Tình yêu nghề gắn liền với tình yêu Thủ đô của công nhân thoát nước

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/8/2024 | 5:04:10 Chiều

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh còn chịu khó tìm tòi sáng tạo trong công việc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí, hỗ trợ đồng nghiệp làm việc an toàn. Nhiệt huyết cống hiến của anh xuất phát từ tình yêu nghề nghiệp, yêu Hà Nội, muốn góp phần nhỏ bé làm đẹp Thủ đô.


Anh Phạm Thành Trung (phía trước) luôn có nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả công việc. Ảnh: Ngân Thùy.

Mười năm làm việc, nhiều sáng kiến được áp dụng

Ấn tượng của tôi khi gặp gỡ anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) là tác phong làm việc chăm chỉ cần mẫn, luôn chân luôn tay, hết lòng vì công việc. Lần gặp đầu tiên, anh đang cùng các đồng nghiệp làm bè thủy sinh để lọc nước hồ Ba Mẫu.

Lần gặp thứ hai, tôi phải chờ anh chẻ xong đống ống tre thành thanh nhỏ để kịp cho các đồng nghiệp kết bè xử lý nước tại hồ Thủ Lệ. Tuy dáng người nhỏ bé, nhưng cánh tay rắn chắc của anh dứt khoát từng động tác. Chẳng mấy chốc đã được một bó nan tre đẫy tay người ôm. Anh kể "các bè thủy trúc được thả xuống mặt hồ vừa tạo cảnh quan, vừa có tác dụng làm sạch môi trường nước”.

Vốn có tay nghề về cơ khí, năm 2013, khi trở thành công nhân thoát nước, anh Trung không quá bỡ ngỡ với các công việc chống úng ngập. Tuy nhiên, anh nhận thấy, làm việc công ích đòi hỏi tinh thần trách nhiệm phục vụ cao hơn. Thực tế, để giúp tiêu thoát nước mưa trên mặt đường có rất nhiều công đoạn. Hằng ngày, công nhân thoát nước phải đi thu rác ở các ghi, ga thu cho thông thoáng, khi mưa xuống là nước chảy kịp; phải chui xuống cống nạo vét bùn đất, dọn dẹp vật cản trong lòng cống không bị tắc nghẽn, nhằm bảo đảm dòng chảy đạt chất lượng cao nhất. Ngoài ra, còn nhiều công việc khác như sửa chữa máy bơm, bảo dưỡng thiết bị máy móc thoát nước, hàn khung máy, lan can... cần được rà soát kiểm tra hằng ngày, bảo đảm điều kiện luôn sẵn sàng vận hành tốt nhất khi trời mưa.

Đến giờ, anh Trung vẫn không quên kỷ niệm những ngày đầu đi làm. Cơn mưa mùa bão đổ nước chóng vánh xuống mặt đất. Khi đó mương Hoàng Cầu vừa thi công xong, đất đá, gỗ ván ngổn ngang trên công trình bị cuốn xuống lòng cống, mắc vào cửa phai không thể đóng xuống để điều hòa mực nước hồ Hoàng Cầu. Không chút do dự, anh Trung và một bậc "tiền bối” đã lặn xuống cửa cống, dùng hết sức lực lôi tấm gỗ ra để cửa phai vận hành đúng quy trình.

Cần mẫn làm việc và cống hiến, anh Trung đã có nhiều sáng kiến cải tiến được áp dụng mang lại hiệu quả cao trong công việc, tiết kiệm chi phí đầu tư cho công ty. Từ việc chuyển thiết bị thông cống là quả găng cứng sang quả găng co giãn, đã giúp công việc của anh em thoát nước dễ dàng hơn rất nhiều. Trước đó, khi dùng quả găng cứng để lôi bùn đất trong lòng cống nếu gặp các chướng ngại vật lớn thì quả găng sẽ bị kẹt, đứt dây kéo khiến công nhân phải lội xuống cống dò tìm.

Anh Trung sáng kiến ra quả găng co giãn gắn lò xo và các khớp động, có thể kéo giãn, giảm thể tích để dễ dàng chui qua các vật cản dưới lòng cống mà vẫn đạt hiệu quả thông tắc bùn đất. Hay việc dùng xe cẩu di chuyển máy bơm khi sửa chữa gặp nhiều khó khăn vì phương tiện khó tiếp cận hiện trường, được anh Trung báo cáo sáng kiến thay thế bằng cách lắp đặt trụ cẩu quay 360 độ để các công nhân trực tiếp thao tác thuận tiện...

Năm 2017, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thành lập Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ, anh Phạm Thành Trung được điều về Tổ xử lý chất lượng nước trực thuộc xí nghiệp. Công việc của tổ phụ trách 7 hồ, 2 trạm bơm Ngọc Khánh và công viên Hòa Bình. Tại đây, anh Trung không ngừng phát huy những ý tưởng sáng tạo phục vụ công việc.

