Quản lý nước thải tại các chợ truyền thống tại Thừa Thiên Huế
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2022 | 2:31:43 Chiều
Trên địa bàn tỉnh hiện có 154 chợ truyền thống, trong đó chủ yếu là chợ hạng 3. Đặc thù của chợ truyền thống là tiêu thụ chủ yếu thực phẩm tươi sống nên rác thải, nước thải phát sinh là điều không tránh khỏi.
Kết quả lấy mẫu, phân tích nước thải tại 20 chợ trên địa bàn tỉnh, với 10 chỉ tiêu, do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện gần đây cho thấy, hầu hết nước thải của các chợ đều không đạt quy chuẩn cho phép, nhất là các chỉ tiêu oxy hóa sinh, tổng rắn lơ lửng, amoni và tổng coliform đều vượt giới hạn cho phép so với quy chuẩn. Nguyên nhân là do hầu hết nguồn nước thải này chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường hoặc đổ vào hệ thống thoát nước công cộng.
Rất nhiều chợ đã được xây dựng từ cách đây vài chục năm, nay đang trong tình trạng xuống cấp, hoạt động tạm bợ. Mặt khác, do nhiều chợ trong quá trình chờ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý nên không được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có cả các điều kiện về môi trường vẫn chưa được quan tâm. Kể cả một số chợ mới được xây dựng và cải tạo sau này cũng chưa tính đến việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường.
Vì thế, hầu hết các chợ đều không có hệ thống xử lý nước thải và nguồn thải này được xả trực tiếp ra sông, cống rãnh hay mương thoát nước chung.
Trước đây, chợ Đông Ba từng nằm trong danh sách 9 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh cần phải thực hiện xử lý theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Để ra khỏi danh sách đen này, từ trước năm 2010, chợ Đông Ba đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho phép trước khi đổ ra sông Hương.
Theo thống kê sơ bộ của ngành công thương, đến nay, có 82,6% chợ chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải; 17,4% có hệ thống thu gom và thoát nước nhưng chưa đồng bộ, tức là chỉ có khả năng thoát nước thải, chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Để giải quyết thực trạng này, UBND tỉnh vừa phê duyệt đề cương đề án đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp xây dựng, cải tạo và quản lý hệ thống xử lý nước thải tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch trong thời gian 5 tháng, Sở TN&MT - đơn vị được giao thực hiện đề án sẽ điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu về tình hình hoạt động của các chợ, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, hiện trạng môi trường tại các chợ trên địa bàn tỉnh; đồng thời phân tích, xử lý các thông tin, số liệu nhằm chuẩn hoá tài liệu, số liệu có độ chính xác, tin cậy cao.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT khảo sát lấy mẫu, đo đạc và phân tích chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất, nước thải và không khí tại các chợ. Cụ thể, đơn vị lấy mẫu nước thải, nước mặt, nước dưới đất để đo các thông số như: pH, BOD5, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng chất rắn hoà tan (TDS), Amoni, Nitrat (NO3), dầu mỡ động thực vật, Phosphat, tổng Coliforms...
Sản phẩm của đề án nhằm đánh giá tổng hợp thực trạng hệ thống xử lý nước thải các chợ trên địa bàn và đề xuất giải pháp xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải tại các chợ phù hợp với hoạt động, định hướng phát triển của các chợ; đồng thời đề xuất giải pháp về quản lý hệ thống xử lý nước thải tại các chợ đảm bảo theo đúng quy định về BVMT./.
Nguồn Báo TT Huế
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.