Mục tiêu chính của dự án: (1) Nâng cao năng lực của VWSA trong bối cảnh cổ phần hoá ngành nước; (2) Mở rộng mạng lưới quan hệ hợp tác của VWSA và các đơn vị thành viên; (3) Hỗ trợ thí điểm 02 doanh nghiệp cấp thoát nước thành viên xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững; và (4) Chất lượng dịch vụ của đơn vị hội viên được cải thiện thông qua phổ biến, nhân rộng và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động thí điểm nhằm cải thiện các chỉ số vận hành và chất lượng dịch vụ của hội viên VWSA.
Lễ ký kết khởi động Dự án
Sau gần 4 năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả đáng mừng, hoàn thành xuất sắc những mục tiêu đề ra, góp phần vào sự phát triển của ngành và Hội Cấp Thoát nước Việt Nam.
Kết quả 1: Nâng cao năng lực của VWSA
1. Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ của Văn phòng VWSA
Với mục tiêu nâng cao năng lực giúp VWSA hoạt động chuyên nghiệp hơn, dự án đã hỗ trợ nhân viên văn phòng Hội thông qua các khóa đào tạo về quản lý dự án, quản lý tài chính và điều hành, và các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Dự án cũng hỗ trợ các thành viên của VWSA thông qua việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tìm kiếm và kết nối với các đối tác/hiệp hội ngành quốc tế.
2. Cải thiện công tác truyền thông của Hội
Mở chuyên mục Hợp tác ngành nước Việt Nam - Phần Lan trên website Hội (http://vwsa.org.vn/vn/list-article/177/hop-tac-nganh-nuoc-viet-nam-phan-lan.html). Thông tin trên website được cập nhật thường xuyên với các nội dung phong phú và bổ ích; số lượng truy cập đều tăng hàng năm, cụ thể: năm 2017 có 44.082 lượt truy cập; năm 2018 có 180.545 lượt; năm 2019 có 185.407 lượt và đến tháng 10/2020 đã có khoảng 178.200 lượt truy cập vào trang thông tin của dự án. Truyền thông về kết quả thực hiện dự án có trên trang điện tử http://tapchicapthoatnuoc.vn/.
Biên soạn và phát hành bản tin chuyên trang về hoạt động của dự án: phát hành 6 bản tin (năm 2018 - 3 số; năm 2019 - 2 số và sẽ phát hành số cuối cùng vào cuối năm 2020).
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam (báo in): xuất bản định kỳ 2 tháng/1 số đều đăng tải các hoạt động của dự án và được phát hành tới tất cả các hội viên trên toàn quốc.
3. Phát triển hội viên
Số lượng hội viên của VWSA tăng hàng năm: 2017 là 329 và 2020 là 371 hội viên, tăng khoảng 12%.
Lãnh đạo VWSA tiếp và làm việc với ngài Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam
Kết quả 2: Mở rộng mạng lưới của VWSA và hội viên
Các hoạt động hợp tác của VWSA được mở rộng và tăng cường ở cả tầm quốc gia và quốc tế.
1. Ký kết hợp tác với Hội ngành nước các nước như: Úc, Hàn Quốc, Anh, Hungary, Phần Lan, Đức..., tiếp tục hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế GIZ, JICA, ADB, WB...
2. Phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề; triển khai các hoạt động về đối thoại chính sách, nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm; ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới cũng như xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước.
3. Chủ trì, phối hợp với UBM (nay là Informa Markets Việt Nam) tổ chức thành công Vietwater - một trong những sự kiện lớn nhất của ngành nước Việt Nam, mỗi năm thu hút khoảng 40 nước tham gia với trên 500 gian hàng. Triển lãm là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành nước giới thiệu sản phẩm, vật tư, thiết bị, công nghệ và ứng dụng chuyển giao công nghệ mới tại Việt Nam. Trong khuôn khổ VietWater, các Hội thảo quốc tế cũng được tổ chức với các chủ đề đang được ngành nước quan tâm như: "Phát triển ngành nước Việt Nam theo hướng bền vững” (2017); "Ngành nước Việt Nam với Cách mạng Công nghiệp 4.0” (2018); "Quản lý nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” tại Hà Nội và "Ngập úng đô thị - Thực trạng và Giải pháp” tại TP. Hồ Chí Minh (2019)...
Bên lề Vietwater 2018, VWSA phối hợp Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam và FWF tổ chức hội thảo chuyên đề: "Quản lý rủi ro hướng tới cấp nước an toàn” nhằm chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ nguồn nước, phương pháp bổ cập nước ngầm, công cụ quản lý cấp nước an toàn của Phần Lan và Việt Nam. Cũng tại Diễn đàn, 10 Doanh nghiệp Phần Lan và 02 doanh nghiệp Việt Nam đã trình bày giới thiệu về Doanh nghiệp cũng như những mong muốn hợp tác của mỗi bên; ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (VN) với Công ty Nước vùng Turku và Công ty Fludit (Phần Lan).