Mong muốn chiếc bè thủy trúc cải tạo môi trường nước bền đẹp hơn, anh đề xuất thay đổi vật liệu từ thanh nhựa hay bị cong vênh vì ngâm nước sang thành thanh tre càng ngâm nước càng bền. Dây buộc bè thủy trúc trước đây dùng dây thít nhựa, chỉ một thời gian là mục ải đứt gẫy, được anh đề xuất thay thế bằng dây sợi inox 304 bền đẹp, thời gian sử dụng lâu, ngâm nước thoải mái, tiết kiệm chi phí cho công ty. Đặc biệt, phải kể đến những sáng kiến điều khiển đóng mở thiết bị từ xa bằng tin nhắn SMS như mở cửa phai ở trạm bơm, mở tủ điều khiển điện, bật tắt thiết bị sục khí ở các hồ.

Cửa phai là hệ thống đóng mở ở các trạm bơm điều hòa. Việc đóng mở cửa phai vốn được xử lý bằng thao tác tay quay trực tiếp. Xử lý xong điểm hồ này, công nhân phải di chuyển đến hồ khác cách xa nhau. Khi áp dụng hệ thống điều khiển từ xa đã giúp giảm thời gian đi lại của công nhân, xử lý các công việc kịp thời vào những thời khắc cao điểm trước cơn mưa phải mở cửa phai sẵn sàng tiếp nhận nước mưa chảy vào hồ. Nhưng hết mưa phải đóng lại ngay để hạn chế nước thải vào hồ và bơm điều hòa mực nước trong hồ về quy định.

Hiện, anh Trung đang báo cáo sáng kiến mở của phai bằng năng lượng mặt trời ở các trạm bơm không có nguồn điện hoặc khi mất điện. "Những sáng kiến, cải tiến xuất phát từ chính công việc hằng ngày. Quá trình làm việc tôi thấy những gì chưa phù hợp thì nghĩ ra cách làm phù hợp để đề xuất áp dụng”, anh Trung cho biết.

Góp sức nhỏ làm đẹp Thủ đô

Cùng với những đóng góp cho công việc chung, anh Trung còn chịu khó tham gia các cuộc thi tay nghề của ngành Xây dựng, hội thi thợ giỏi thành phố và liên tục được các giải thưởng cao, được tặng nhiều bằng khen về thành tích sản xuất, chiến sĩ thi đua, người tốt, việc tốt cấp thành phố.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trương Hải Yến cho biết, công việc vận hành cửa phai rất quan trọng đối với thoát nước mùa mưa, công nhân thoát nước phải ứng trực thường xuyên, kịp thời thực hiện nhiệm vụ thành phố giao cho đơn vị. Anh Trung là một trong nhiều công nhân tham gia việc đó. Quá trình làm việc, anh luôn tìm tòi sáng kiến xử lý nhiều tình huống có thể xảy ra khi mưa bão như mất điện, kẹt rác trước và sau cửa phai... hạn chế tối đa những trục trặc có thể ảnh hưởng đến công tác phòng, chống úng ngập toàn thành phố.

Hơn 10 năm công tác, anh Trung được mọi người trong công ty đánh giá là công nhân nhiệt huyết, chịu khó, tích cực của xí nghiệp và công ty, đặc biệt, góp phần quan trọng trong công tác chống úng ngập của thành phố. Những sáng kiến cải tiến của anh luôn được Ban lãnh đạo công ty quan tâm chỉ đạo, động viên kịp thời, lan tỏa toàn công ty để khích lệ người lao động tìm tòi sáng tạo nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với cương vị Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, anh Trung thường xuyên tuyên truyền những điển hình trong công ty với anh em trong đội, động viên khuyến khích anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy tinh thần sáng tạo trong công việc. Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ là đơn vị đi đầu trong phong trào công nhân giỏi của công ty, có nhiều công nhân tham gia các cuộc thi thợ giỏi.

Đặc biệt, năm 2023, Tổ xử lý chất lượng nước của anh Trung có công nhân Phạm Văn Toàn đăng ký thi hàn điện đã giành giải Nhất ngay lần thi đầu tiên. Anh Toàn cho biết, khi đăng ký thi vẫn còn nhiều ngần ngại, nhưng kết quả đạt được đã giúp anh tự tin hơn nhiều và sẽ tiếp tục đăng ký các cuộc thi năm sau.

"Trung đội hồ” đã trở thành cái tên quen thuộc được nhiều người trong công ty biết đến với sự nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc. Anh vinh dự được tham gia Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2023. Tâm sự của anh hết sức giản dị, sau mỗi trận mưa lớn mà thành phố không có điểm úng ngập thì cảm thấy vui sướng. Anh luôn mong muốn góp sức nhỏ bé vào sự phát triển, làm đẹp Thủ đô để cho mọi người và bản thân mình cùng thụ hưởng môi trường sống sạch, đẹp.

Thuỳ Ngân/hanoimoi.vn

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.

Nằm trong danh sách các “điểm đen” về ngập úng trên địa bàn thành phố, hàng loạt khu đô thị, tuyến đường thuộc khu vực phía Tây Hà Nội đang tiếp tục chịu cảnh chìm trong biển nước sau mỗi trận mưa lớn.