44 tỉnh, thành phố đã triển khai đầu tư các khu, trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/2/2023 | 2:20:48 Chiều

Theo kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2021, có 44 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện đầu tư các khu, trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, chiếm 70%.

Kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2021 cho thấy, có 44 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện đầu tư các khu, trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, chiếm 70%.
Trong đó, các địa phương có tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường cao là Đà Nẵng (88,19%), Nghệ An (60,54%), Bắc Giang (56,36%), Bắc Ninh (49,22%).
Tây Ninh là địa phương có tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường thấp nhất (với 0,95%). Các tỉnh nằm trong danh sách cuối bảng còn có Tiền Giang (1,67%), Yên Bái (1,68%), Đồng Nai (2,34%).

Ảnh minh hoạ 
Xét toàn bộ 63 tỉnh thành, năm 2021, có 18 địa phương có tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường tăng cao hơn so với năm 2020. Trong đó, các địa phương tăng cao nhất là Thừa Thiên Huế (tăng 40%), Bắc Giang (tăng 35,32%), Trà Vinh (tăng 18,61%). Có 22 địa phương giữ nguyên kết quả như năm 2020.
Đồng thời, có 23 địa phương có kết quả giảm so với năm 2020. Trong đó, giảm nhiều nhất là các tỉnh/thành phố: Lâm Đồng (giảm 65.15%), Bắc Kạn (giảm 47.55%), An Giang (giảm 37,38%). Các địa phương giảm tỷ lệ này chủ yếu là do tăng khối lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh do gia tăng dân số trong khi hạ tầng xử lý nước thải đô thị chưa được xây dựng mới.
Theo đánh giá, giá trị trung bình về tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường của cả nước năm 2021 đạt 15,4%, cao hơn 2,2 % so với giá trị trung bình năm 2020 (đạt 13,2%). So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 21 địa phương đạt tỷ lệ cao hơn giá trị trung bình của cả nước.
Các tỉnh, thành phố chưa thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị bao gồm: Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Hoà Bình, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Vĩnh Long.
Trong số 28 chỉ số thành phần của Bộ chỉ số số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI), chỉ số về tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phản ánh mức độ quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật về BVMT tại các đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố, là cơ sở để đánh giá kết quả xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của địa phương đó; được tính theo tỷ lệ phần trăm tổng khối lượng nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trên tổng khối lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh của tỉnh/thành phố trong năm.


Hạnh Vân



Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường


  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.