Cuối năm 2022, tỷ lệ thất thoát nước còn 18,46%

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/9/2022 | 9:56:29 Sáng

Giảm được 1m3 nước thất thoát, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cũng sẽ tăng được từng ấy lợi nhuận, còn giúp nguồn tài nguyên nước của TPHCM ngày càng được sử dụng hiệu quả.

Do đó, giảm thất thoát nước là mục tiêu quan trọng, là kim chỉ nam xuyên suốt trong hoạt động của toàn bộ cán bộ, đảng viên, công nhân viên của SAWACO vì mục tiêu phát triển vì cộng đồng.
Thất thoát từ 40,53% còn 19,96%
SAWACO luôn xác định, giảm thất thoát nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng nước sạch phục vụ khách hàng. SAWACO đã chỉ đạo quyết liệt và tập trung thực hiện các giải pháp giảm thất thoát nước. Các đề án, kế hoạch về giảm thất thoát nước được xây dựng và triển khai đến từng bộ phận trong suốt thời gian qua. Trong hơn 10 năm, sự nỗ lực của SAWACO đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận: tỷ lệ thất thoát nước từ 40,53% đã giảm còn 19,96% (giảm hơn 20%).
Cuối năm 2022, tỷ lệ thất thoát nước còn 18,46% - 1
Công nhân cấp nước TPHCM dò bể để kịp thời phát hiện rò rỉ, giúp giảm thất thoát nước
Đại diện SAWACO cho biết, qua 10 năm thực hiện giảm thất thoát nước, kết quả đạt được mỗi năm đều hoàn thành và vượt đề án đặt ra. Riêng năm 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn và hoạt động giảm thất thoát nước cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất thoát nước cao hơn kế hoạch. Năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị trong toàn tổng công ty nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước. Qua 8 tháng triển khai, kết quả rất khả quan. SAWACO đặt mục tiêu, đến cuối năm 2022, tỷ lệ thất thoát nước kéo giảm còn 18,46%.
Đại diện SAWACO chia sẻ, trong bối cảnh nguồn nước ngày càng cạn kiệt do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, để sản xuất nước sạch, các đơn vị cấp nước ngày càng phải tốn nhiều chi phí xử lý, quản lý vận hành. Do đó, nếu làm tốt công tác giảm thất thoát nước thì lượng nước thu hồi được xem là một nguồn nước. Bên cạnh đó, các đường ống dẫn nước thường đặt dưới lòng đường kết hợp với hàng loạt hệ thống cơ sở hạ tầng khác như điện, viễn thông, giao thông… Khắc phục thất thoát, ngăn chặn nước rò rỉ chảy dưới lòng đường cũng ngăn cản, hạn chế tình trạng sụt lún gây hư hại, ảnh hưởng các công trình hạ tầng.
Cuối năm 2022, tỷ lệ thất thoát nước còn 18,46% - 2
Cuối năm 2022, tỷ lệ thất thoát nước còn 18,46% - 3
Cuối năm 2022, tỷ lệ thất thoát nước còn 18,46% ảnh 2
Tỷ lệ thất thoát nước cũng thể hiện năng lực quản lý kỹ thuật, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của một đơn vị cấp nước. Điều đó cho thấy, hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch rất cần được quan tâm và tập trung các nguồn lực thực hiện, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững hoạt động cấp nước.
Tiếp tục kéo giảm dưới 15% vào năm 2030
Với quyết tâm thực hiện công tác giảm thất thoát nước, năm 2013, SAWACO đã thành lập Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ cấp nước nhằm tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên tổng công ty, nhất là khối công nhân kỹ thuật. Năm 2022, đơn vị thành lập Phòng Giảm thất thoát nước tổng công ty để tăng cường công tác tham mưu, triển khai thực hiện thống nhất và xuyên suốt kế hoạch giảm thất thoát nước trong toàn tổng công ty. Nguồn nhân lực con người cũng được SAWACO hoàn thiện dần.
Ngoài ra, SAWACO đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là việc hoàn thiện hệ thống đồng hồ tổng (DMA) mua bán sỉ nước sạch với đầy đủ các trang thiết bị truyền dữ liệu. Công tác phân vùng tách mạng, giảm thất thoát nước chủ động tại các DMA cũng được đầu tư mạnh. Đơn vị còn cải tạo, thay thế các tuyến ống cũ mục. Từ năm 2010 đến năm 2021, SAWACO còn cải tạo được gần 850km đường ống và trang bị đồng hồ điện tử, truyền dữ liệu các đồng hồ nước có sản lượng tiêu thụ lớn nhằm tăng cường kiểm soát giảm nước thất thoát vô hình.
Toàn tổng công ty cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác giảm thất thoát nước. Hệ thống SCADA giúp kiểm soát áp lực, lưu lượng trên mạng lưới. Hệ thống SAWAGIS quản lý mạng lưới hiệu quả cùng với rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai tại các đơn vị, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đảm bảo cấp nước an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nước thất thoát, thất thu. Các trang thiết bị cũng được nâng cấp, trang bị kịp thời để phục vụ công tác dò tìm rò rỉ, quản lý mạng lưới, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao tại các đơn vị.
Trên thực tế, công tác giảm thất thoát nước vẫn còn nhiều khó khăn như hệ thống cấp nước hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn. Khoảng cách lớn từ các nhà máy nước đến điểm cuối mạng lưới, không có bể chứa, trạm tăng áp trung gian làm chênh lệch lớn áp lực giữa đầu nguồn và cuối nguồn, dẫn đến khó khăn trong quản lý áp lực, lưu lượng. Hệ thống đường ống tồn tại nhiều tuyến ống cũ mục (đặc biệt ống cấp 2) chưa thể thay. Dù vậy, SAWACO vẫn đặt ra kế hoạch giảm thất thoát nước trên hệ thống cấp nước TPHCM giai đoạn 2022-2025 định hướng đến năm 2030, xác định mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát nước đến năm 2025 xuống dưới 17,5%; đến năm 2030 xuống dưới 15%.


Phương Thảo



Nguồn SGGP

  •  
Các tin khác

Ngày Nước Thế giới năm nay được LHQ phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Chiến dịch cho Ngày Nước Thế giới năm 2023 hiện đang hoạt động. Trọng tâm của chiến dịch này là thúc đẩy thay đổi để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Hiện trạng khai thác và sử dụng nước mặt tại Việt Nam

Tài nguyên nước mặt của Việt Nam đang được khai thác và sử dụng phục vụ những mục đích khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ điện đến sinh hoạt.

Những con số thống kê về nước của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói lên vai trò chủ đạo của nước trong phát triển kinh tế - xã hội.