Nắng hạn ở Đông Nam Á ngày càng khắc nghiệt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2019 | 4:13:28 Chiều

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Hạn hán ở nhiều khu vực của Đông Nam Á sẽ xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Viễn cảnh này sẽ gây tổn thương cho người nghèo, làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập nếu như các chính phủ trong khu vực không hành động ngay từ bây giờ để xây dựng khả năng thích ứng.

Đó là thông điệp cảnh báo trong báo cáo chung của Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á và Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được giới thiệu tại cuộc họp lần thứ 34 của Ủy ban Quản lý thảm họa ASEAN tại TP. Mandalay, Myanmar hôm 24-4.

Báo cáo có nhan đề: “Sẵn sàng cho những năm khô hạn: Xây dựng sự thích ứng với hạn hán ở Đông Nam Á”, được công bố vào thời điểm hạn hán đang diễn ra ở hầu hết các nước Đông Nam Á và đang gây ra những tác động kinh tế, xã hội rõ rệt ở Việt Nam, Campuchia, Philippines và Thái Lan.

Trong tuần qua, nhiệt độ ở nhiều nơi tại Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh đều vượt 40 độ C, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Thậm chí, nhiệt độ tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh ngày 20-4 phá vỡ kỷ lục quốc gia với mức  43,4 độ C.

Tại Thái Lan, thời tiết khô hạn bất thường khiến nhiều hồ chứa nước đang cạn kiệt, đe dọa các vụ mùa do nguy cơ thiếu nước tưới tiêu.

Báo cáo cho biết trong 30 năm qua, hạn hán ảnh hưởng đến 66 triệu người dân ở Đông Nam Á. Hạn hán đặc biệt gây thiệt hại lớn ở những nước có nhiều người dân làm nông nghiệp bao gồm Lào, nơi 61% người sống bằng nghề nông, Việt Nam (41%), Indonesia (31%), Campuchia (27%) và Philippines (26%).

Báo cáo cũng ghi nhận những vụ hạn hán nghiêm trọng nhất xảy ra khi có hiện tượng El Nino, dẫn đến các mẫu hình thời tiết cực đoan.

Thời tiết nắng hạn trong khu vực sẽ gây tổn thương nặng nề nhất đối với người nghèo, làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Hạn hán cũng làm thoái hóa đất đai, dẫn đến các nguy cơ xung đột bạo lực để giành quyền tiếp cận tài nguyên và đất đai cũng khiến nhiều người dân rời bỏ làng quê để tìm các cơ hội mưu sinh ở các khu vực đô thị ven biển.

Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, báo cáo cho biết thời tiết khô hạn ở Đông Nam Á sẽ diễn ra thường xuyên, cực đoan hơn và lan rộng chứ không chỉ tập trung tại một số vùng ở Việt Nam và Indonesia.

Để giảm nhẹ mối đe dọa hạn hán lan rộng trong khu vực, ESCAP và ASEAN đề xuất ba giải pháp mà các chính phủ trong khu vực có thể chuẩn bị để ứng phó những năm hạn hán phía trước bao gồm: củng cố công tác thẩm định nguy cơ hạn hán và các dịch vụ cảnh báo sớm; phát triển các thị trường cho vay giảm rủi ro hạn hán và các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với hạn hán.

Armida Alisjahbana, Phó Tổng thư ký LHQ kiệm Thư ký điều hành  ESCAP, nói: “Sự can thiệp kịp thời có thể giảm các tác động của hạn hán, bảo vệ các cộng đồng nghèo nhất và giúp nuôi dưỡng các xã hội hài hòa hơn”.

Tuy nhiên, Danny Marks, Phó Giáo sư ngành nghiên cứu môi trường ở Đại học City ở Hồng Kông, nhận định các hệ thống cảnh báo sớm hạn hán ở Đông Nam Á vẫn còn yếu do hạn chế về công nghệ, nguồn lực tài chính cũng như sự phối hợp thông tin giữa cấp trung ương và địa phương còn chậm chạp.

Ông cho rằng ASEAN cần thiết lập một chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ nông dân gặp thảm họa thiên nhiên bao gồm hạn hán và các nước nhập khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp nên đóng góp chương trình này.

Theo SMCP, ESCAP

  •  
Các tin khác

Chất thải nhựa trên các dòng sông và đại dương thường liên tục nhả các hóa chất vào nước. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn chưa biết số lượng các chất đó lớn như thế nào và trong đó thì những hợp chất nào phát thải mạnh nhất.

Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sóng nhiệt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài ong đất - một trong những loài thụ phấn quan trọng bậc nhất trong tự nhiên.

Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dữ liệu chất lượng cao, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả.

Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ...