Rà soát điều chỉnh sớm quy hoạch thoát nước Thủ đô

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2022 | 10:43:26 Sáng

Thời gian gần đây, Hà Nội phải đối mặt với tình trạng úng ngập cục bộ tại nhiều tuyến phố mỗi khi có mưa lớn.

Thực tế này đòi hỏi cấp bách hiện nay là cần rà soát cụ thể và sớm có những điều chỉnh quy hoạch thoát nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế, chấm dứt tình trạng "cứ mưa lớn là ngập lụt”.

Chậm triển khai theo quy hoạch

Theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725 ngày 10/5/3013, hệ thống thoát nước khu vực nội thành được chia làm 4 lưu vực: Tô Lịch, tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ, Long Biên.

Sau gần 10 năm triển khai, đến nay hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội mới chỉ được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch, có khả năng đáp ứng với lượng mưa 310 mm/2 ngày đối với khu vực: Sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 thuộc địa bàn 8 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ. Tuy nhiên, với những trận mưa cường độ lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, khu vực này vẫn tồn tại một số điểm úng ngập do địa hình thấp, xa nguồn xả.

 

Còn lại các khu vực khác như tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch. Cụ thể trạm bơm Liên Mạc (công suất 170m3/giây), trạm bơm Gia Thượng và Cự Khối (tổng công suất 65m3/giây) chưa được xây dựng.

Hiện đang đầu tư trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/giây chưa hoàn thiện thi công kênh dẫn La Khê. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày cùng hệ thống thu gom nước thải cũng chưa hoàn thiện. Nước mưa chủ yếu tự chảy và phụ thuộc mực nước sông Nhuệ trong khi con sông này chưa được cải tạo, nạo vét nên tình trạng cứ mưa là ngập.

Tương tự, khu vực Long Biên cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, do vậy phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiêu thoát của sông Cầu Bây và hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, trước đây vốn chỉ dành cho tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thừa nhận, hạ tầng chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch là một trong những nguyên nhân chưa đảm bảo công tác thoát nước cho TP Hà Nội nên mỗi khi có mưa lớn bất thường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. "TP đã có kế hoạch triển khai đồng bộ các trạm bơm cũng như hệ thống tiêu thoát nhưng việc đầu tư xây dựng đòi hỏi kinh phí rất lớn, sẽ phải thực hiện dần trong các kế hoạch 5 - 10 năm tới” – ông Nguyễn Thế Công cho hay.

Rà soát điều chỉnh sớm quy hoạch thoát nước Thủ đô
Ngập úng trên đường Phạm Hùng tháng 6/2021. Ảnh: Phạm Hùng

Điều chỉnh để thích ứng

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng ngập úng thường xuyên tại Hà Nội có nguyên nhân từ bất cập trong công tác quy hoạch. TP đã có quy hoạch thoát nước tầm nhìn đến năm 2050, nhiều quận, huyện cũng đã có kế hoạch thoát nước chi tiết nhưng việc triển khai lại thiếu tính đồng bộ. Trong khi đó, các dự án bất động sản, nhà ở thương mại liên tục được xây dựng mà không có sự kết nối đồng bộ theo quy hoạch thoát nước của địa phương.

 

Việc tập trung phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa quá nhanh nhưng chưa chú trọng đến phát triển các công trình hạ tầng, thiếu hồ nước, thiếu không gian xanh… làm tăng diện tích "bê tông hóa”, giảm khả năng thấm hút tự nhiên. Cùng đó, không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực đã khiến cho các khu dân cư hiện hữu tại các quận như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… luôn bị "ngâm” trong nước nhiều ngày sau mưa.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để thích ứng với những tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ, Hà Nội cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết thoát nước để có bản quy hoạch mới hơn, thực tế hơn. Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước với 2 giai đoạn, trong đó đặt ra vấn đề lượng mưa với lưu lượng khoảng 160mm/2 ngày (giai đoạn 1), sau đó điều chỉnh lên tới 310mm/2 ngày (giai đoạn 2). Tuy nhiên, như trận mưa vào ngày 29/5 vừa qua chỉ trong 2 giờ đồng hồ tại khu vực Cầu Giấy lưu lượng đã tới 160mm, vượt quá mức giới hạn của quy hoạch thoát nước.

"Từ đó đặt ra, phải chăng đã đến lúc Hà Nội cần tiếp tục điều chỉnh quy hoạch thoát nước giai đoạn 3 để có thể chịu đựng được tác động của biến đổi khí hậu mà dự báo tương lai còn nặng nề hơn nữa” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu vấn đề.

Theo các chuyên gia, TP cần phải điều chỉnh lại quy hoạch trong đó xem xét đồng bộ các yếu tố để thoát nước. Trước hết là chia lưu vực vùng thoát nước trong đó các dòng sông là đầu mối để thoát nước ra khỏi Hà Nội. Cùng đó, cần phủ kín hệ thống cống ngầm cho toàn bộ các khu vực; tăng diện tích mặt nước là các hồ điều hòa từ 2% diện tích tự nhiên hiện nay lên khoảng 3 - 5% để đảm bảo tiêu thoát nước mặt… Đặc biệt, cần tính toán cả về chiều sâu, sự liên thông của các hồ nhằm đạt tối đa khối lượng nước điều tiết.

Một yếu tố nữa là cần tách nước mưa và nước thải sinh hoạt tại các kênh, mương thoát nước Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét… để kiểm soát được lượng nước điều tiết ra. Cuối cùng tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn như Liên Mạc, Yên Sở, Đồng Bông để đẩy nước ra các dòng sông chính.

Cùng nhìn nhận vấn đề úng ngập trên góc độ quy hoạch, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, TS Hoàng Văn Cường cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng Hà Nội thường xuyên ngập úng là TP có nhiều quy hoạch nhưng thực hiện riêng lẻ, thiếu đồng bộ. TP xây dựng các công trình đô thị, nhà ở nhưng không đi kèm với hệ thống thoát nước phù hợp.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) cao điểm mùa mưa ở miền Bắc sẽ diễn ra từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8/2022. Điều này đồng nghĩa người dân Hà Nội sẽ phải thấp thỏm ứng phó với những đợt ngập úng sau những trận mưa lớn trong những ngày tới đây. Và để người dân không phải chịu cảnh cứ mưa là ngập, bên cạnh chiến lược dài hơi thì những giải pháp tức thời cũng cần được TP ưu tiên thực hiện ngay nhằm đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân cũng như bộ mặt đô thị của Thủ đô.

Trong thời gian quá độ chờ thực hiện quy hoạch điều chỉnh này cần có biện pháp đột phá bằng kỹ thuật, khoa học mới, trang thiết bị hiện đại để chống úng ngập cục bộ. Nếu không đồng bộ cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn thì câu chuyện úng ngập của Hà Nội mỗi khi mưa lớn khó mà xử lý được.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Theo Luật Quy hoạch 2017, các quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở, xây dựng hạ tầng, tiêu nước, thủy lợi, nông nghiệp... sẽ được tích hợp, tiến hành đồng thời trong một bản quy hoạch. Nếu thực hiện tốt việc này, các đô thị lớn như Hà Nội có thể giải quyết được tình trạng ngập lụt.

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường


Nguồn Kinh tế & Đô thị

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.