4. Tổ chức các chuyến làm việc có hiệu quả giữa VWSA và FWF tại Việt Nam và Phần Lan để mở rộng các quan hệ hợp tác.
5. Hỗ trợ VWSA tham dự một số sự kiện, triển lãm, hội nghị quan trọng nhằm giúp cho VWSA có những cơ hội kết nối giao lưu với các Hiệp hội ngành nước quốc tế.
6. Mở rộng quan hệ hợp tác với các Hội nghề nghiệp ở Việt Nam như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam...
Diễn đàn ngành Nước Việt Nam - Phần Lan nhân Sự kiện Vietwater 2018
Kết quả 3: Thí điểm thành công xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp
Trên cơ sở tiêu chí được VWSA và FWF thống nhất, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng và Công ty CP Nước-Môi trường Bình Dương được lựa chọn hỗ trợ thí điểm xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện thành công Chiến lược phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh cổ phần hóa. Kết quả, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng và Công ty CP Nước-Môi trường Bình Dương đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra trong chiến lược như tổng công suất cấp nước, tỷ lệ thất thoát nước, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước, đặc biệt là tăng thêm thu nhập của người lao động.
Từ kết quả triển khai thí điểm của 2 đơn vị, VWSA đã biên soạn, phát hành cuốn "Chiến lược phát triển doanh nghiệp ngành nước” và tổ chức tập huấn cho các đơn vị hội viên. Khóa tập huấn đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp ngành nước Việt Nam.
Hội thảo tham vấn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch
Kết quả 4: Nâng cao chất lượng dịch vụ các đơn vị hội viên thông qua phổ biến, nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng
1. Về tư vấn phản biện chính sách
VWSA đã tổ chức một số hội nghị hội thảo tham vấn về cơ chế chính sách phát triển của ngành; tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Luật, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của ngành; các tiêu chuẩn quy chuẩn; các chương trình quốc gia, các dự án lớn của ngành. Các ý kiến đóng góp được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, nhiều ý kiến được tiếp thu và đưa vào văn bản luật...
2. Hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị hội viên
Chương trình đào tạo được tổ chức bài bản, nội dung giáo trình được chuẩn bị tốt, giảng viên có trình độ cao đã giúp cho các đơn vị hội viên được kịp thời trang bị các kiến thức để áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh cổ phần hóa.
3. Tổ chức các cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan
4. Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn về những vấn đề đang được sự quan tâm của ngành nước Việt Nam như "Chiến lược phát triển doanh nghiệp ngành nước”; "Quản lý tổng hợp và bảo vệ nguồn nước tại Việt Nam”; "Bình đẳng giới tại các công ty cấp nước trong bối cảnh cổ phần hóa tại Việt Nam” và "Hướng dẫn huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước ở Việt Nam”.
5. Chất lượng dịch vụ của các đơn vị hội viên được cải thiện
Thể hiện ở các chỉ số: (1) Tổng công suất cấp nước tăng từ 7,5tr m3/ngày đêm lên 10,9tr m3/ngày đêm; (2) Tỷ lệ thất thoát thất thu giảm từ 21% xuống 18%; (3) Doanh thu tăng và lợi nhận tăng hàng năm từ 10-15%; (4) Chất lượng nước được cải thiện đạt được tiêu chuẩn, chất lượng nước mới của Bộ Y tế; (5) Mức độ hài lòng của khách hàng được nâng cao.
Lớp bồi dưỡng về kỹ năng quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hoá
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID, các doanh nghiệp vẫn chủ động thích ứng, đảm bảo dịch vụ, thu nhập và không để người lao động bị thất nghiệp.
Với sự nỗ lực và quyết tâm của VWSA và FWF, đến nay cơ bản các hoạt động của dự án đã được tổ chức triển khai và thực hiện đúng tiến độ, đạt và vượt các mục tiêu của dự án đặt ra. Với những kết quả đạt được VWSA mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác với ngành nước Phần Lan trong các lĩnh vực mà Phần Lan có thế mạnh và Việt Nam đang quan tâm. thông qua các chương trình dự án về các lĩnh vực: đào tạo nâng cao năng lực; chống thất thoát thất thu; bảo vệ nguồn nước; cải thiện dịch vụ bằng việc số hóa mạng cấp nước phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các lĩnh vực gắn với quản lý thông minh; thành phố thông minh...
Với tầm ảnh hưởng và uy tín của mình, VWSA cũng sẽ tiếp tục cùng đối tác Phần Lan nỗ lực xây dựng những đề xuất dự án phù hợp với các công cụ tài chính mới của Phần Lan và cố gắng hiện thực hóa các đề xuất dự án này. Điều đó sẽ giúp cho sự hợp tác của ngành nước 2 quốc gia ngày càng hiệu quả, bền chặt và góp phần thúc đẩy việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 về đảm bảo quyền được có nước sạch và vệ sinh môi trường cho tất cả mọi người.
›HẠ THANH HẰNG
Trưởng ban Hợp tác quốc tế - Hội Cấp thoát nước Việt Nam