Nhức nhối ngập úng đô thị: Cần giải quyết đồng bộ từ quy hoạch đến xây dựng

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2024 | 4:34:28 Chiều

Để giải bài toàn ngập úng cũng như xử lý nước thải đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất quan điểm cần phải xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ và bài bản.


Hình ảnh ngập úng ở thành phố Hà Nội. Ảnh: PV/Vietnam+

Tình trạng mưa là ngập không chỉ là vấn nạn của riêng Hà Nội mà ngày càng hiện hữu rõ nét ở nhiều đô thị trên cả nước. Mới đây nhất, trận mưa lớn kéo dài từ đêm 8 đến ngày 9.6.2024 đã khiến hàng loạt khu vực tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh chìm trong biển nước, có nơi ngập cả mét.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đưa ra giải pháp căn cơ để giải quyết ngập úng ở các đô thị trong thời gian tới; một trong những phương án chính là cần phải sớm nâng cấp hệ thống thoát nước một cách đồng bộ và bài bản.

Ngập úng đô thị do san lấp ao, hồ

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho rằng một trong những nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị trong thời gian qua là do trong quá trình phát triển đô thị hóa đã xảy ra tình trạng lấp ao, hồ tự nhiên.

Theo ông Khánh, sở dĩ đô thị trước đây không ngập là bởi có ao, hồ làm nhiệm vụ điều tiết, tích trữ nước khi mưa lớn. Các hệ thống thoát nước chảy chưa kịp thì ao, hồ là nơi tích lũy. Còn khi ao, hồ bị lấp thì khả năng điều tiết nước cũng mất đi.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch (trong đó có quy hoạch đánh giá tác động môi trường) trong quá trình phát triển đô thị trước đây cũng chưa được làm bài bản.

"Quy hoạch của chúng ta chủ yếu đang làm về quy hoạch phát triển đô thị, các hạ tầng, dịch vụ, dân cư, nhưng chưa tính thật sâu, thật sát đến định hướng lâu dài,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thẳng thắn chỉ ra thực trạng.

Một nhân tố khác làm ngập úng đô thị được Bộ trưởng Bộ TN-MT chỉ ra là do mật độ xây dựng dày đặc, trong khi hệ thống thoát nước của đô thị ở Việt Nam chưa đồng bộ và thể tích chưa đảm bảo để chứa nước cũng như thoát nước khi có lưu lượng mưa lớn.

Có chung quan điểm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn cho biết tình trạng ngập úng đô thị hiện nay diễn ra rất phức tạp. Nguyên nhân là do tác động của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Cùng với đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã dẫn đến nhu cầu xây dựng tăng cao, trong đó có việc san lấp ao hồ, kênh rạch dẫn đến diện tích bề mặt ngày càng được bê tông hóa; khả năng thoát nước, tiêu thoát nước tự nhiên hay khả năng thẩm thấu tự nhiên bị giảm xuống.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, công tác dự báo quy hoạch đô thị cũng chưa đảm bảo, chưa đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị. Trong khi việc triển khai thực hiện quy hoạch và công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, theo ông Nghị thì ý thức của người dân (như việc tự ý lấn chiếm không gian xanh; san lấp ao, hồ,… để cơi nới, mở rộng công trình xây dựng) và tình trạng rác thải cũng dẫn đến cản trở dòng chảy thoát nước.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Đưa ra giải pháp khắc phục, ông Nghị nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ Xây dựng xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước, xử lý nước thải.

Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị; và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.

Trong đó, luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập; bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực…


Đầm sen nằm ở ven Hồ Tây (phường Quảng An) bị thu hẹp một phần diện tích mặt nước. Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ nâng cao chất lượng lọc, quản lý, quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị. Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng xác định sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.

"Bộ cũng tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai quy hoạch cũng như triển khai quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, cấp, thoát nước thải đô thị,” ông Nghị nói.

Từ góc độ cơ quan quản lý về đất đai, môi trường, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho rằng cho rằng muốn chống được ngập úng đô thị thì cần phải giải quyết một cách đồng bộ từ công tác quy hoạch đến xây dựng.

Theo đó, ông Khánh bày tỏ mong muốn trong các khu đô thị mới hay trong những khu vực phát triển mới sẽ có nhiều ao, nhiều hồ. Bởi theo ông thì ao, hồ là "lá phổi tự nhiên” vừa là để tạo cảnh quan, vừa là những nơi để tích trữ nước khi mưa lớn để chống gây tràn, ngập úng của các đô thị.

"Vì thế, chúng ta phải có nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách bài bản,” ông Khánh nhấn mạnh và nêu đề nghị thời gian tới cần phải nâng cấp các hệ thống thoát nước của các đô thị; trong đó những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM cần phải có một hệ thống thoát nước đồng bộ và bài bản.

Theo Hùng Võ/Vietnam+
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.