thu gom rác thải”; "Phụ nữ đeo quẩy tấu đi chợ”; "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, câu lạc bộ "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”,… đã thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên.
Ngoài ra, mô hình "biến rác thành tiền” của Hội LHPN TP. Hà Giang đang được nhân rộng tại các xã, phường, với hàng nghìn phụ nữ tham gia. Theo đó, những loại rác như, đồ gia dụng hỏng không sử dụng được, nhôm, đồng, sắt vụn, chai nhựa, ni lông, vỏ lon, bìa cát tông, giấy vụn,... được gom lại để bán; Những loại rác như: thức ăn thừa, rau, củ, quả, lá cây có thể bón cho cây trồng để riêng, tiện trong việc thu gom, xử lý.
Bà Dương Ánh Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang cho biết, hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, Hội LHPN tỉnh đã thành lập và duy trì 48 tổ "Phụ nữ xách làn, túi, quẩy tấu đi chợ”; 135 nhóm, tổ "Phân loại, thu gom và xử lý rác thải”; 85 tuyến đường "Phụ nữ nói không với rác thải”; 105 "Đoạn đường phụ nữ tự quản”; 75 lò đốt rác thải mini.
Lan tỏa mô hình chăn nuôi hợp vệ sinh
Tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trước đây việc xử lý chất thải chăn nuôi của các hộ dân còn hạn chế do tập quán chăn nuôi của bà con còn lạc hậu, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ, lẻ. Phần lớn các hộ chăn nuôi thuộc đối tượng hộ nghèo nên không có khả năng xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy định. Nhiều hộ sử dụng phân gia súc để bón ruộng, nương nên không xây dựng hệ thống xử lý chất thải khép kín. Trong đó, không khí và nguồn nước là yếu tố bị ảnh hưởng nhiều nhất, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cũng như tạo ra những hệ lụy tiêu cực trong đời sống hàng ngày.
Để khắc phục tình trạng này, tại huyện Quản Bạ đã thí điểm triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi gắn với xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường tại xã Thanh Vân. Anh Dương Xuân Thành, thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân chia sẻ: Được chính quyền địa phương khuyến khích, vận động đổi mới tư duy và hỗ trợ một phần kinh phí, cuối năm ngoái, tôi xây dựng khu chuồng trại mới có hệ thống xử lý nước thải. So với trước đây thì chuồng trại đã đảm bảo vệ sinh môi trường, đàn gia súc sinh trưởng và phát triển tốt.
Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đang được một số hộ chăn nuôi ở Hà Giang bắt đầu thử nghiệm (Ảnh: khuyennongvn.gov.vn)
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y, thực hiện định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, trong năm qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ngành chăn nuôi tập trung chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để góp phần bảo vệ môi trường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã mở 21 lớp tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học cho 840 lượt người tham gia; thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tại huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang. Hiện nay, người dân đã chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe vật nuôi thông qua việc xử lý chất thải bằng hệ thống biogas, đệm lót sinh học và ủ phân để xử lý môi trường chăn nuôi.
Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc xử lý môi trường chăn nuôi. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại đầu tư vào các hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn của Nhà nước. Các trang trại xây mới phải nằm trong quy hoạch, phải có hồ sơ thiết kế, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật. Với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng đệm lót sinh học, ủ phân trong chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.
Hoàng Ngân
Nguồn Báo TN&MT