Khẳng định tài nguyên nước Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tác nhân từ việc khai thác bừa bãi, sử dụng quá mức dẫn tới nguồn nước đang "quá ít” và "quá bẩn,” nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này, cần tạo được hành lang pháp lý đồng bộ, mang tầm dài hạn để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Nguồn nước đang "quá ít, quá bẩn”
Nói bức tranh tài nguyên nước của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: "Xưa nay, người Việt vẫn thường hay ví von ‘nhiều như nước’ để so sánh với sự dồi dào của tài nguyên này. Song, với những thách thức hiện nay, có thể khẳng định điều này đã không còn chính xác với nguồn nước của Việt Nam.”
Dẫn chứng bằng những con số, ông Thành nhấn mạnh thực tế 63% tổng lượng nước mặt Việt Nam hiện nay là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ; 71,7% lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia…
Dù phần lớn nguồn nước mà Việt Nam đang có đến từ nước ngoài, song việc sử dụng lại kém hiệu quả. Với mỗi m3 nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD cho GDP.
Hơn thế, Việt Nam cũng là một trong số 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu; trong đó tài nguyên nước chịu ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng.
Thẳng thắn nêu lên mối quan ngại về tài nguyên nước tại Việt Nam hiện nay, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cho rằng bên cạnh những tác động khách quan do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang gặp phải thách thức lớn do nguồn nước đang ngày "quá ít” và "quá bẩn” bởi chính cách quản lý, sử dụng.
Thậm chí, theo bà Carolyn Turk, nếu các hành động quyết định tới việc quản lý nguồn nước không được thực hiện, mức độ gia tăng của các mối đe dọa liên quan đến nước có thể làm giảm khoảng 6% GDP của Việt Nam hàng năm vào năm 2035.
Xét về khía cạnh chính sách pháp lý, Việt Nam đã có Luật Tài nguyên nước năm 2012. Tuy nhiên, quá trình thực thi trong hơn 9 năm qua cũng bộc lộ những tồn tại, chưa tạo lập được hành lang pháp lý đồng bộ để đảm bảo an ninh tài nguyên nước.
Dẫn chứng tại đại phương, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng cho biết từ nhiều năm qua, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nước sạch sinh hoạt của thành phố nằm ở "cửa sông ven biển” này phụ thuộc vào hạ lưu của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Do đó, thành phố phải "hứng chịu” toàn bộ lượng chất thải từ thượng nguồn của hai hệ thống sông này dồn về.
Thực tế trên cho thấy Luật Tài nguyên nước đang còn "lỗ hổng” lớn về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh và quy định cụ thể về trách nhiệm, bảo vệ nguồn nước liên tỉnh.
Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước 2012 cũng chưa chú trọng nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước; thiếu cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Tiền thu dịch vụ cung cấp nướ còn thấp; chưa đủ khuyến khích và điều tiết việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững nguồn nước…
Do vậy, việc tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012 để xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là nhiệm vụ rất cấp thiết.
Xây dựng Luật mới "hiện đại hơn”
Trước thực trạng nêu trên, GS-TS. Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng "muốn quản lý tốt thì cần phải quy hoạch tốt.” Tuy nhiên, hiện nay, thông tin quy hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ mang tính công bố về quan điểm chính sách, không có căn cứ áp dụng vào công trình nào.
Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+
Do vậy, việc sửa đổi Luật lần này cần hướng tới việc quy hoạch phải đồng bộ, có chiều sâu. Nếu không làm chặt sẽ lại tạo ra "kẽ hở” bởi cơ chế "xin-cho.”
TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cũng cho biết mặc dù những nguyên tắc cơ bản ở trên thế giới đã được đề cập trong Luật Tài nguyên nước năm 2012. Tuy nhiên, thực tế vẫn nảy sinh nhiều bất cập, do việc sử dụng nước quá mức, gây ô nhiễm. Vì thế, để luật phù hợp với thực tiễn thì công tác quy hoạch cần phải có tính định hướng lâu dài, áp dụng hiệu quả và rõ trách nhiệm hơn.
Cùng với đó, cần có nguồn lực cũng như cơ chế phối hợp quản lý theo lưu vực.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương, giới chuyên gia, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì, sửa đổi Luật Tài nguyên nước cần xây dựng, hoàn thiện luật theo tinh thần thể chế hóa được quan điểm tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thiết yếu.
Thứ hai, các quy định của luật cần sửa đổi lần này cần phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế về tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Thứ ba, việc sửa đổi luật cần kế thừa các nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở tổng hợp, thống nhất quản lý về tài nguyên nước.
"Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao thì có thể đề xuất thực hiện thí điểm,” ông Thành lưu ý.
Thứ tư, các địa phương cần thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số; tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư khai thác sử dụng, bảo vệ, khôi phục nguồn nước bị suy thoái.
Thứ năm, Luật cần coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, cũng cho rằng để đảm bảo an ninh nguồn nước, Việt Nam cần tăng cường khuôn khổ pháp lý toàn diện hơn để giải quyết các thách thức, nhất là việc cải thiện chất lượng nguồn nước.
Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước cần "hiện đại hơn” để đảm bảo việc quản lý đồng bộ cả chiều ngang và chiều dọc; nhất là phân cấp, phần quyền cho các địa phương có lưu vực sông, đảm bảo an toàn hồ đập, bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới.
"Chúng tôi rất vui mừng khi được cùng các đối tác khác tham gia hỗ trợ Việt Nam vào việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước. Theo đó, chúng tôi cam kết sẽ mang kinh nghiệm và tri thức toàn cầu để giải quyết các thách thức về nước, đảm bảo xây dựng một bộ Luật có chiều sâu và tầm nhìn dài hạn,” bà Carolyn Turk nói.