Lễ Tổng kết và trao Chứng chỉ cho 24 Giảng viên nguồn về Quản lý nước thải
- Cập nhật: Thứ ba, 9/8/2016 | 11:56:35 Chiều
Sau 1 năm triển khai, Chương trình Đào tạo Giảng viên nguồn hợp tác giữa GIZ - WMP và Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) đã thành công tốt đẹp. Ngày 5/8/2016, sau khi Khóa đào tạo Giảng viên nguồn lần thứ 4 (TOT4) kết thúc, GIZ - WMP và VWSA đã long trọng tổ chức lễ Tổng kết bế giảng toàn khóa và trao chứng chỉ cho các học viên tham gia.
Clip Tổng kết quá trình đào tạo Giảng viên nguồn TOT
Dự Lễ Tổng kết có ông Cao Lại Quang, chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ông Dirk Pauschert, Giám đốc Chương trình GIZ tại Việt Nam, bà Mai Thị Liên Hương Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng, đại diện tổ chức Jica tại Việt Nam cùng nhiều vị khách quý và toàn thể học viên của Khóa đào tạo Giảng viên nguồn.
Bà Phạm Thị Vân Lan, cán bộ Phụ trách Đào tạo - Chương trình Quản lý nước thải của GIZ, người đồng hành cùng các giảng viên và học viên trong tất cả các khóa TOT đã có bài Tổng kết về quá trình đào tạo Giảng viên nguồn và những kết quả đạt được trong suốt 1 năm vừa qua.
Được triển khai từ ngày 7/12/2015, Dự án Đào tạo Giảng viên nguồn đã lựa chọn được 29 học viên tiêu biểu là các Cán bộ quản lý, giảng viên đến từ các doanh nghiệp, trường Đại học, Cao đẳng là hội viên của Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Trải qua 4 khóa đào tạo TOT và thực hành giảng dạy 3 lớp chuyên đề, các học viên đã được bồi dưỡng và rèn luyện những kỹ năng giảng bài, phương pháp thiết kế bài giảng và cách thức tổ chức khóa học một cách bài bản, hiệu quả theo phương pháp tiếp cận mới, lấy người học làm trung tâm và bám sát nhu cầu thực tế của địa phương. Tổng kết toàn khóa đã có 24/29 học viên được trao chứng chỉ trở thành Giảng viên nguồn cho hoạt động đào tạo quản lý nước thải.
Có được thành công đó, các khóa đào tạo Giảng viên nguồn đều được GIZ - WMP và VWSA chuẩn bị rất kỹ lưỡng về cả nội dung, phương pháp, chương trình, tài liệu, giảng viên và cả khâu hậu cần tổ chức… Đặc biệt, GIZ - WMP đã mời các chuyên gia đến từ tổ chức Margraf International sang Việt Nam trực tiếp giảng dạy cho các khóa đào tạo TOT.
- TOT1: Phương pháp sư phạm, các công cụ và kỹ năng đứng lớp.
- TOT2: Phương pháp thiết kế một khóa học.
- TOT3: Áp dụng để thiết kế vào chuyên đề cụ thể và thực tập.
- TOT4: Rút kinh nghiệm đứng lớp và hướng dẫn nội dung của 3 chuyên đề mới.
Như vậy, qua 4 khóa TOT, với kinh nghiệm thực tế, chuyên môn sâu, phương pháp giảng dạy có tính tương tác cao, các giảng viên đã truyền đạt cho học viên những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng trở thành một giảng viên thực thụ.
Tất cả các học viên tham gia Dự án Đào tạo Giảng viên nguồn đều đánh giá rất cao nội dung cũng như phương pháp đào của các khóa học này. Đây là cơ hội để họ được nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trong công tác và cũng là cơ hội để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị bạn. Hơn hết khóa đào tạo giảng viên nguồn đã giúp họ trở thành những giảng viên có thể tự tin đứng lớp để truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm tới các đồng nghiệp của mình một cách hiệu quả nhất.
Thực tế 3 lớp chuyên đề thí điển do các giảng viên nguồn trực tiếp tham gia giảng dạy cho thấy kết quả rất đáng mừng. Số học viên đăng ký tham dự khá đông (25-30 người/lớp) và đa phần học viên đều đánh giá nội dung khóa học gần gũi và hữu ích cho công việc hàng ngày của họ, kỹ năng giảng dạy của giảng viên tốt, cân bằng được giữa lý thuyết và thực hành và quan trọng hơn, các khóa học này đã giúp họ nâng cao được năng lực để thực hiện công việc hiện tại.
Phát biểu tổng kết toàn Khóa đào tạo TOT, ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự hỗ trợ nhiệt tình và rất hiệu quả của GIZ - WMP, đồng thời chúc mừng thành công của chương trình Đào tạo Giảng viên nguồn, chúc mừng các học viên đã trở thành những giảng viên nguồn đầu tiên, góp phần vào công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý nước thải của ngành Cấp thoát nước Việt Nam.
Bài & ảnh: Hà Thắm
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.