Trong quá trình phát triển, việc bê tông hóa bề mặt các đô thị trong vùng đã làm thay đổi dòng chảy nước mặt tự nhiên, gia tăng nguy cơ ngập úng. Việc thí điểm giải pháp thoát nước bền vững được thực hiện từ năm 2017 tại một số đô thị trong vùng bước đầu cho thấy hiệu quả. Vốn là một giải pháp mới nên trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn thách thức. Việc nghiên cứu dựa trên thực tiễn triển khai thí điểm, tổng hợp các kinh nghiệm và phân tích bài học rút ra để tăng khả năng nhân rộng mô hình, góp phần thoát nước đô thị hướng đến phát triển bền vững.
1. Giới thiệu mô hình thoát nước bền vững
Đến cuối thế kỷ 20, những nhà quản lý đô thị nhận ra cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thoát nước đã quá tải và việc tìm kiếm cách tiếp cận bền vững cho vấn đề này trở nên cấp thiết. Theo Fletcher [1], quan niệm của các nhà quy hoạch rằng hệ thống thoát nước đô thị cần được thiết kế tích hợp với quy hoạch phát triển thành phố, nhằm làm giảm rủi ro do tác động đến vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên thông qua các giải pháp bề mặt cho phép thấm lọc nước và những bể chứa nhân tạo trong đô thị.
Hình 1. Các mục tiêu lợi ích mà SUDS hướng đến [2].
Hệ thống thoát nước bền vững (Sustainable Drainage System - SUDS) được Hiệp hội Xây dựng Vương Quốc Anh (CIRIA) [2] đề xuất với ý tưởng về phát triển bền vững được tích hợp vào quy trình thiết kế hệ thống thoát nước. Điều này có nghĩa là những tác động của hệ thống thoát nước không làm thay đổi lưu lượng tại nguồn, không chuyển nguy cơ từ nơi này sang nơi khác. Bên cạnh việc góp phần phát triển đô thị bền vững, hệ thống thoát nước có thể được thiết kế để cải thiện không gian đô thị, quản lý rủi ro môi trường. Các mục tiêu của SUDS bao gồm kiểm soát lưu lượng và chất lượng nước thoát, tối đa hóa các tiện nghi về không gian và tăng cường đa dạng sinh học (Hình 1).
Theo như Hình 2, có nhiều loại biện pháp cụ thể khi áp dụng SUDS, mỗi biện pháp có những ưu điểm và nhược điểm cụ thể cần được xem xét thận trọng trong quá trình lập quy hoạch và thiết kế. Một số biện pháp SUDS có thể được triển khai tại các hộ gia đình như mái nhà xanh, bể thu gom và tái sử dụng nước mưa. Các giải pháp phổ biến hơn được triển khai ở các không gian công cộng như vỉa hè thấm nước, mương thấm lọc sinh học, vườn mưa, bể chứa ngầm. Ngoài ra còn có biện pháp được triển khai trên quy mô lớn và có hiệu quả với nhiều khu vực trong đô thị như khu đất ngập nước, hồ điều hòa.
Hình 2. Một số biện pháp SUDS áp dụng với các quy mô khác nhau.
2. Bối cảnh và thông tin các dự án thí điểm mô hình thoát nước bền vững tại một số đô thị vùng ĐBSCL
Chương trình chống ngập lụt và thoát nước (FPP) do Tổ chức Hợp tác Đức thực hiện đã tiên phong trong việc thúc đẩy SUDS tại Việt Nam từ năm 2013. Trong khuôn khổ chương trình, các dự án SUDS thực tế đã được xây dựng tại các thành phố ở vùng duyên hải miền Trung và ở ĐBSCL. Thông qua việc sử dụng các dự án thí điểm để chứng minh tính hiệu quả của các công trình SUDS khác nhau trong không gian đô thị, những khoảng trống trong chính sách ngành cấp quốc gia và khung quy hoạch đô thị đã được xác định và bổ sung. Quá trình thể chế hóa đã tạo nền tảng cho việc phổ biến rộng rãi các công trình SUDS trên toàn Việt Nam.
Giai đoạn 2017 - 2020, Chương trình FPP đã hợp tác kỹ thuật với Bộ Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình SUDS tại ba thành phố: Long Xuyên, Cà Mau và Rạch Giá. Việc phát triển dự án thí điểm hệ thống thoát nước đô thị bền vững với mục tiêu đảm bảo phát triển đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Được sự hỗ trợ của GIZ, nhóm nghiên cứu đã tham gia thiết kế, hướng dẫn thi công ba dự án tại các địa phương trên. Trong đó, giải pháp thiết kế áp dụng theo mô hình thoát nước bền vững như: vườn thu nước mưa, vỉa hè thấm, bể chứa ngầm.
Hình 3. Sơ đồ tổ chức các biện pháp SUDS với quy mô vừa và nhỏ được triển khai trong các dự án thí điểm SUDS ở ĐBSCL
Với tính chất thí điểm, dự án chỉ áp dụng một số biện pháp có thể được triển khai trên quy mô vừa và nhỏ như vỉa hè thấm nước, vườn thu nước mưa, bể chứa ngầm và có liên kết với nhau (Hình 3).
3. Kinh nghiệm triển khai mô hình thoát nước bền vững thông qua các dự án thí điểm
Thông qua quá trình triển khai dự án thí điểm SUDS tại ba thành phố vùng ĐBSCL, nghiên cứu đã tổng hợp các kinh nghiệm như sau:
(1) Cơ sở, dữ liệu dùng để nghiên cứu lựa chọn giải pháp, thiết kế: trước hết cần căn cứ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt từ khu vực dự kiến triển khai thí điểm nhằm đảm bảo chức năng sử dụng đất và định hướng phát triển không gian phù hợp. Để tính toán hiệu quả của biện pháp SUDS, cần có các dữ liệu hiện trạng tự nhiên như điều kiện địa chất, mực nước ngầm, mô hình trận mưa theo số liệu khí tượng thủy văn. Đối với các biện pháp triển khai dưới hè phố, cần thu thập, khảo sát hiện trạng đường dây đường ống ngầm nhằm đảm bảo không bị chồng chéo.
(2) Lựa chọn vị trí triển khai và lựa chọn biện pháp SUDS: việc lựa chọn vị trí ưu tiên để triển khai thí điểm mô hình được nghiên cứu đề xuất dựa trên một số tiêu chí như sau:
• Khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hiện tượng ngập úng;
• Khu vực ít hoặc không tác động đến đời sống hàng ngày của người dân;
• Khu vực là không gian công cộng, mang lại lợi ích cho cộng đồng khi cải thiện cảnh quan;
• Khu vực có quy mô phù hợp với khả năng tài trợ của Chương trình và nguồn vốn đối ứng từ địa phương.
Đối với việc lựa chọn biện pháp SUDS phù hợp với điều kiện của địa phương, nghiên cứu dựa trên khung đánh giá của CIRIA và điều chỉnh với các biện pháp quy mô vừa và nhỏ, bổ sung các yếu tố phù hợp điều kiện vùng ĐBSCL như Bảng 2.
(3) Kinh phí đầu tư và quy mô dự án: do đặc thù dự án tài trợ thí điểm của Chương trình FPP, nên quy mô đầu tư của các dự án không lớn, từ 1,5 đến hơn 3 tỷ đồng cho diện tích xây dựng từ 0,1 đến 0,46 ha. Tại Long Xuyên và Rạch Giá, dự án có nguồn vốn đối ứng của địa phương nên được triển khai với quy mô lớn hơn. Trên cơ sở quyết toán kinh phí đầu tư xây dựng của các dự án thí điểm, nghiên cứu đã tính toán suất đầu tư tham khảo đối với các hạng mục biện pháp SUDS như Bảng 3. Suất đầu tư chỉ bao gồm chi phí xây dựng trực tiếp, các chi phí gián tiếp và chi phí khác thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng.
Hình 4. Quá trình thi công bề mặt vỉa hè thấm nước trong dự án thí điểm SUDS tại ĐBSCL
(4) Triển khai và quản lý thực hiện dự án: do tính chất thí điểm, tiến độ triển khai dự án chịu áp lực lớn. Do đó, vận dụng các quy định hiện hành của Việt Nam, dự án xác định thực hiện thiết kế dưới hình thức lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Phương án thiết kế SUDS trong báo cáo được lấy ý kiến các bên liên quan trước khi trình thẩm định, phê duyệt. Với quy mô dự án, báo cáo được đối tác thuê đơn vị thẩm tra độc lập, trình Phòng quản lý đô thị thẩm định và Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định phê duyệt. Với tính chất đặc thù về kỹ thuật thoát nước theo cách tiếp cận mới, nên công tác triển khai thi công theo hình thức đấu thầu hạn chế để rút ngắn thời gian mời thầu. Trong quá trình thi công, bên cạnh đơn vị giám sát thi công, dự án được nhà tài trợ thông qua nhóm nghiên cứu kiểm tra thường xuyên, đảm bảo thiết kế được tuân thủ. Đặc biệt trong công tác lắp đặt các thiết bị, bể chứa, ống đấu nối, hoàn thiện bề mặt vườn thu nước mưa, bề mặt vỉa hè.
(5) Lựa chọn vật liệu, thiết bị và cây trồng: các thiết bị sử dụng trong các biện pháp SUDS chủ yếu làm gia tăng độ rỗng, khả năng trữ và thấm nước bên dưới bề mặt sử dụng như vỉ thoát nước bên dưới vỉa hè, mô-đun trữ nước ngầm, ống HDPE đục lỗ. Ngoài ra còn sử dụng gạch block tự chèn, sàn gỗ ngoài trời với công nghệ sản xuất thân thiện môi trường. Những vật liệu, thiết bị này đều có sẵn tại thị trường Việt Nam với đa dạng nhà cung cấp, đảm bảo tính thực thi và hiệu quả kinh tế. Đối với cây trồng trong các dự án, cần lưu ý điều kiện sử dụng để đảm bảo khả năng sinh trưởng. Các cây trồng hầu hết là cây bụi thấp tầng, phải đảm bảo khả năng chịu úng, chịu hạn và mang tính bản địa để tăng cường đa dạng sinh học. Nghiên cứu cũng đã đề xuất một số loại cây trồng phù hợp với các biện pháp SUDS được áp dụng tại ĐBSCL như Hình 5.
4. Những bài học để nhân rộng mô hình tại đô thị Việt Nam
Các dự án thí điểm SUDS đã bước đầu chứng tỏ hiệu quả. Thông qua báo cáo của Chương trình FPP [3], đánh giá sơ bộ cho thấy tại ba thành phố Long Xuyên, Rạch Giá và Cà Mau hơn 6.000 người dân được hưởng lợi ích trực tiếp từ các dự án thí điểm - giảm ngập lụt, tăng cường không gian xanh ở nơi công cộng; các công trình này cũng giúp giảm thiểu tác động tiêu cực khi ngập úng cho hơn 2,000 phương tiện/giờ tại ba đô thị nói trên.
Hình 5. Vật liệu, cây trồng được đề xuất áp dụng trong các biện pháp SUDS
Tuy nhiên, để tăng hiệu quả nhân rộng mô hình SUDS đối với các đô thị vùng ĐBSCL nói riêng và đô thị Việt Nam nói chung, một số bài học rút ra từ dự án được nghiên cứu phân tích, đề xuất cần được xem xét trong các dự án sắp tới như sau:
(1) Xây dựng văn bản, quy phạm quy định cụ thể hóa về thoát nước đô thị bền vững (cập nhật trong Nghị định 80/2014/NĐ-CP và QCVN 01:2021/BXD) để có hướng dẫn, quy trình triển khai hệ thống thoát nước mặt đô thị bền vững chính thức từ cơ quan chuyên môn. Đồng thời làm cơ sở xây dựng các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến giải pháp thiết kế và lựa chọn vật liệu, trang thiết bị thoát nước mặt đô thị bền vững. (2) Lồng ghép, bổ sung chỉ tiêu, định hướng liên quan đến thoát nước mặt đô thị bền vững trong quy hoạch thoát nước và quy hoạch xây dựng đô thị để làm căn cứ thiết kế. Các nội dung đề xuất bao gồm: tỷ lệ bề mặt thấm nước, tỷ lệ thoát nước bằng các giải pháp SUDS, mức độ ngập và thời gian ngập cho phép.
Hình 6. Dự án thí điểm SUDS được hoàn thiện tại TP Cà Mau năm 2020
(3) Khi triển khai thí điểm tại các khu vực khác, cần đảm bảo sự chuẩn bị kỹ khi lựa chọn địa điểm. Nếu vị trí thực hiện dự án có sự thay đổi dẫn đến sự chậm trễ trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn đầu cần đánh giá liên hệ vị trí để đảm bảo đạt được sự đồng thuận của các đơn vị quản lý khu vực tiếp giáp.
(4) Trong giai đoạn nhân rộng mô hình, cần đảm bảo triển khai toàn diện giải pháp SUDS đối với 3 cấp độ: tại nguồn, khu vực và cấp vùng. Các giải pháp SUDS được liên kết với nhau sẽ hoạt động hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro ngập úng tốt hơn, đặc biệt đối với các đô thị đang chịu tác động do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
(5) Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ tính toán giải pháp kỹ thuật SUDS để làm cơ sở bổ sung quy chuẩn, quy định liên quan.
5. Kết luận
Trong bối cảnh các thành phố ở Việt Nam quá phụ thuộc vào hệ thống thoát nước truyền thống trong việc thu gom nước mặt, sự gia tăng thiếu kiểm soát của tỷ lệ bề mặt không thấm nước đã làm các đô thị chịu nhiều rủi ro ngập úng hơn. Tiếp cận giải pháp thoát nước mang tính bền vững như SUDS là tất yếu đối với các đô thị Việt Nam. Thông qua bài viết này, qua nghiên cứu cho thấy việc triển khai các dự án SUDS cần tham khảo thực tiễn kinh nghiệm và bài học từ các dự án thí điểm. Trong đó cần chú trọng việc lựa chọn địa điểm và biện pháp SUDS phù hợp, vận dụng hiệu quả quy định về quản lý xây dựng hiện hành và cần có sự phối hợp tích cực của đối tác và cơ quan chuyên môn địa phương. Trong thời gian sắp tới, để nhân rộng mô hình cần hoàn thiện văn bản quy định liên quan thoát nước đô thị mang tính tính bền vững, bổ sung quy chuẩn và các cơ sở dữ liệu hỗ trợ quy hoạch, thiết kế.
Tài liệu tham khảo
[1] Fletcher T. Shuster et al. (2015). SUDS, LID, BMPs, WSUD and more - The evolution and application of terminology surrounding urban drainage, Urban Water Journal. số 12.7. tr. 525-542.
[2] B. Woods Ballard, et al. (2015). The SuDS Manual (C753). London. CIRIA.
[3] Chương trình FPP (2020). Báo cáo tổng kết Chương trình Thoát nước và Chống ngập Đô thị Ứng phó với Biến đổi khí hậu. GIZ
Nguồn Tạp chí xây dựng