Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 8/19 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 402 dự án thứ cấp, trong đó có 326 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm hơn 81% tổng số dự án đầu tư.
Sự phát triển của các khu công nghiệp tuy đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương song cũng tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi phát sinh một lượng lớn nước thải ra môi trường mỗi ngày.
Số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước thải tại các khu công nghiệp hiện phát sinh khoảng 18 nghìn m3/ngày đêm. Đến nay, 100% các khu công nghiệp đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế khoảng 27.800 m3/ngày đêm; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật và thực hiện thông tin báo cáo theo quy định.
Ảnh minh hoạ
Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên được hình thành từ năm 2003, với loại hình sản xuất chủ yếu là thiết bị cơ khí chính xác, điện tử, điện lạnh, thiết bị, phụ tùng ô tô, xe máy, sản xuất khuôn mẫu cho các sản phẩm kim loại và phi kim loại, may mặc...Do các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bởi vậy, các ngành chức năng đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp có sử dụng hóa chất trên địa bàn thực hiện tốt quy định của Luật Hóa chất; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn. Đồng thời, giám sát chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải đối với các doanh nghiệp trong doanh nghiệp thông qua các hoạt động kiểm tra định kỳ, lấy mẫu đột xuất, quan trắc môi trường định kỳ theo mạng lưới quan trắc hiện trạng môi trường do UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hiện khu công nghiệp Khai Quang có nhà máy xử lý nước thải tập trung với 3 modul, tổng công suất 9.800 m3/ngày đêm đã xử lý triệt để nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất có chứa công nghiệp. Theo kết quả quan trắc môi trường 8 tháng đầu năm 2021, các thống số môi trường trong nước thải sau hệ thống xử lý đều năm trong giới hạn cho phép (đạt cột A - QCVN 40:2011/BTNMT).
Tại khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên có 19 doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động sản xuất các linh kiện điện tử, phụ tùng kim loại phương tiện giao thông, bao bì…trung bình tổng lương nước thải phát sinh trên 763 m3/ngày đêm.
Để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nước, Công ty TNHH Vina CPK – đơn vị đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã sớm xây dựng xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung rất hiện đại, gồm 2 modul với tổng công suất 5.000m3/ngày. Cùng với đó lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Theo kết quả quan trắc, các thông số môi trường sau hệ thống xử lý nước thải luôn nằm trong giới hạn cho phép cột A - QCVN 40:2011/BTNMT.
Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy, công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp vẫn còn khó khăn, tiềm ẩn gây ô nhiễm cao nếu không được kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ.
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác xử lý nước thải nói riêng trong các khu công nghiệp, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, ban hành các thủ tục hành chính về môi trường theo hướng cụ thể hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ môi trường của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất có nguồn thải, công suất xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao.
Đặc biệt, tỉnh tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, không ưu tiên thu hút đầu tư mà xem nhẹ nhiệm vụ xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường./.
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam (T/h)