Cần thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải đô thị

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/3/2022 | 11:24:12 Sáng

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2020, môi trường phải tiếp nhận hơn 3.650 triệu m3 nước thải sinh hoạt.

Cần thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải đô thị
Hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%... (Nguồn: Ảnh minh họa).

Nước thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa qua xử lý vẫn đang tiếp tục là nguồn thải lớn (chiếm khoảng 60% lượng nước thải), gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở cả đô thị và nông thôn.

Cả nước hiện có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m3/ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%, trong đó, tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%. Ở nông thôn, thực tế hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Nguyên nhân chủ yếu chính là việc hạ tầng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế. Trong đó, tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn thấp (trong khi 90% hộ gia đình xả nước thải vào bể tự hoại chỉ 4% lượng phân bùn được xử lý); giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải quá thấp (trung bình chỉ bằng khoảng 10% giá nước sạch), chỉ đáp ứng được khoảng 10% chi phí xử lý thực tế.

Bên cạnh đó, năng lực của một số chủ thể liên quan (chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án) chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống và các công nghệ mới; khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nhìn chung còn thấp. Các đơn vị chịu trách nhiệm thoát nước và xử lý nước thải lại có quyền tự chủ rất hạn chế trong hoạt động quản lý vận hành và phát triển hệ thống. Việc kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thải theo quy hoạch chưa được thực hiện thường xuyên.

Chưa kể, viêc đầu tư tài chính cho công tác quản lý nước thải còn thiếu và chưa cân đối mặc dù đã có sự tham gia của khối tư nhân; cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân còn chưa hiệu quả; năng lực của một số chủ thể liên quan (chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án) chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống và các công nghệ mới.

Tại Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 14 dự án thoát nước và xử lý nước thải được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2013 – 2020. Song đến nay mới có 5 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng; 01 dự án đang triển khai, còn lại, 8 dự án chưa thể thực hiện do gặp khó khăn về nguồn vốn, cơ chế đầu tư…

Để tiếp tục kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tập trung triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết Luật (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT), đặc biệt là các quy định về đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, các khu vực tập trung dân cư; xử lý nước thải tại chỗ tại các hộ gia đình, khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Ngoài ra, các địa phương ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung theo quy định tại Khoản 5 Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020...

Đáng chú ý, theo các chuyên gia, hiện có không ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng do lợi nhuận thấp, ít hấp dẫn, thủ tục vẫn khá phức tạp nên chỉ có một số doanh nghiệp tiềm lực mạnh, có nền tảng công nghệ và nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại mới mạnh dạn tham gia. Do đó, cần thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư để huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.


Nguồn Báo Xây dựng

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.