Chỉ 30,6% cụm công nghiệp trên cả nước có hệ thống xử lý nước thải

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2024 | 4:34:27 Chiều

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2023 cả nước có 705 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Trong đó, có 216 cụm công nghiệp có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động, chiếm 30,6%.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2023 cả nước có 705 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, chiếm 66,4% số cụm đã thành lập. Trong đó, có 216 cụm công nghiệp có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động, chiếm 30,6% số cụm đi vào hoạt động, tăng 37 cụm so với năm 2022. Với những cụm công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong cụm tự xử lý trước khi xả ra ra môi trường.

Hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng xử lý nước thải là "điểm trũng” trong phát triển cụm công nghiệp nhiều năm qua. Theo phản ánh của nhiều địa phương, việc thu hút đầu tư vào hạ tầng xử lý nước thải trong cụm công nghiệp khá khó khăn. Nguyên do, nguồn vốn đầu tư lớn trong khi việc thu hồi khá chậm.


Ảnh minh hoạ.
 
Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp – văn bản mới nhất quy định trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương có trách nhiệm: Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, các mẫu văn bản, chế độ báo cáo thống kê, cơ sở dữ liệu về quản lý, phát triển cụm công nghiệp cả nước; có ý kiến đối với phương án phát triển cụm công nghiệp của các địa phương theo quy định.

Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ xúc tiến đầu tư phát triển cụm công nghiệp.

Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện phương án phát triển, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh; khen thưởng, xử lý kiến nghị, vi phạm pháp luật về cụm công nghiệp theo thẩm quyền, quy định của pháp luật liên quan.

Nghị định 32 cũng phân quyền mạnh mẽ về các địa phương trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: Chỉ đạo xây dựng, thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh hoặc bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; quy định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định việc hỗ trợ đầu tư từ ngân sách địa phương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài các cụm công nghiệp trên địa bàn; tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật, kế hoạch hoạt động phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cơ sở sản xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định canh, tái định cư, xây dựng hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông; bố trí quỹ đất trên địa bàn để xây dựng nhà ở cho người lao động của các cụm công nghiệp trong trường hợp cần thiết; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Tổ chức rà soát, có kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm các cụm công nghiệp, dự án đầu tư trong cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm pháp luật; có biện pháp xử lý, quản lý hiệu quả đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp và không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các quy định khác của Nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền…

Về hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, tại Điều 26, Nghị định số 32 nêu rõ: Ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn (ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của cụm công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cụm công nghiệp phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống) theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước.

Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp.

Nghị định 32 cũng nêu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền, quy định của pháp luật về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Như vậy có thể thấy, trong lĩnh vực cụm công nghiệp, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cụm. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thu hút đầu tư hoà thiện hạ tầng nói chung, hệ thống xử lý nước thải nói riêng và thu hút đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ này, những năm qua Bộ Công Thương đã xây dựng, tham mưu Chính phủ ban hành những chính sách tốt, khuyến khích phát triển hạ tầng cụm công nghiệp. Trong đó, Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015. Theo đó, đối với các tỉnh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên hỗ trợ tối đa 6 tỷ đồng/cụm và 70 tỷ đồng/tỉnh; đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn còn lại, mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/cụm và 50 tỷ đồng/tỉnh.

Kết quả, trong giai đoạn 2011-2015, ngân sách Trung ương đã đầu tư 408 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 81 cụm công nghiệp tại 32/45 địa phương thuộc đối tượng của chương trình; bình quân 5 tỷ đồng/cụm và 12,75 tỷ đồng/tỉnh.

Hiện Bộ Công Thương đã hoàn thành Báo cáo đề xuất Chính phủ Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từ ngân sách Trung ương giai đoạn đến năm 2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các cụm công nghiệp trên cả nước.​

DUY ANH (T/h)

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.